Thứ năm, 27/06/2024, 12:11 PM

Sửa quy chuẩn về PCCC phải gỡ được các vướng mắc nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn an toàn

(CL&CS) - Theo ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc sửa đổi QCVN 06:2022/BXD phải dựa trên nguyên tắc không được hạ thấp các tiêu chuẩn an toàn PCCC nhưng vẫn phải gỡ các vướng mắc.

Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện và đang đợi thông qua để sớm ban hành tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ. Đồng thời, Bộ cũng xem xét sửa đổi QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình theo hướng tiếp thu các phản ánh, cập nhật vướng mắc khó khăn từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc sửa đổi quy chuẩn phải dựa trên nguyên tắc không được được hạ thấp các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng vẫn phải gỡ các vướng mắc.

Sau vụ cháy công trình nhà ở tại phường Khương Hạ, quận Thanh Xuân (thành phố Hà Nội), các cơ quan quản lý nhà nước đã rà soát đối với nhóm công trình thuộc loại hình này và xác định rất nhiều công trình được xây dựng chưa tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, khái niệm "chung cư mini" không được quy định trong các văn bản pháp luật cũng như văn bản kỹ thuật. Các công trình nhà ở được xây dựng trên đất ở khi lập hồ sơ thiết phải tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng.

Để giải quyết thực trạng hiện nay đối với các công trình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ hiện hữu, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Công an, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ tình hình thực tiễn biên soạn "Tài liệu tham khảo Hướng dẫn nâng cao an toàn cháy đối với công trình hiện hữu"; trong đó nêu và hướng dẫn một số giải pháp kỹ thuật trên cơ sở các nguyên tắc an toàn cháy cơ bản để giải quyết bổ sung một số giải pháp nhằm đảm bảo hơn về an toàn cháy cho người và các công trình hiện hữu chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn cháy như: đường thoát nạn, ngăn chặn cháy lan, báo cháy…

Các công trình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ hiện hữu, căn cứ tình hình thực tiễn có thể sử dụng tài liệu này để cải tạo, bổ sung các giải pháp kỹ thuật về an toàn cháy. Tuy nhiên, ông Ngọc Anh cũng cho rằng, đây chỉ là giải pháp bổ sung nhằm khắc phục các điều kiện về an toàn cháy chưa tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Do vậy, không thể đảm bảo an toàn cháy như các công trình xây mới, đã tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

1

Việc sửa đổi quy chuẩn về PCCC phải gỡ được các vướng mắc nhưng vẫn không hạ thấp quy định. Ảnh minh họa

Còn đối với các công trình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ xây mới có quy mô cao từ 7 tầng trở lên hoặc có chiều cao PCCC từ 25 m trở lên sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 06:2022/BXD cùng Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD do Bộ Xây dựng và Bộ Công an phối hợp biên soạn.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ xây dựng Cao Duy Khôi nhấn mạnh, vấn đề an toàn cháy và QCVN 06:2022/BXD nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bộ Xây dựng, Bộ Công an luôn nghiêm túc, cầu thị tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu sửa đổi QCVN 06:2022/BXD trên nguyên tắc bổ sung các phương án khác, không hạ thấp yêu cầu an toàn cốt lõi. QCVN 06:2022/BXD được sửa đổi theo hướng chuyển đổi sang luận chứng kỹ thuật, phân cấp cho địa phương. Về lâu dài, cần cấu trúc lại QCVN 06:2022/BXD và các tiêu chuẩn có liên quan.

