Ngân hàng rao bán gà, vịt, quần áo cũ...để thu hồi nợ xấu

(CL&CS) - Trong thời gian gần đây, nhiều khoản nợ xấu hy hữu đã xuất hiện trong danh mục đấu giá của các ngân hàng. Nhiều loại tài sản thế chấp thuộc dạng khó có ai mua như sản phẩm kinh doanh tồn kho, quần áo cũ, vườn cây... cũng được ngân hàng rao bán.

Trang trại gà, quần áo cũ, vườn cây… cũng được đưa ra đấu giá

Trong bối cảnh nợ xấu tăng, thị trường tài sản đi xuống, các tổ chức tín dụng đang nỗ lực xử lý nợ xấu. Nhiều cán bộ ngân hàng chia sẻ, phải tìm những khoản nợ đẹp nhất trong khối nợ xấu, tức là những khoản nợ có tài sản đảm bảo tốt, để ưu tiên chào bán.

Năm nay, các khoản nợ xấu được ngân hàng thanh lý không chỉ là bất động sản, các khoản vay tiêu dùng, thị trường nợ chứng kiến nhiều trường hợp đấu giá nợ hy hữu.

Lãnh đạo của một ngân hàng chia sẻ, đấu giá khoản nợ là hoạt động bình thường của ngân hàng khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Tài sản thế chấp được đem ra đấu giá thu hồi khoản nợ đa dạng như: Đất đai, nhà cửa, xe, máy móc, thậm chí hoa mầu, gà, vịt, quần áo cũ...

Tuy nhiên, vào thời điểm này, kinh tế khó khăn những khoản nợ trước đây "đắt hàng" như bất động sản thì nay thị trường đi xuống, thanh khoản sụt giảm đã tác động rõ rệt đến hoạt động xử lý nợ của các ngân hàng. Do đó, những tài sản là máy móc, thậm chí hoa mầu, gà, vịt, quần áo cũ... sẽ khó tìm nhà đầu tư.

Điển hình, mới đây VietinBank cũng vừa rao bán khoản nợ xấu hy hữu là khoản nợ của Công ty cổ phần ĐTK và Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Trung ương, với các tài sản đảm bảo là một số lô đất và hàng tồn kho còn bao gồm toàn bộ đàn gà ba đời của công ty (gà ông bà, gà bố mẹ, gà con) và cả trứng gà.

Bên cạnh đó, tháng 7 vừa qua, Agribank chi nhánh huyện Lạc Sơn, Hoà Bình tiếp tục bán đấu giá tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần Cà phê Thái Hoà Hoà Bình sau nhiều lần rao bán bất thành. Tổng diện tích đất lên đến gần 75.000m2 nhưng giá khởi điểm chỉ 3,4 tỷ đồng. Ngoài diện tích đất cực lớn, tài sản đáng kể nhất trên khu đất này là hàng nghìn cây cà phê lâu ngày không được chăm sóc, số cây cà phê còn lại chỉ 30% so với thời điểm thế chấp và đều bị còi cọc, chậm phát triển.

Trước đó, tháng 4/2022, Agribank Chi nhánh Lào Cai II thông báo bán tài sản thế chấp là lô hàng hóa tồn kho gồm các mặt hàng quần áo, thời trang, gia dụng, văn phòng phẩm, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình đều cũ, lỗi mốt … với giá khởi điểm 60 triệu đồng.

Tháng 2/2022, Agribank chi nhánh Bình Thạnh rao bán lô tài sản xe, máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu thanh lý, đã qua sử dụng với giá khởi điểm là 166,05 triệu đồng. Tình trạng lô máy móc được cập nhật là đều đã hư hỏng hoàn toàn và nhiều bộ phận bị tháo rời.

Tương tự, PVcomBank đã từng rao bán đấu giá lô thiết bị gia dụng gồm bếp điện từ, lò vi sóng, lò nướng, tủ lạnh... trong tình trạng đã hao mòn với giá khởi điểm 18 tỷ đồng.

Sàn giao dịch nợ hoạt động ì ạch

Báo cáo tài chính quý III/2022 của nhiều ngân hàng cho thấy, tổng nợ xấu tăng mạnh, trong khi đó hoạt động thu hồi nợ xấu chậm lại rõ rệt. Đơn cử tại Vietinbank, tổng dư nợ xấu nội bảng ở ngân hàng đã tăng 23% trong 9 tháng đầu năm, lên mức 17.650 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,3% lên 1,4%.

Tại Vietcombank tổng nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng 47% so với đầu năm, với hơn 9.000 tỷ đồng. Điều này cũng khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,64% hồi đầu năm lên 0,8%, dù vậy đây cũng là tỷ lệ thấp so với nhiều ngân hàng khác.

