Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 13/08/2016, 15:50 PM

Tâm tư nhiều cử tri gửi đến Đại biểu Quốc hội: “Cán bộ mình giàu quá” và gánh nặng quê nghèo

(NTD) - Người dân bây giờ người ta nhìn vào dữ lắm, ai tham nhũng người ta biết hết. Cán bộ nên để dân thương, dân bảo vệ chứ đừng phô trương khiến dân xa rời…

Tâm tư nhiều cử tri gửi đến Đại biểu Quốc hội: “Cán bộ mình giàu quá” và gánh nặng quê nghèo

“Cán bộ mình giàu quá, con cháu cán bộ nhà cửa, ruộng đất bạt ngàn”

Đó là ý kiến của nhiều cử tri đóng góp với các vị đại biểu Quốc hội trong các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây.

Các đại biểu Quốc hội (QH) thuộc đơn vị số 1 TP.Cần Thơ gồm Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Nguyễn Thanh Phương và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Cái Răng vào sáng 5/8.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã gửi gắm ý kiến về các vấn đề tham nhũng, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế…

Trong vấn đề tham nhũng, cử tri Phạm Văn Sung (phường Hưng Thạnh) cho rằng hiện nay có một số cán bộ, Đảng viên làm mất lòng tin trong nhân dân như vụ Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang), ba cán bộ thanh tra giao thông ở Cần Thơ…

XE-LUXUS-95A-0699_opt
Xe Lexus biển số xanh 95A-0699 của ông Trịnh Xuân Thanh.
Đoàn-Vũ-Duy_opt
Các Thanh tra Giao thông bị điều tra tại Cần Thơ: Đoàn Vũ Duy,
ly-hoang-minh_opt
Lý Hoàng Minh,
vo-hoang-anh_opt
Võ Hoàng Anh

“Đảng và Chính phủ không tiêu diệt những "con vi trùng" này thì lâu dần sẽ nguy hại cho đất nước. Đồng thời, nếu việc này kéo dài sẽ làm mất lòng tin trong nhân dân” - ông Sung góp ý.

Cử tri Dương Minh Hùng cũng đặt vấn đề tại sao có nhiều cán bộ, con cán bộ mà tài sản nào là nhà biệt thự, xe ô tô tốt, đất đai mênh mông. "Người dân bây giờ người ta nhìn vào dữ lắm, ai tham nhũng người ta biết hết. Cán bộ nên để dân thương, dân bảo vệ chứ đừng phô trương khiến dân xa rời…" - cử tri này nói.

Trả lời cử tri, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay các vụ án lớn đã được chỉ đạo làm rõ đưa ra xử lý. Vụ Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư đã chỉ đạo. Vụ Phạm Công Danh tòa đang xử. Cử tri yên tâm là sẽ được làm tới nơi, tới chốn.

Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, bà Ngân cho biết các sai phạm trước mắt đã được xử lý như không tái bầu cử chức danh Phó Chủ tịch tỉnh, bác tư cách ĐBQH. Về hậu quả làm mất tiền, sau khi có kết luận sẽ xử lý tiếp. Quy trình luân chuyển về Hậu Giang của ông Thanh sau khi kết luận thuộc trách nhiệm của ai thì sẽ xử lý tiếp.

“Vai trò của báo chí rất lớn. Sau khi báo chí đưa lên chúng ta mới phát hiện và chỉ đạo làm rõ” - bà Ngân nói.

Gánh nặng quê nghèo, cán bộ giàu lên thật ra đều bắt nguồn từ tham nhũng, lợi ích nhóm, làm suy yếu sự quản trị minh bạch của Nhà nước pháp quyền.

Lý giải vấn đề này, trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lý giải đó là do công tác cán bộ yếu kém, Đảng đã nhìn thấy và đang có sự thay đổi đột phá. Giải đáp một số vấn đề cử tri nêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác cán bộ rất quan trọng, là then chốt của mọi then chốt, là gốc của mọi vấn đề, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đường lối hay bao nhiêu, chủ trương, chính sách đúng bao nhiêu, cán bộ không đạt tiêu chuẩn thì cũng không làm được, thậm chí làm sai lệch đi. Cũng vì thế, không phải ngẫu nhiên mà ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, việc đầu tiên là phân công, bố trí lại cán bộ; kiện toàn ngay nhân sự các cơ quan nhà nước.

“Có ý kiến cho rằng, tháng 5 bầu Quốc hội khóa mới rồi, chỉ còn mấy tháng nữa sao thay một loạt cán bộ thế này? Tại sao phải vội kiện toàn nhân sự ngay tại kỳ họp cuối Quốc hội khóa 13 để rồi đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 lại bầu lại, tuyên thệ lại, có hình thức không? Nhưng không phân công làm ngay mà sau Đại hội Đảng vẫn giữ bộ máy như cũ thì về nguyên tắc là không đúng, Đảng ta là Đảng cầm quyền. Hơn nữa nếu cố duy trì trong vài tháng sẽ phát sinh rất nhiều lo ngại” - Tổng Bí thư phân tích.

