Thứ hai, 19/08/2024, 10:41 AM

Thành phố Hồ Chí Minh kích cầu tiêu dùng

(CL&CS) - Trước tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặt ra bài toán kiềm chế giá cả, kích cầu tiêu dùng cho các doanh nghiệp.

Người tiêu dùng mua sắm tại chương trình “Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường” ngày 6/8/2024.

Người tiêu dùng mua sắm tại chương trình “Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường” ngày 6/8/2024.

Xu hướng thắt chặt chi tiêu

Theo Cục Thống kê TPHCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,23% so với tháng trước. Trong đó, có 7/11 nhóm tăng với mức tăng cao nhất. Đơn cử, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%, tác động CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 0,35%, thực phẩm tăng 0,10% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,08%.

Ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho biết, CPI tháng 7 tăng 3,45% so với cùng kỳ. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 3,29%, trong đó, 10/11 nhóm có chỉ số giá tăng và tăng cao nhất là nhóm thuốc, dịch vụ y tế với mức tăng 7,78%, kế đến là nhóm giáo dục tăng 7,48%.

Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại Nielsen IQ Việt Nam cho biết, thị trường tiêu dùng hiện nay đã thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Lý giải về điều này, bà Dung cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 82 nhóm ngành hàng tăng giá, kể cả thực phẩm. Giá cả hàng hóa tăng nên người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chịu khó tiết kiệm và tăng cường tiết kiệm.

Khảo sát cho thấy, 68% người tiêu dùng kiểm tra giá cả hầu hết các sản phẩm trước khi mua, thậm chí so sánh 2 – 3 loại sản phẩm cùng lúc rồi mới quyết định mua. Chính vì quan tâm đến giá hàng hóa nên chỉ cần giá hàng hóa nhích lên là người tiêu dùng nhận ra liền, đồng thời sẽ so sánh kỹ. Bên cạnh đó, có đến 69% người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch bằng cách lập danh sách rõ ràng, thay vì mua sắm theo kiểu ngẫu hứng.

Theo đại diện các đơn vị phân phối, chuỗi siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM, sức mua của người tiêu dùng đã giảm mạnh trong thời gian qua. Hiện sức mua đã từng bước khôi phục trở lại, song thói quen của người tiêu dùng lại có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào các nhóm hàng thiết yếu, có lợi cho sức khỏe. Do đó, các doanh nghiệp cũng đã và đang nỗ lực thích ứng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới.

Doanh nghiệp tìm giải pháp thích ứng

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại miền Trung, miền Nam Central Retail Việt Nam cho biết, thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi sau dịch Covid-19. Vì vậy, các hệ thống siêu thị của Central Retail tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn phù hợp với xu thế tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, Central Retail cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm các địa phương để mở rộng đầu ra cho hàng hóa các tỉnh, thành và tìm kiếm các đơn vị có sản phẩm phù hợp.

Cũng kích cầu bằng cách đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất với giá tốt nhất, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, Saigon Co.op nỗ lực giữ giá cả bình ổn bằng các hình thức như chủ động giảm lợi nhuận để tăng các chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán; đa dạng hóa các chương trình kích cầu tại điểm bán; tổ chức các phiên chợ đồng giá, tham gia các chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu,... Hiện giá cả hàng hóa các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại hệ thống siêu thị vẫn ổn định, không biến động đáng kể.

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), sức mua hiện nay đang có dấu hiệu khôi phục tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, đặc biệt là áp lực lớn cho doanh nghiệp khi tăng lương cơ sở từ tháng 7/2024. Do đó, bên cạnh việc tiết giảm chi phí đầu vào, chi phí quản lý… doanh nghiệp cũng làm việc với các nhà cung cấp để giữ được giá nguyên liệu đầu vào từ nay đến cuối năm. Đồng thời chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào dài hơi hơn để có thể đảm bảo cung cấp hàng hóa cho người dân ở mức giá ổn định.

Nhằm kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương TPHCM đã thực hiện chương trình khuyến mãi tập trung (Shopping Season) hiện kéo dài 3 tháng. Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TPHCM cho biết, chương trình sẽ có những đợt cao điểm kích cầu và người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá tốt nhất. Mới đây, Sở Công thương TPHCM cũng phát động chương trình “Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường” phục vụ người dân có thu nhập thấp, công nhân lao động có hơn 40 nhóm hàng thiết yếu, với gần 500 sản phẩm dành cho mỗi gia đình. Với chủ trương khuyến mại thiết thực, chương trình bán hàng lưu động - bình ổn thị trường mang đến cho người dân cơ hội mua hàng giảm giá, tối đa lên đến 80%... Thời gian kéo dài trong 30 ngày.

Ngoài ra, dự kiến, cuối tháng 8/2024 sẽ có thêm chương trình khuyến mãi hàng hiệu. “Ngành Công Thương TPHCM và các doanh nghiệp tập trung giảm giá tối đa cho người tiêu dùng nhưng kiên quyết không đánh đổi chất lượng để có giá tốt”, ông Nguyễn Minh Hùng khẳng định.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Việt Nam hứa hẹn trở thành điểm đến thu hút vốn đầu tư xanh

Việt Nam hứa hẹn trở thành điểm đến thu hút vốn đầu tư xanh

sự kiện🞄Thứ tư, 27/11/2024, 10:20

(CL&CS) - Việt Nam hứa hẹn là điểm đến thu hút vốn xanh quốc tế nhờ môi trường pháp lý được hoàn thiện, cùng với nỗ lực của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp trong phát triển kinh doanh tuần hoàn và tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:00

(CL&CS) - Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 được đề ra gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:04

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.