Dữ liệu cũ
Thứ tư, 20/04/2016, 01:31 AM

Nếu “lách” quy định như Grab - Uber, taxi Vinasun và Mai Linh sẽ có giá cước ra sao?

(NTD) - “Nếu cạnh tranh sòng phẳng, Uber, Grab và các hãng taxi truyền thống cùng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về hoạt động kinh doanh taxi như nhau, sẽ không còn sự chênh lệch giá cả như hiện nay. Thậm chí, taxi truyền thống có thể còn rẻ hơn!" - ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM nói.

“Trái đắng” trên sân nhà (!?)

Ông Hỷ chia sẻ, Hiệp hội Taxi TP.HCM có nhiều doanh nghiệp (DN), mỗi đơn vị có tới hàng ngàn người lao động, hàng năm nộp thuế cả trăm tỷ đồng. Thế nhưng, oái ăm là các DN này lại đang bị đối xử bất công ngay trên “sân nhà”.

Bất công, theo như người đứng đầu Hiệp hội Taxi TP.HCM, cốt lõi nằm ở vấn đề quản lý. Mặc dù, đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên UBND TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải thậm chí cả Thủ tướng, song chuyện cạnh tranh thiếu công bằng trong lĩnh vực taxi vẫn chưa có lời giải.

IMG_4550Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM: “Nếu cạnh tranh sòng phẳng, giá cước taxi truyền thống có thể còn rẻ hơn Uber - Grab”.

“Để một chiếc taxi đủ điều kiện chạy phục vụ khách hàng, chúng tôi phải đáp ứng tối thiểu 13 điều kiện, đơn cử như: phù hiệu, logo, bảng giá cước, nhật ký hành trình, hộp đen... và mới đây là máy in hóa đơn. Đó là chưa kể, taxi còn phải nằm dưới hàng loạt cơ quan quản lý, giám sát như Bộ Giao thông vận tải, UBND các cấp, cơ quan đăng kiểm, thuế, Hiệp hội Taxi... Đơn cử, một tài xế không giữ được bình tĩnh, có phản ứng thái quá với khách hàng và bị đưa lên các phương tiện truyền thông là ngay lập tức “kẻ có tóc” (tức các DN taxi) bị... nắm” - ông Hỷ nêu tâm tư.

Bên cạnh đó, chính sách quản lý thường xuyên thay đổi, đẩy các DN vào tình trạng bị động, chạy theo văn bản. “Nếu một DN taxi chỉ vài chục xe thì không thành vấn đề. Nhưng với các DN có trên 1.000 xe, mỗi lần có văn bản yêu cầu bổ sung, lắp đặt thiết bị mới là chi phí là vô cùng lớn. Chỉ riêng việc mỗi lần thay đổi giá cước, một công ty taxi đã phải chi trả đến 800 triệu đồng để thực hiện các thủ tục do pháp luật quy định” - ông Tạ Long Hỷ nói.

Theo các DN taxi tại TP.HCM, quy định của Nhà nước là điều bắt buộc, trong bất kỳ tính huống nào DN cũng phải thực hiện. Song, điều oái ăm ở đây, cùng hoạt động trong lĩnh vực taxi, nhưng các DN thuộc Hiệp hội Taxi phải răm rắp tuân thủ pháp luật, trong khi các DN ngoại lại ung dung đứng ngoài luật. Nhờ đó, “lách” được những khoản chi phí khổng lồ, tạo nên sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Trong đó thuế là ưu thế số 1 mà họ đang tận hưởng - chưa phải nộp do chưa có cơ cấu thu.

“Điều lạ lùng ở đây, là các DN Việt, nộp thuế và tạo công ăn việc làm cho người dân và thượng tôn pháp luật, lại bị chèn ép bởi các DN ngoại trốn thuế và không thực hiện đúng quy định về vận tải hành khách như Nghị định 86 của Chính phủ” - một lãnh đạo DN taxi lớn tại TP.HCM nêu bức xúc.

Những DN ngoại đang được nhắc ở trên chính là Grab và Uber. Sau hơn 2 năm xuất hiện tại Việt Nam, đến nay chỉ có Grab bước đầu được cho phép thí điểm tại 5 thành phố lớn trong cả nước. Theo người đứng đầu Hiệp hội Taxi TP.HCM, trong các cuộc họp, đối thoại dưới sự chủ trì của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ông thường đặt vấn đề với đại diện các DN này về thuế, song họ vẫn ỡm ờ né tránh.

