Nghe doanh nhân kể chuyện vượt khó trong năm 2023

(CL&CS) - Cùng lắng nghe những câu chuyện thực tế tại các doanh nghiệp Việt trong nhiều ngành nghề khác nhau để thấy được sự sáng tạo cũng như bản lĩnh đối mặt với khó khăn của các doanh nhân trong việc chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua những sóng gió của năm 2023.

Khách quốc tế tìm hiểu sản phẩm của GC Foods tại hội chợ. Ảnh: TL

Khách quốc tế tìm hiểu sản phẩm của GC Foods tại hội chợ. Ảnh: TL

Củng cố nội lực

Được đánh giá là mặt hàng không thiết yếu trong điều kiện kinh tế khó khăn, dệt may là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề. Có thời điểm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ghi nhận mức giảm tới 20%. Không nằm ngoài bức tranh chung đó, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư – Thương mại Thành Công cho biết, lượng đơn hàng trong các tháng đầu năm 2023 của công ty giảm mạnh tới 30% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung chủ yếu ở thị trường Mỹ và EU, trong khi thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản có sụt giảm nhưng ít hơn.

Trong bối cảnh đó, ông Tùng cho biết, May Thành Công đã cải tiến nâng cao hiệu suất và tốc độ sản xuất thông qua kỹ thuật và phương pháp quản trị hiện đại.

Từ năm 2015, May Thành Công đã đầu tư xây dựng trung tâm R&BD nhằm nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến để ứng dụng những nguyên liệu tái chế, thân thiện với môi trường.

Hiện sản phẩm R&D đã chiếm khoảng 8% trong tổng doanh thu dệt may của công ty, được khách hàng và người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao, qua đó từng bước góp phần gia tăng doanh thu, lợi nhuận cũng như đón đầu và bắt kịp xu thế thời trang của thế giới.

“May Thành Công luôn nhận thức rằng đầu tư cho hoạt động R&DB nói riêng và ESG nói chung là yếu tố cần thiết và là xu hướng tất yếu của DN để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Công ty cũng coi đây là một lợi thế cạnh tranh trong việc đáp ứng những yêu cầu đa dạng của các FTA thế hệ mới góp phần nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam và thế giới” – ông Trần Như Tùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su- Nhựa TPHCM cho biết, ngay từ đầu năm 2023, khó khăn bắt đầu ập đến với các DN ngành cao su - nhựa và kéo dài đến tận thời điểm hiện tại. Có những DN ghi nhận mức giảm tới 40% doanh thu, trong đó, giảm mạnh nhất ở các thị trường Mỹ và châu Âu. Riêng tại Công ty Đức Minh, do thị trường xuất khẩu chính là ở Hàn Quốc, nên phải đến tháng 6, tình hình mời bắt đầu xấu đi.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, khi đơn hàng ít đi, hoạt động sản xuất không quá căng thẳng, Công ty Đức Minh tập trung tìm các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể là tối ưu hóa nguyên vật liệu để có được giá thành tốt nhất, hiệu quả sản xuất cao nhất. Quy trình sản xuất cũng được sắp xếp lại để nâng cao năng suất, giảm lượng phế phẩm. “Việc sản xuất theo kiểu ăn xổi không còn phù hợp với giai đoạn hiện tại, mà DN phải chú trọng tới chất lượng và hiệu quả. Dù mình làm ít đi nhưng giảm được lượng phế phẩm và thời gian chết thì hiệu quả vẫn rất tốt” – ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.