Nói kỹ hơn về điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Trong thực tế, nếu tiếp tục duy trì bộ máy cũ, dù chỉ còn vài tháng nữa hết nhiệm kỳ thì sẽ nảy sinh tình trạng nhiều đồng chí lo lắng, anh mới thì ngồi đó, anh cũ chuẩn bị hết nhiệm kỳ rồi có khi làm đủng đỉnh thôi, chưa nói tranh thủ đề bạt con em, cán bộ nhà mình lên, hay tranh thủ ký dự án thì để hậu quả cho kỳ sau. Cho nên phải thực hiện đúng tinh thần Đảng đã thay đổi nhân sự Trung ương thì phải bố trí lại”.

Nếu cán bộ giàu thì một bộ phận người dân lại nghèo đi, nghịch lý là cái sự nghèo của họ lại là do phải đóng các loại phí vô lý để nuôi bộ máy cán bộ. Tuy câu chuyện xảy ra ở vài địa phương nhưng nó đã thấu động đến chính phủ. Và nó là điều đau đớn tâm can tất cả vì đi ngược lại các mục đích mà chúng ta đang theo đuổi.

Tận thu sức dân

Đó là câu chuyện đang nóng lên ở truyền thông và mạng xã hội về việc lạm thu ở một vài địa phương thuộc Thanh Hóa.

Câu chuyện này không hề mới ở Hậu Lộc, Thanh Hóa nhưng mà nó vẫn chưa được giải quyết dứt điểm về mặt trách nhiệm.

hinh anh thu phi thu s_opt
Hình ảnh thu phí thu sản.

Hồi đó khi cao điểm của tận thu, một đoàn nhà báo đã về Hậu Lộc thôn Lộc Tiên, thôn mà vài ba năm lại đây người dân kêu trời vì chuyện… làm tối mặt và vẫn không đủ tiền đóng cho cán bộ.

Bà Nguyễn Thị Hiền năm nay vừa tròn 50 tuổi. Tuy bề ngoài có vẻ béo tốt nhưng bà đang mang nhiều thứ bệnh hiểm nghèo. Bà bảo, vài năm nay bà bị chứng bệnh suy thận, suy tim hành hạ. Sự sống của bà phụ thuộc vào sự vay mượn của gia đình và tấm lòng hảo tâm của anh em họ mạc, hàng xóm láng giềng.

"Tháng nào tôi cũng phải mất đến vài ba triệu tiền thuốc. Không có ngần ấy tiền chắc tôi không cầm cự được" - bà Hiền mệt mỏi cho biết.

Vài năm nay, theo bà Hiền, ngoài việc tất tả lo số tiền thuốc thì gia đình bà lại còn canh cánh món nợ với… chính quyền.

"Mỗi năm số tiền đóng góp của gia đình tôi lại nhiều lên, nhìn vào sổ mà cứ hoa hết cả mắt" - bà Hiền bức xúc.

Ở Hải Lộc, nhiều năm nay, chính quyền xã, thôn theo dõi các khoản nghĩa vụ, đóng góp của người dân bằng cuốn sổ "Theo dõi nghĩa vụ và đóng góp của gia đình". Cuốn sổ này được in cẩn thận, trông giống như sổ khám bệnh mỗi khi đến viện.

Tuy mệt mỏi, chán chường mỗi khi động đến cuốn sổ này nhưng gia đình nào cũng phải giữ gìn, nâng niu bởi nó như là bảo vật gia đình.

Trước đây, mỗi khi lên ủy ban xã giao dịch với ủy ban thì phải mang theo sổ này bởi cán bộ xã chỉ tiến hành cho dấu, xác nhận khi trong sổ đã được ghi dòng chữ “hoàn thành các khoản đóng góp”.

Không có dòng chữ này thì mọi thứ phải đình lại kể cả việc liên quan đến sinh mệnh con người.

Bây giờ, theo bà Hiền, khi ra xã xin dấu thì bà vẫn phải mang cuốn sổ này đi. "Không đóng hết nghĩa vụ với xã thì việc xin dấu cũng khó khăn lắm!" - bà Hiền cho biết.

"Đây các anh xem, đóng bằng này khoản thì gia đình nhà tôi lấy đâu ra, khổ lắm các anh ạ" - bà Hiền nói giọng như sắp khóc.

Mở "cuốn sổ Nam Tào" ấy ra, chúng tôi cũng không khỏi giật mình, hốt hoảng. Sổ ghi chi chít những khoản phí, quỹ, phạt…

Sổ chia làm hai mặt. Mặt trái ghi những khoản đóng góp, mặt phải ghi "hành trình" thực hiện.

