Lãng phí lớn trong sử dụng vốn đầu tư công

Sáng nay, Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết, giai đoạn 2016 - 2021 có hàng nghìn dự án sử dụng vốn nhà nước chậm tiến độ và có xu hướng tăng dần qua các năm, gây lãng phí lớn.

Hơn 10.000 dự án chậm tiến độ

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 (sau đây gọi là Báo cáo) được xây dựng hết sức công phu, kỹ lưỡng và đã được Đoàn giám sát của Quốc hội gửi tới các đại biểu từ sớm, trước khi bắt đầu Kỳ họp thứ Tư.

Trong số 52 dự án liệt kê trong Danh mục một số dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả ban hành kèm theo Báo cáo, có không ít cái tên quen thuộc. Đó là dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 - đều đang vướng mắc về hợp đồng, đơn giá gốc để điều chỉnh hợp đồng, dẫn đến không có cơ sở thanh toán cho nhà thầu. Dự án Làng Đại học Đà Nẵng trên diện tích 300ha, đã 25 năm trôi qua vẫn chưa hoàn tất, do tắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Tương tự, cũng vì vướng giải phóng mặt bằng, dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng, Đắk Lắk hơn chục năm nay cũng chưa xong…

“Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương có hàng nghìn dự án sử dụng vốn nhà nước chậm tiến độ và có xu hướng tăng dần qua các năm”, Đoàn giám sát của Quốc hội nêu trong báo cáo. Cụ thể, năm 2016 có 1.448 dự án, năm 2017 có 1.609 dự án, năm 2018 có 1.778 dự án, năm 2019 có 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án. Tổng cộng lại là 10.542 dự án, một con số thực sự gợi suy nghĩ.

LP_Picture1

Đáng chú ý, hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ. Điển hình là Dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến đường sắt số 1: Bến Thành - Suối Tiên; tuyến đường sắt số 2: Bến Thành - Tham Lương,... Nhiều dự án triển khai kéo dài, đầu tư không dứt điểm, kém hiệu quả. Dự án nhóm B nhưng kéo dài quá 5 năm, nhóm C quá 3 năm, dự án bố trí thiếu vốn ngân sách địa phương…

“Đây là vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm, chưa được khắc phục đáng kể, gây lãng phí lớn trong sử dụng vốn đầu tư công”, Đoàn giám sát của Quốc hội nhấn mạnh.

Hơn 3.000 dự án có thất thoát, lãng phí

Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đề nghị Chính phủ, Thủ tướng trước mắt tập trung xử lý 52 dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả.

Đồng thời, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu, danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công tới thời điểm 31.12.2021 vi phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, ngân sách, đất đai, đấu thầu, trong đó làm rõ danh mục: (1) Dự án có thất thoát lãng phí, số tiền thất thoát lãng phí được phát hiện; (2) Dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả, chất lượng không bảo đảm để sớm có các giải pháp xử lý cụ thể; (3) Dự án BT và dự án BOT đang triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, Báo cáo giám sát cho biết, giai đoạn này có hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí. Cụ thể, năm 2016 có 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 có 185 dự án. Tổng cộng là 3.085 dự án, trong đó một số dự án đầu tư công có sai phạm, phải xử lý hình sự. Và trong số 1.086 trường hợp đã đưa ra xét xử gây thất thoát, lãng phí khoảng 31.795 tỷ đồng. Những con số này là theo tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ ngành, địa phương.

Các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh toán, quyết toán, kiểm toán. Một số địa phương có số dự án phát hiện có thất thoát, lãng phí nhiều, như: Bắc Giang năm 2018 có 196 dự án và 864 dự án năm 2020; Thanh Hóa năm 2019 có 52 dự án, năm 2020 có 19 dự án, năm 2021 có 90 dự án; Phú Thọ năm 2018 có 111 dự án; Quảng Ngãi năm 2018 có 58 dự án; Lạng Sơn năm 2021 có 48 dự án; Hà Tĩnh năm 2020 có 34 dự án; Sơn La năm 2019 có 33 dự án; Nghệ An năm 2019 có 20 dự án,...

Theo Báo cáo giám sát, hầu hết báo cáo của các đơn vị không có thông tin, số liệu về công trình, dự án dở dang chưa bố trí đủ nguồn vốn. Còn theo báo cáo tổng hợp chưa đầy đủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016 các bộ, ngành, địa phương ngừng thực hiện 726 dự án, năm 2017 là 284 dự án và năm 2018 là 450 dự án.

“Qua giám sát thấy rằng, còn nhiều dự án dở dang không cân đối được nguồn vốn hoặc đã điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, dừng thực hiện dự án hoặc thi công đến điểm dừng kỹ thuật,… nhưng chậm hoặc chưa kịp thời rà soát, cắt giảm, gây thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất, gây khó khăn bức xúc cho doanh nghiệp và người dân”, Báo cáo cho biết.

Tương tự, các bộ, ngành, địa phương cơ bản cũng không báo cáo công trình, dự án đã nghiệm thu nhưng không phát huy hiệu quả đầu tư hoặc không bảo đảm chất lượng, đặc biệt là danh mục công trình, dự án đã nghiệm thu nhưng không phát huy hiệu quả đầu tư, lãng phí, thất thoát. Tuy nhiên, qua giám sát số liệu báo cáo không đầy đủ đã có chi tiết danh mục hàng nghìn dự án chậm tiến độ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, thậm chí bỏ hoang, gây lãng phí nhưng chưa được các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện dự án.

Những lát cắt về đầu tư công trong Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 một lần nữa cho thấy, cùng với thúc đẩy tiến độ giải ngân, việc bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn là hết sức quan trọng!

Hà Lan ( Theo Đại biểu nhân dân)

Bình luận

Nổi bật

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 13:40

(CL&CS) - Năm 2024, Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam và Vinamilk tiếp tục hành trình năm thứ 17, dành tặng 630.000 hộp sữa cho gần 8.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước. Không chỉ mang “niềm vui uống sữa” cho hàng trăm nghìn trẻ em, chương trình đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều em nhỏ theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình.

Tài chính khó khăn, NSH Petro dự kiến chào bán riêng lẻ nhằm thu về 1.300 tỷ đồng

Tài chính khó khăn, NSH Petro dự kiến chào bán riêng lẻ nhằm thu về 1.300 tỷ đồng

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 07:24

(CL&CS) - CTCP Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) sẽ chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu nhằm thu về 1.300 tỷ đồng để mua nguyên, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.