Tương tự, tổng nợ xấu của BIDV tại ngày cuối quý 3 vừa qua đã tăng 49% so với đầu năm lên 20.125 tỷ đồng. Điều này cũng đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của ngân hàng này tăng từ 1% đầu năm lên 1,35%.

Ngoài lý do khó khăn chung của nền kinh, một trong những lý do chính khiến hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chậm là thị trường mua bán nợ vẫn chưa hình thành.

Sau 1 năm ra mắt, sàn giao dịch nợ xấu vẫn hoạt động khá ì ạch. Mặc dù các ngân hàng bước đầu đã rao bán nợ trên sàn, song tổng giá trị thu hồi nợ thành công còn rất khiêm tốn (khoảng 770 tỷ đồng). Trong khi đó, website để ngân hàng đăng thông tin bán tài sản đảm bảo nợ xấu cũng chưa được hoàn thiện.

Hiện nay, trên sàn giao dịch nợ của VAMC, có hơn 16 tổ chức tín dụng chào bán, với tổng giá trị nợ và tài sản đảm bảo khoảng 32.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8 đang ở 1,9%. Các ngân hàng vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng và tìm kiếm các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hồi sinh các khoản nợ xấu.

Dự báo nợ xấu sẽ tăng cao trong thời gian tới

Phát biểu tại "Diễn đàn Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp vượt sóng", TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát, giá cả có xu hướng tăng nhanh và tác động lên đời sống người dân, làm chậm lại quá trình phục hồi và tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư.

Số liệu tài chính của các ngân hàng trong 8 tháng năm 2022 cho thấy nhìn chung các ngân hàng vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn. Tuy nhiên, dự đoán nợ xấu sẽ có xu hướng tăng cao. Theo đó, thời gian tới, nhiều khoản nợ trong đối tượng được giãn, hoãn nợ theo Thông tư 14 trước đây nếu khách hàng vẫn không trả nợ thì sẽ bị chuyển nợ xấu.

Liên quan đến công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại, ông Hùng cho biết hiện gặp nhiều khó khăn mặc dù Nghị quyết số 42 đã tạo hành lang pháp lý xử lý, nhưng quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của các TCTD.

Ngoài ra, đại diện hiệp hội ngân hàng cũng cho rằng những khó khăn từ nền kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của hầu hết doanh nghiệp, khả năng trả nợ của doanh nghiệp giảm sút, tiềm ẩn nợ xấu.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp phần lớn có quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản đảm bảo.

Theo đó, ông Hùng nhấn mạnh, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá.

Đồng thời, cũng theo ông Hùng, Chính phủ cần xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các ngân hàng thương mại tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, thông qua giảm thuế, phí cho các ngân hàng này với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay; xem xét có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng thương mại thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý.

Cùng với đó, ông Hùng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp tạo đà phục hồi nền kinh tế.

Ông Hùng cũng đề xuất cần nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch.

Ngoài ra, ông Hùng cũng cho rằng các doanh nghiệp cũng cần tái cơ cấu cả về chiến lược, cơ cấu tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng về tài sản, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay.

Cuối cùng, ông Hùng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực khai thác được lợi thế so sánh của doanh nghiệp, đồng thời thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung đầu tư để nâng cấp công nghệ lõi, đầu tư và ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến; chú trọng tăng cường năng lực quản trị công nghệ, tạo dựng nền tảng phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, hiệu quả…

Thanh Xuân

Bình luận

Nổi bật

Nội thành “chật chội”, nhà đầu tư tiềm kiếm cơ hội tại các tỉnh lân cận?

Nội thành “chật chội”, nhà đầu tư tiềm kiếm cơ hội tại các tỉnh lân cận?

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:48

Trong khi các đô thị trọng điểm về nhà ở như Hà Nội, TP.HCM vẫn khan hiếm dự án mới cũng là lúc nhà đầu tư tìm đến những nơi có nguồn cung dồi dào hơn đó là tại các tỉnh.

Lo thiếu cát cho các công trình trọng điểm, HoREA có đề xuất bất ngờ

Lo thiếu cát cho các công trình trọng điểm, HoREA có đề xuất bất ngờ

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:38

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng nếu không có đủ nguồn cát san lấp thì các dự án trọng điểm sẽ khó hoàn thành vào năm 2025. Hiệp hội này đã có đề xuất lên Thủ tướng để giải quyết nguồn cung cát.

Bắc Giang yêu cầu tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Bắc Giang yêu cầu tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:38

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang mới đây đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.