Mặt trái, nơi dành ghi các khoản đóng góp chia làm 3 phần. Phần thứ nhất là danh mục thu của xã. Phần thứ hai là danh mục thu của các loại quỹ vận động. Phần cuối cùng là danh mục thu của thôn.

Theo đó, năm 2014, gia đình bà Hiền phải đóng tới 3.940.000 đồng. Năm 2015 là 4.372.000 đồng. Năm 2016, theo các khoản ghi trên sổ, gia đình bà Hiền phải đóng góp số tiền là 4.192.000 đồng.

Còn cái gọi là “nộp sản” ám ảnh người dân Thường Nga mấy chục năm rồi. Anh Nguyễn Hải Đường, ở thôn Đất Đỏ nói với các nhà báo: Hàng chục năm trước, mỗi lần đến chiến dịch, lúa tươi gặt về mới chỉ đến sân người ta đã ập đến gạt phần rạ đi mà xúc để đủ chỉ tiêu. Bây giờ có khá hơn là xã vận động người dân tự mang lên điểm thu nộp nhưng về bản chất nhiều gia đình vẫn phải bán sạch lúa, thậm chí là vay mượn để mà đóng đậu. Em gái tôi từng nghĩ quẩn: Hay em ra đường cho xe tông chết đi để nhà ta lấy tiền đền mà nộp sản? Ký ức hãi hùng về chiến dịch thu sản vẫn còn ám ảnh người nông dân xứ này hàng chục năm nay...

le van cuong_opt
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thanh Hóa rất bức xúc trước tình trạng lạm thu.

Ông Lê Văn Cuông (nguyên Phó đoàn ĐBQH khóa 11 tỉnh Thanh Hóa - là ĐBQH các khóa 11,12) đã bày tỏ sự bức xúc, bất bình trước tình trạng lạm thu các khoản đóng góp ở một số địa phương của huyện Hậu Lộc.

Theo ông Cuông, ở huyện Hậu Lộc từng xảy ra việc lạm thu này và báo chí cũng đã lên tiếng, tỉnh chỉ đạo giải quyết rất quyết liệt, nhưng gần đây lại tiếp tục tái diễn ở một số thôn, xã.

"Chứng tỏ ở Hậu Lộc đã có truyền thống không hay trong vấn đề thu các khoản đóng góp bất hợp pháp của dân" - ông Cuông nói.

Ông Cuông cũng nêu rõ, trường hợp người già cả, ốm đau, không thể lao động sản xuất rồi ngay kể cả trẻ em mới sinh ra được vài tháng còn chưa biết gì đã bị chính quyền thôn bổ đầu để lạm thu như vậy thì không thể nào chấp nhận được.

phuong an thu phi kim _fmt
Phương án thu quỹ tại Xã Kim Lộc.

"Trước đây, khi còn là đại biểu Quốc hội, tôi cũng đã phát biểu và cảnh tận thu đang ở diễn ra ở một số địa phương của Hậu Lộc hiện nay.

Cuộc sống của người dân ở nông thôn bây giờ rất vất vả, nguồn thu rất khó khăn, có nơi chỉ trông chờ vào mấy mảnh ruộng nhỏ, không có nghề gì làm thêm...

Thế mà chính quyền thôn lại tự ý đặt ra biết bao khoản thu bất hợp lý, trái pháp luật, có nơi lên đến trên dưới 20 khoản thu, trong đó, nhiều khoản mà tôi đọc thấy rất kỳ lạ. Điều đó là không thể nào chấp nhận được.

Ở đây, Bí thư huyện ủy Hậu Lộc đã nhận rõ đây là khuyết điểm, sai và xin lỗi dân, hứa xử lý nghiêm túc.

Cá nhân tôi rất hoan nghênh tinh thần cầu thị của Bí thư Tỉnh ủy và Bí thư huyện ủy, mong rằng, sẽ có sự quyết liệt xử lý, ngăn chặn kịp thời việc lạm thu trái quy định của pháp luật. Từ đó, tạo bình yên cho người dân ở nông thôn", ông bày tỏ.

Chỉ việc lạm thu ở mấy thôn xã của huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa mà biết bao báo chí lên tiếng, biết bao cơ quan vào cuộc… thì mới vỡ ra địa phương thu sai, sai kéo dài… Cán bộ sẽ bị xử lý nhưng nỗi đau vì bị nhục mạ, bức hiếp, cái nghèo bị trì nặng thêm bởi các loại phí địa phương trái pháp luật thì tính sao cho sòng phẳng, cho phải đạo với người dân đây?

Ôi! Gánh nặng quê nghèo, đừng tưởng rằng nó đã chấm dứt, nó vẫn tiềm ẩn, xuất hiện đâu đó ở các làng quê…

So 250 -3
 

Hoàng Linh

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.