Trình bày những nội dung sửa đổi 1:2023 của QCVN 06:2022/BXD, Phó Viện trưởng Cao Duy Khôi cho biết, các nội dung sửa đổi quy chuẩn đã chú trọng phân cấp cho địa phương ban hành quy định về PCCC, cho phép thay thế các yêu cầu của quy chuẩn tùy theo thực tiễn tại địa phương và thẩm quyền theo phân cấp; hình thức thay thế là quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Bổ sung hoặc sửa đổi các thuật ngữ như gian phòng chung, hành lang bên, lối ra ngoài trực tiếp, nhà hỗn hợp…

Về cải tạo sửa chữa, nội dung sửa đổi làm rõ hơn, thu hẹp phạm vi theo hướng đồng bộ với các quy định của Nghị định 136/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi. Về áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, cho phép áp dụng đồng bộ mà không phải so sánh với QCVN 06:2022/BXD. Các nội dung kỹ thuật khác về thoát nạn, ngăn cháy lan, chữa cháy, kết cấu, bảo vệ chống khói, khoang cháy và số tầng cao đều được bổ sung thêm yêu cầu cụ thể gắn với đối tượng theo tính nguy hiểm cháy và thực tiễn xây dựng tại Việt Nam.

Riêng công trình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ có quy mô dưới 7 tầng hoặc có chiều cao PCCC dưới 25 m – thuộc phạm vi điều chỉnh của Tiêu chuẩn quốc gia về Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế do Bộ Xây dựng và Bộ Công an phối hợp biên soạn. Hiện tiêu chuẩn này đã trình Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định để ban hành.

Theo đó, dự thảo về Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13967:2024 Nhà ở riêng lẻ hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật chung trong thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo. Theo đó nhà ở riêng lẻ phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giải pháp kiến trúc, kỹ thuật đảm bảo mỹ quan, tuân thủ thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc (nếu có).

Không xây dựng nhà ở riêng lẻ trên các vùng có nguy cơ sạt lở, trượt đất…, vùng có lũ quét, thường xuyên ngập lụt khi không có biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn. Địa điểm xây dựng nhà ở riêng lẻ cần chú ý đến yêu cầu tiếp cận của lực lượng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Nhà ở riêng lẻ cần đáp ứng các yêu cầu sau: An toàn sinh mạng và sức khỏe; An toàn chịu lực và đảm bảo tuổi thọ thiết kế của công trình; Sử dụng năng lượng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Đảm bảo kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực; Phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng.

Trường hợp cần thiết kế, xây dựng nhà đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng cho người cao tuổi, người khuyết tật có thể tham khảo các quy định về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Giải pháp kiến trúc phù hợp với đặc điểm tự nhiên, khí hậu của khu vực, tận dụng tối đa thông gió, chiếu sáng tự nhiên, bền vững và thân thiện với môi trường.

Trường hợp nhà ở kết hợp các mục đích sử dụng khác cần an toàn, thuận tiện và tuân thủ các quy định pháp luật tương ứng với mục đích sử dụng, các tiêu chuẩn có liên quan với phần diện tích sử dụng cho mục đích khác.

Theo VietQ.vn

Bình luận

Nổi bật

Sửa quy chuẩn về PCCC phải gỡ được các vướng mắc nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn an toàn

Sửa quy chuẩn về PCCC phải gỡ được các vướng mắc nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn an toàn

sự kiện🞄Thứ năm, 27/06/2024, 12:11

(CL&CS) - Theo ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc sửa đổi QCVN 06:2022/BXD phải dựa trên nguyên tắc không được hạ thấp các tiêu chuẩn an toàn PCCC nhưng vẫn phải gỡ các vướng mắc.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống chống hà tàu biển

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống chống hà tàu biển

sự kiện🞄Thứ tư, 26/06/2024, 11:33

(CL&CS)- Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống chống hà tàu biển, có hiệu lực từ ngày 1/12/2024

QCVN 74:2024/BGTVT quy định hệ thống chống hà tàu biển

QCVN 74:2024/BGTVT quy định hệ thống chống hà tàu biển

sự kiện🞄Thứ hai, 24/06/2024, 14:44

(CL&CS) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 74:2024/BGTVT quy định hệ thống chống hà tàu biển phải được kiểm soát để hạn chế bất cứ chất nào có hại đối với môi trường biển.