Thứ ba, 15/10/2024, 09:49 AM

Phát triển bền vững cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường

(CL&CS) - Phát triển bền vững không chỉ đơn thuần là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đang trở thành hướng đi tất yếu giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

6

Ảnh minh họa.

Việt Nam trước những thách thức về tài nguyên và môi trường

Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế quan trọng, trở thành một trong những điểm sáng tăng trưởng của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức ngày càng lớn về tài nguyên và môi trường.

Theo TS. Nguyễn Hùng, Giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung, lượng chất thải nhựa tại Việt Nam lên tới 1,83 triệu tấn/năm, trong khi lượng chất thải rắn sinh hoạt ước tính hơn 61.000 tấn/ngày, với 71% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Điều này gây ra áp lực lớn lên tài nguyên đất và môi trường.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề chất thải, nhiều nguồn tài nguyên không thể tái tạo của Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng. Ví dụ, từ năm 2015, Việt Nam đã phải nhập khẩu than đá, dự báo đến năm 2030, con số này có thể lên đến 100 triệu tấn mỗi năm. Tác động từ ô nhiễm môi trường cũng gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới ước tính ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại tới 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2035.

Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, với dự báo thiệt hại có thể lên tới 11% GDP vào năm 2030.

Mô hình kinh tế tuần hoàn, lời giải cho phát triển bền vững

Để giải quyết vấn đề này, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn là vô cùng cần thiết. Theo TS Nguyễn Hùng, kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Thực tế cho thấy, tại Hà Lan, mô hình này đã giúp giảm 10% lượng chất thải ra môi trường, tiết kiệm 20% nước sử dụng trong ngành công nghiệp, đồng thời tạo ra 7 tỷ euro cho nền kinh tế.

Kinh tế tuần hoàn tập trung vào việc tái chế, tái sử dụng và kéo dài vòng đời sản phẩm, giúp giảm khai thác tài nguyên mới và giảm phát thải khí nhà kính. Ví dụ, nhờ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, Đức đã giảm mức phát thải nhà kính tới 40,4% so với năm 1990. Không chỉ dừng lại ở lợi ích môi trường, mô hình này còn giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và quản lý chất thải.

Hiện nay, việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được đề cập trong chính sách pháp luật của Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực sự thống nhất. Theo TS Nguyễn Hùng, để thực hiện hiệu quả mô hình này, Việt Nam cần ban hành Luật Khuyến khích Kinh tế tuần hoàn, tương tự như Luật Thúc đẩy Kinh tế Tuần hoàn của Trung Quốc, ban hành từ năm 2008. Luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, giúp cơ quan nhà nước quản lý, điều phối và khuyến khích doanh nghiệp tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả hơn.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn là yếu tố then chốt. Cần có các chiến dịch tuyên truyền, phổ biến kiến thức rộng rãi để người dân hiểu rõ về lợi ích của mô hình này, từ việc phân loại rác tại nguồn cho đến lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đồng ý với quan điểm trên, TS. Bùi Đức Hiển - Viện Nhà nước và Pháp luật nhấn mạnh: “Việt Nam đã, đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng dẫn tới xâm nhập mặn; sự bất bình đẳng trong sử dụng nguồn nước xuyên biên giới, nhất là nguồn nước sông Mê Kông; thiên tai, dịch bệnh hoành hành… tác động khủng khiếp môi trường và con người ảnh hưởng lớn đến quá trình tiếp tục xây dựng hoàn thiện pháp luật về môi trường và thực hiện phát triển bền vững. Thực tiễn này khiến chúng ta phải đổi mới tư duy về bảo vệ môi trường, không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Cần nhìn nhận không chỉ bảo vệ môi trường mà phải phát triển kinh tế môi trường (kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn) bảo đảm quyền được sống trong lành”.

Tiêu chuẩn đo lường mức độ tuần hoàn của nền kinh tế

Theo các chuyên gia, để hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững, Việt Nam cần chuyển dịch nhanh chóng từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc thực hiện chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự cải biến trong từng khâu của quá trình sản xuất, bắt đầu từ nghiên cứu, thiết kế và phát triển một sản phẩm, để sản phẩm đó sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm hơn, tiêu tốn ít năng lượng hơn trong quá trình sản xuất và vận hành, độ bền cao hơn, có thể sửa chữa và thay thế các linh kiện, phụ kiện dễ dàng, đồng thời khi kết thúc vòng đời có thể được trở thành nguyên liệu đầu vào cho càng nhiều ngành sản xuất khác càng tốt. Do đó, kinh tế tuần hoàn tạo ra vòng tròn khép kín trong quy trình sản xuất, tiêu thụ, thu gom và tái sản xuất giữa doanh nghiệp trong cùng ngành và giữa các ngành sản xuất.

Hỗ trợ quá trình chuyển dịch trên, cần thiết phải có hệ thống tiêu chuẩn hướng dẫn thực hiện, chuyển đổi, đo lường và đánh giá mức độ tuần hoàn để doanh nghiệp có thể tham khảo áp dụng. Hiện có tiêu chuẩn UL 3600 "Measuring and reporting circular economy aspects of products, sites and organizations”, tiêu chuẩn hướng dẫn đo lường mức độ tuần hoàn của nguyên liệu trong phạm vi các sản phẩm, phân xưởng và tổ chức sản xuất; Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng đã công bố các tiêu chuẩn: ISO 59004:2024 ”Circular economy – Terminology, Principles and Guidance for Implemention”; ISO 59010:2024 “Circular economy - Guidance on the transition of business models and value networks”; ISO 59020:2024 “Circular Economy - Measuring and assessing circularity performance”.

Các tiêu chuẩn này quy định đầy đủ hơn từ nguyên tắc, hướng dẫn thực hiện, hướng dẫn chuyển đổi mô hình kinh doanh, đo lường và đánh giá mức độ tuần hoàn của nguyên liệu, năng lượng, các chất phát thải và nước trong phạm vi rộng hơn từ sản phẩm đến nền kinh tế của quốc gia.

Có thể thấy, phát triển bền vững không chỉ là sự tăng trưởng kinh tế mà còn là việc đảm bảo tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa để Việt Nam đạt được mục tiêu này, giúp giảm thiểu áp lực lên tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mô hình này, cần có cải cách mạnh mẽ trong chính sách pháp luật, cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng và doanh nghiệp.

Theo VietQ.vn

Bình luận

Nổi bật

Nghệ An chuyển mục đích sử dụng hơn 25ha rừng để thực hiện 4 dự án quan trọng

Nghệ An chuyển mục đích sử dụng hơn 25ha rừng để thực hiện 4 dự án quan trọng

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 10:52

(CL&CS) - Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 4 dự án: Dự án Xây dựng hồ chứa nước Khe Rắt, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ; Dự án Nhà máy thủy điện Suối Choang (phần diện tích thuộc khu vực lòng hồ); Dự án Đầu tư khai thác mỏ đất san lấp tại thôn 22, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai.

Tập trung thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn

Tập trung thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 10:46

(CL&CS) - Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam". Tại đây, Hội nghị đã đưa ra 5 nhóm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.

Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững

Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 10:46

(CL&CS) - Vừa qua, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững”. Hội thảo là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp.