Chủ nhật, 03/11/2024, 20:36 PM

Sản phẩm làng nghề chinh phục thế giới

(CL&CS) - Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam còn nhiều dư địa để chinh phục khách hàng quốc tế, nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu.

1

Có mặt tại 163 quốc gia

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hiện nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề, bước đầu đã phát triển theo hướng du lịch, xây dựng các mô hình, tour, tuyến du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.

Mẫu mã sản phẩm và vùng nguyên liệu đã được chú trọng và quan tâm. Sản phẩm từ làng nghề đã được truyền thông, xây dựng câu chuyện sản phẩm để quảng bá trong và ngoài nước. Nhiều làng nghề nổi tiếng và có nhiều nghệ nhân có tay nghề được vinh danh…

Hiện hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Trong giai đoạn 2015-2019, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD năm 2015 lên 2,23 tỷ USD năm 2019.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam năm 2023 đã đạt khoảng 3,5 tỷ USD và phấn đấu đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.

Bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc HTX Lụa đũi Nam Cao (tỉnh Thái Bình) cho biết, việc thành lập HTX Lụa đũi Nam Cao cách đây gần 10 năm đã giúp từng bước hồi sinh nghề ươm tơ, dệt lụa tại tỉnh Thái Bình. Đặc biệt, các sản phẩm lụa rất được khách hàng quốc tế ưa chuộng và HTX đã ký kết được nhiều đơn hàng quốc tế.

Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cũng cho biết, các sản phẩm gốm sứ của Bình Dương đã được xuất khẩu nhiều tới các thị trường Âu, Mỹ.

Đặc biệt, những tháng gần đây, có nhiều khách hàng lớn của Mỹ đã tới Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng.

Ông Nguyễn Quốc Thống, Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam cũng chia sẻ, những năm gần đây, các sản phẩm nông nghiệp OCOP ngày càng được ưa chuộng để làm quà tặng vào các dịp lễ, Tết, thay cho các sản phẩm bánh, kẹo nhập khẩu.

Điều này đã cho thấy hiệu quả của việc phát triển các sản phẩm OCOP cũng như chứng minh được giá trị của các sản phẩm.

Hướng tới kim ngạch 6 tỷ USD

Dù đã đạt được nhiều thành công trong việc chinh phục các thị trường quốc tế, song hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được đánh giá là vẫn còn nhiều tiềm năng để vươn xa hơn nữa.

Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam khẳng định, các làng nghề của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết.

Theo đó, ông Ngọc tự tin về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD vào năm 2025 và 6 tỷ USD vào năm 2030.

Bà Lương Thanh Hạnh cho biết, vào tháng 12 tới, showroom lụa tơ tằm Việt Nam sẽ được khai trương lại Milan (Italia) – nơi được mệnh danh là một trong bốn kinh đô thời trang của thế giới.

Để gia tăng giá trị xuất khẩu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bà Hạnh cho rằng, Việt Nam cần quan tâm tới tính sáng tạo trong sản phẩm. Theo đó, cần “bắt tay” với đối tác nước ngoài để gia tăng sự sáng tạo.

Ông Adam Koulaksezian, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam cũng cho biết, việc nhiều nhà phân phối tại Pháp, Mỹ đang tìm kiếm nguồn cung thay thế cho nguồn cung từ Trung Quốc, chính là cơ hội cho Việt Nam.

Trong khi đó, EVFTA cũng mở ra lợi thế rất lớn khi thuế suất đang được điều chỉnh về 0% trong 10 năm tới.

Theo ông Adam Koulaksezian, Việt Nam có lợi thế rất lớn cả về nguồn tài nguyên và con người khéo léo, có khả năng tạo ra rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt.

Tuy nhiên, chỉ một bộ phận nhỏ khách du lịch nước ngoài biết đến những sản phẩm này. Nguyên nhân có thể đến từ việc hạn chế trong hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Do đó, song song với việc tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ Việt Nam cần hiện diện nhiều hơn ở các hội chợ, triển lãm quốc tế.

Đặc biệt, cần chú ý việc xây dựng thương hiệu thông qua câu chuyện cho thấy những giá trị khác về mặt văn hoá, lịch sử và sự sáng tạo của nghệ nhân trong từng sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Giám đốc Công ty Eco Bamboo Việt Nam cũng cho biết, việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới của các nước nhập khẩu cũng tạo dư địa mới cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Cụ thể, vùng nguyên liệu tre tại huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đạt chứng chỉ FSC về quản lý rừng bền vững, thị trường và giá trị nguyên liệu của cây tre tại đây đã tăng lên rất nhiều.

Bởi các nhà máy, các làng nghề xuất khẩu sang châu Âu đều phải lựa chọn nguyên liệu đạt chứng chỉ FSC.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cũng đặc biệt quan tâm tới xu hướng mua sắm trực tuyến và quốc tế hóa thị trường.

"Đây là cơ hội để sản phẩm của làng nghề vươn xa ra khỏi biên giới quốc gia và tiếp cận với khách hàng toàn cầu".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định, với sức sáng tạo dồi dào của nghệ nhân, DN, các sản phẩm của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam rất đa dạng và có thể tiếp tục mở rộng thị trường ra các nước.

Tuy nhiên, để đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới, đòi hỏi yêu cầu về thẩm mỹ, về tính sáng tạo trong từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ là rất lớn. Sản phẩm làm ra phải phục vụ cuộc sống.

Do đó, rất cần sự tư vấn, gợi ý của các chuyên gia nước ngoài về thị trường, các kỹ thuật mới, công nghệ mới để các nghệ nhân nâng cao tay nghề, nắm bắt được nhu cầu thị trường quốc tế để thổi hồn vào sản phẩm.

Đồng thời, các DN có nhu cầu có thể đặt hàng các trường đào tạo nghề thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đào tạo công nhân có tay nghề.

Các hiệp hội cũng cần tập hợp các DN, xây dựng các catalogue giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để có thể gửi cho các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để giúp quảng bá, giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có gần 1.400 làng nghề truyền thống, 774.392 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tập trung nhiều ở nhóm đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, cơ khí nhỏ; với 2.107 nghệ nhân, thợ giỏi; 571 nghệ nhân cấp tỉnh và 1.322 thợ giỏi thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Số lao động trong các làng nghề là hơn 1,4 triệu lao động.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:00

(CL&CS) - Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 được đề ra gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:04

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 20:59

(CL&CS)- Chiều 12/11, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.