Kinh doanh chủ động

Không bị sụt giảm đơn hàng mạnh như các ngành khác, song trong năm 2023, Công ty CP Thực phẩm GC Foods lại đối mặt với khó khăn lớn do biến đổi khí hậu. Mảnh đất Ninh Thuận vốn quanh năm khô hạn bỗng dưng mưa lớn kéo dài khiến nhiều vùng nguyên liệu nha đam của công ty bị ngập úng, do đó, lượng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bị sụt giảm nghiêm trọng tới 50% trong những tháng đầu năm. Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food cho biết, công ty đã phải lập tức triển khai các giải pháp khắc phục ngập úng cho vùng nguyên liệu, đồng thời tăng giá thu mua để khuyến khích nông dân tích cực chăm sóc cho cây trồng và mở rộng thêm diện tích. Nhờ đó, năng suất thu hoạch tại các vùng trồng được cải thiện rất tốt, giúp sản lượng hồi phục nhanh chóng. Kể từ tháng 6, tình hình đã ổn định trở lại, nguồn nguyên liệu dồi dào, đủ đáp ứng các đơn hàng trong nước và xuất khẩu.

Về phía khách hàng, trước tình trạng thiếu nguyên liệu, GC Foods đã làm việc chi tiết với khách hàng để nắm chắc các kế hoạch đặt hàng, sản xuất, sau đó chia nhỏ đơn hàng giao theo tiến độ sản xuất của khách hàng nhằm giữ chân khách hàng ở lại với công ty thay vì đi tìm những nhà cung cấp khác.

Đặc biệt, nhờ sản xuất trên quy mô lớn giúp tối ưu hóa chi phí, GC Foods có được mức giá bán tốt hơn để chia sẻ khó khăn với khách hàng trong giai đoạn kinh tế trì trệ. Do đó, tính từ đầu năm đến nay, dù sản lượng tăng hơn 30% nhưng tổng doanh thu của công ty chỉ tăng gần 20%. “Biên lợi nhuận thu hẹp một chút nhưng bù lại công ty vẫn duy trì được sản xuất và duy trì công việc cho người lao động. Đặc biệt, hình ảnh về GC Foods cũng trở nên tốt hơn trong mắt khách hàng. Cũng nhờ chính sách giá mới này, công ty đã tiếp cận được 4 thị trường mới, mở ra triển vọng tích cực trong thời gian tới” – ông Nguyễn Văn Thứ cho biết.

Trong khi đó, tại Công ty CP Phúc Sinh, cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến cho các đơn hàng của công ty tại thị trường này bỗng dưng “vắng bóng”, cộng với đó là nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trên toàn thế giới. Trước tình hình đó, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết, ông đã đưa ra chiến lược “kinh doanh chủ động”. Cụ thể, ngay từ đầu năm, đội ngũ của DN đã chia thành nhiều tốp đi khắp thế giới khảo sát thị trường, để tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng tìm hiểu các vấn đề mà khách hàng quan tâm ở khắp thế giới...

“Năm 2023, có tới 6 tháng tôi rời khỏi văn phòng để đi khắp nơi trên thế giới gặp gỡ khách hàng, tham dự các hội nghị, hội chợ. Từ đó, chúng tôi hiểu hơn về nhu cầu của khách hàng và đổi mới chính sách tiếp cận khách hàng để mang lại hiệu quả” – ông Phan Minh Thông chia sẻ.

Nhờ chiến lược kinh doanh chủ động của Công ty Phúc Sinh, các khách hàng mới ở những thị trường mới đã giúp bù đắp sự sụt giảm của những thị trường đang gặp khó khăn. Theo đó, về tổng thể trong năm nay, lượng đơn hàng của Phúc Sinh không bị sụt giảm so với năm 2022.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 13:40

(CL&CS) - Năm 2024, Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam và Vinamilk tiếp tục hành trình năm thứ 17, dành tặng 630.000 hộp sữa cho gần 8.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước. Không chỉ mang “niềm vui uống sữa” cho hàng trăm nghìn trẻ em, chương trình đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều em nhỏ theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình.

Tài chính khó khăn, NSH Petro dự kiến chào bán riêng lẻ nhằm thu về 1.300 tỷ đồng

Tài chính khó khăn, NSH Petro dự kiến chào bán riêng lẻ nhằm thu về 1.300 tỷ đồng

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 07:24

(CL&CS) - CTCP Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) sẽ chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu nhằm thu về 1.300 tỷ đồng để mua nguyên, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.