Thứ năm, 02/06/2022, 07:16 AM

Kiến nghị giảm thuế với mặt hàng xăng, dầu để kiềm chế lạm phát

(CL&CS) - Một số đại biểu Quốc hội kiến nghị, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, đặc biệt là xăng, dầu để góp phần kìm chế lạm phát.

Ngày 1/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2022 bên cạnh những điểm sáng thì tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều thách thức, đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá cả xăng, dầu và một số mặt hàng tăng cao.

Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, tác động không thuận lợi cho những quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam... Để đạt mục tiêu kinh tế nước ta tăng trưởng 6 đến 6,5%, kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay, đại biểu Trần Hoàng Ngân khuyến nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến 2 biến số quan trọng, đó là giá xăng dầu và giá lương thực.

“Trước mắt, cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng, dầu tăng cao sẽ dẫn đến domino các mặt hàng giá cả khác”, đại biểu nói.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) bày tỏ thống nhất rất cao với những nhận định về kết quả đạt được trong Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long).

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long).

Theo đại biểu, trong quá trình ứng phó đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước ta đã kiên định mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo hộ công dân, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của nhân dân với những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, nhân văn và đã được triển khai thực hiện rất kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế và khó khăn, theo đánh giá trong báo cáo của Chính phủ.

Đại biểu đề nghị sớm tổng kết, đánh giá tình hình kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68. Xem xét có giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn trong các chính sách bảo hiểm xã hội, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, không để xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, khẩn trương hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, giữ chân lao động để phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Vĩnh Long đề nghị Quốc hội và Chính phủ cũng nên tiếp tục xem xét việc giảm thuế đối với xăng, dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương).

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương).

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) cũng đề nghị Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương cần tập trung tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm để tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao bất hợp lý, đồng thời kiểm soát, hạ giá các dịch vụ công như xăng, dầu, điện nước.

“Nếu giá xăng, dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới. Thế nên, chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng, về lâu dài, tính toán để giảm một số khoản thuế, phí trong giá thành xăng, dầu để giảm nguy cơ lạm phát do tác động từ bên ngoài, khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm phụ thuộc nhập khẩu, chủ động hơn trong phần nguyên liệu đầu vào để giảm nguy cơ lạm phát”, đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu).

Cùng quan tâm đến vấn đề giá xăng, dầu, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích, giá xăng, dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo và đến nay không chỉ dừng ở xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang vật tư phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,1%. Riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp hai lần cùng kỳ các năm 2018 đến năm 2021 tạo sức ép lạm phát vào những tháng cuối năm.

"Tôi kính đề nghị Chính phủ cân nhắc đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ. Đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa để cử tri và nhân dân được biết và chia sẻ”, đại biểu nói.

Theo Lao động thủ đô

Bình luận

Nổi bật

Khẩn trương xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân

Khẩn trương xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân

sự kiện🞄Thứ năm, 18/04/2024, 16:32

(CL&CS) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 165/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng

sự kiện🞄Thứ sáu, 12/04/2024, 20:19

(CL&CS) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 11/4/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Hàng trăm tấn tinh dầu quế tồn kho do vướng quy định về xuất khẩu

Hàng trăm tấn tinh dầu quế tồn kho do vướng quy định về xuất khẩu

sự kiện🞄Thứ hai, 08/04/2024, 07:21

(CL&CS) - Các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế đang gặp khó khăn do vướng các quy định về kinh doanh dược liệu của Bộ Y tế, dẫn tới hàng trăm tấn tinh dầu đang bị tồn kho tại vùng nguyên liệu.