Để đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình, các Hiệp hội Taxi, tiêu biểu có Hiệp hội Taxi TP.HCM, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đã gửi công văn kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải xem xét. Bên cạnh đó, các hội thảo, cuộc họp tại nhiều cơ quan, việc nhức nhối này cũng được liên tục nêu ra. Thế nhưng, chuyện vẫn đâu vào đấy.

Đặt vấn đề với ông Tạ Long Hỷ, trong trường hợp được cạnh tranh sòng phẳng, liệu giá cước taxi truyền thống có giảm? Ông trả lời: “Điều đó là tất yếu. Khi không đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn theo Nghị định 86 giống Grab và Uber, chúng tôi sẽ tinh giản hệ thống, đưa dịch vụ đặt xe thông qua app trên smartphone vào hoạt động chính. Không phải lo hàng loạt các khoản chi phí và thuế, thì chắc chắn mức giá của chúng tôi đưa ra sẽ khiến khách hàng bất ngờ, thậm chí còn có khả năng rẻ hơn Uber và Grab”.

Grab, Uber liên tục “dính chàm”, hành khách chỉ biết kêu... facebook

Trong một thời gian ngắn, mạng xã hội facebook liên tục nổi sóng bởi những câu chuyện “tố” tài xế Grab, Uber. Mới nhất là câu chuyện xuất phát từ tài khoản có tên Vũ Đặng, người khá nổi tiếng với các clip nấu ăn. Anh kể, có đặt một chuyến xe Uber vào ngày 9/4. Qua phần mềm có thể thấy chiếc xe nhận chuyến cách đó rất gần. Tuy nhiên, tài xế cho rằng khoảng cách xa nên đề nghị hủy chuyến. Anh Vũ Đặng đồng ý. Tuy nhiên, tài xế không chủ động hủy nên bắt buộc anh phải nhấn nút hủy chuyến (bị trừ phí). Ngay sau đó tin nhắn từ tài xế gửi tới khiến anh bị sốc: “Cám ơn vì 15.000đồng tiền hủy chuyến ngu nhé Bắc Kỳ”. Nhiều bạn bè của anh tỏ ra bức xúc và lên án người tài xế đã dùng những lời mỉa mai và miệt thị vùng miền với Vũ Đặng.

H2 HH taxi
Tin nhắn mỉa mai và kỳ thị vùng miền của tài xế Uber đối với Vũ Đặng

Trước đó, tại Hà Nội, Uber cũng tạo nên một scandal không nhỏ khi hotgirl Mi Vân đăng trạng thái “tố” tài xế của hãng hành xử tệ. Nguyên nhân câu chuyện xuất phát từ việc hotgirl này phát hiện tài xế đi nhầm đường. Hai bên xảy ra tranh cãi, và sau đó, người tài xế dùng lời lẽ nặng nề và đuổi mẹ con Mi Vân xuống đường.

Grab mới đây cũng “dính chàm”. Tài khoản facebook H.Nguyễn đăng tải một status dài kể rõ việc bị mất Iphone 6 Plus trị giá hơn 15 triệu đồng khi sử dụng dịch vụ của hãng này. Vị khách cho biết có đón một chiếc Grab về nhà, chừng 5 phút sau thì phát hiện đã để quên điện thoại trên xe. Anh gọi ngay vào số mình thì không liên lạc được. Hành khách này lập tức gọi đến số điện thoại Grab nhờ giúp đỡ nhưng đến 30 phút sau mới có người trả lời. Qua nhiều cuộc gọi, Grab cho rằng không có căn cứ về việc để quên điện thoại nên không xử lý. H.Nguyễn đề nghị đối chất với tài xế, nhưng việc này cũng không thành.

H1 HH taxi
Khách hàng tố Grab sau khi mất Iphone 6s Plus.

Ba vụ việc tiêu biểu trên có một điểm chung, hành khách hầu như bất lực, không biết kêu ai khi xảy ra sự cố. Do đó, buộc phải chọn cách đăng lên facebook để cảnh tỉnh những người khác. Nếu Uber và Grab không quyết liệt có những biện pháp xử lý kịp thời, có thể sẽ đối mặt với làn sóng tẩy chay có nguyên nhân từ những câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội.

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra bản dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 của Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý là việc đề xuất các hãng taxi tính tiền thông qua phần mềm di động như Grab, Uber sẽ phải gắn hộp đèn “TAXI E”. Đồng thời, các đơn vị này cũng cần đáp ứng các yêu cầu bắt buộc đối với hoạt động kinh doanh taxi theo quy định.

 Hồng Sỹ

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.