Thứ tư, 13/03/2024, 11:12 AM

Người mua ô tô trả góp cần làm gì khi bị ép mua bảo hiểm?

(CL&CS) - Từ 1/7/2024, hành vi ép mua bảo hiểm vật chất khi vay mua ô tô trả góp bị nghiêm cấm. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng người mua xe trả góp bị ngân hàng điều hướng vào những sản phẩm bảo hiểm mà họ không có nhu cầu.

Thời gian qua, việc người mua ô tô trả góp bị ép mua bảo hiểm tự nguyện đã trở nên khá phổ biến khiến không ít khách hàng bức xúc. Các nhân viên tín dụng thường yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm tự nguyện cho các gói vay mua xe ô tô thường, coi đây là một trong những cách giảm thiểu rủi ro cho tài sản. Về phía khách hàng, khi mua xe trả góp, việc họ bị bắt buộc mua gói bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm thân vỏ, cảm giác như bị bắt chẹt. Bởi khi xe thế chấp ngân hàng, ngân hàng phải cấp giấy xác nhận tài sản cầm cố chiếc xe mới có thể lưu thông. Mà ngân hàng chỉ cấp loại giấy này có giá trị 1 năm nên nếu không có bảo hiểm tự nguyện, ngân hàng sẽ không cấp giấy xác nhận năm tiếp theo.

Đáng nói, không chỉ khách vay trả góp để mua xe mà có khách hàng mua xe trả toàn bộ một lần cũng bị nhân viên bán hàng ép mua gói bảo hiểm tự nguyện cho chiếc xe. Thực tế, việc mua ô tô hình thành từ khoản vay ngân hàng đều bị đính kèm các hợp đồng bảo hiểm tự nguyện, được ngân hàng ấn định theo thỏa thuận trong hợp đồng vay.

Anh Nguyễn Như Tiến (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, do nhu cầu công việc nên anh đã vun vén để mua 1 chiếc xe ô tô cỡ nhỏ. “Mặc dù chiếc xe cũng không quá nhiều tiền, nhưng tôi vẫn sử dụng gói vay mua xe trả góp của ngân hàng. Mọi chuyện không có gì đáng nói từ thủ tục vay mua đến thỏa thuận, quy định về lãi suất, mà cái tôi thấy khó chịu là việc bắt buộc phải mua gói bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm thân vỏ cho xe.” – anh Tiến nói.

Còn theo chị Nguyễn Phương Thùy (Ba Đình - Hà Nội), việc bắt mua bảo hiểm cho đến khi thanh toán hết khoản vay của ngân hàng khiến khách hàng cảm thấy bị bắt chẹt. Ngân hàng sẽ tính toán hết sức chặt chẽ để bắt buộc khách hàng phải ký gói bảo hiểm tự nguyện cho đến khi hết thời hạn vay.

“Ban đầu tôi nghĩ thôi thì mua bảo hiểm cho xong, vì xong 1 năm đầu muốn mua hay không là do mình. Tuy nhiên tôi đã nhầm, bởi khi xe thế chấp ngân hàng thì phải phụ thuộc vào ngân hàng bởi ngân hàng phải cấp giấy xác nhận tài sản cầm cố chiếc xe mới có thể lưu thông. Mà ngân hàng chỉ cấp loại giấy này có giá trị 1 năm 1, vậy nên nếu không có bảo hiểm tự nguyện thì ngân hàng sẽ cấp giấy xác nhận năm tiếp theo.” – chị Thùy bức xúc nói.

Lý do mà các nhân viên tín dụng ép khách hàng mua bảo hiểm tự nguyện cho các gói vay mua xe ô tô đưa ra thường là việc có bảo hiểm tự nguyện với sản phẩm thế chấp như xe ô tô là một trong những cách giảm thiểu rủi ro cho tài sản.

Từ 1/7/2024, nghiêm cấm việc ép khách mua ô tô trả góp mua bảo hiểm. (Ảnh minh họa)

Từ 1/7/2024, nghiêm cấm việc ép khách mua ô tô trả góp mua bảo hiểm. (Ảnh minh họa)

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua xe, quy định pháp luật chống lại việc ép khách hàng mua bảo hiểm tự nguyện đã được cụ thể hóa trong luật và thông tư hướng dẫn.

Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. 

Trong Luật các Tổ chức tín dụng mới này, tại khoản 5, Điều 15 của luật này quy định: “Cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.

Với điều khoản này, việc nhân viên tín dụng ép buộc khách hàng mua gói bảo hiểm tự nguyện là hoàn toàn sai luật.

Tại khoản 3a, Điều 53 Thông tư 67/2023/TT-BTC cũng nêu rõ, tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải giải thích cho bên mua bảo hiểm các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là sản phẩm bảo hiểm. Việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức hoạt động đại lý.

Với những quy định trên, sắp tới, hành vi ép mua bảo hiểm vật chất khi vay mua ô tô trả góp bị nghiêm cấm. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng người mua xe trả góp bị ngân hàng điều hướng vào những sản phẩm bảo hiểm mà họ không có nhu cầu.

Nếu trong trường hợp khách hàng bị ép mua bảo hiểm tự nguyện trái mong muốn, khách hàng có thể làm đơn khiếu nại gửi Cơ quan Thanh tra giám sát (thuộc Ngân hàng Nhà nước) hoặc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (thuộc Bộ Tài chính) để được cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp kịp thời.

Trúc Anh

Bình luận

Nổi bật

Thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu

Thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu

sự kiện🞄Thứ tư, 27/03/2024, 12:04

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26/3/2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

[Infographic] Thủ tục cấp thẻ căn cước cho trẻ em từ 1/7/2024

[Infographic] Thủ tục cấp thẻ căn cước cho trẻ em từ 1/7/2024

sự kiện🞄Thứ tư, 27/03/2024, 07:06

(CL&CS) - Từ 1/7/2024, Luật Căn cước 2023 lần đầu tiên quy định cấp thẻ Căn cước cho trẻ em. Theo đó, công dân Việt Nam từ dưới 14 tuổi sẽ được làm CCCD nếu có nhu cầu; từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước.

Xử phạt Công ty CP Xây lắp và Thương mại Ngân Hà do kinh doanh hàng hóa nhập lậu

Xử phạt Công ty CP Xây lắp và Thương mại Ngân Hà do kinh doanh hàng hóa nhập lậu

sự kiện🞄Thứ tư, 27/03/2024, 07:05

(CL&CS) - Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Ngân Hà với số tiền phạt 90 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm là 01 bộ máy phát điện hiệu CATERPILLAR sản xuất tại Mỹ, đã qua sử dụng có giá trị hơn 1,2 tỉ đồng.