Thứ tư, 22/06/2022, 15:02 PM

Giáo dục Thủ đô những dấu ấn nổi bật

(CL&CS) - Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thủ đô chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Ngành cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương và Thành phố, tất cả các bậc học, cấp học đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạt nhiều thành tích đáng tự hào.

Kết quả ấn tượng về thành tích học tập

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, năm học 2021-2022, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục được ổn định và có bước phát triển mạnh. Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đến nay, toàn Thành phố có 2.835 đơn vị trường học với hơn 2,2 triệu học sinh. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ hiện đại.

4

Chất lượng dạy và học luôn được duy trì ổn định, từng bước được nâng lên vững chắc.

Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện, coi đây là giải pháp nâng cao chất lượng cũng như phát triển toàn diện các trường học. Tính đến tháng 4/2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia toàn Thành phố là 64,3%, trong đó công lập là 79% (1.766/2.236 trường); 22 trường chất lượng cao, trong đó có 16 trường công lập. Mô hình trường chất lượng cao đang phát huy tác dụng tốt với học sinh và cha mẹ học sinh.

Công tác tuyển sinh đầu cấp và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông được thực hiện đúng nội quy, quy chế của Bộ GD&ĐT. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên. Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông được đổi mới. Chất lượng dạy và học luôn được duy trì ổn định, từng bước được nâng lên vững chắc, đặc biệt là chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo. Công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông được đẩy mạnh.

Công tác tuyển sinh trực tuyến đối với trường mầm non, lớp 1, lớp 6 được thực hiện hiệu quả. Công tác cải cách hành chính về GD&ĐT có sự tiến độ vượt bậc. Công tác kiểm tra đánh giá trong các đơn vị trường học có nhiều đổi mới. Công tác thi và kiểm định chất lượng giáo dục, công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện đúng quy định. Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT được mở rộng.

Học sinh Hà Nội liên tục ở tốp đầu cả nước tại kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia với 125 học sinh đạt giải, trong đó có 7 giải Nhất, 37 giải Nhì, 33 giải Ba và 48 giải Khuyến khích. Tại kỳ thi Khoa học kỹ thật quốc gia, học sinh Hà Nội giành được 2 giải Nhất, 2 giải Nhì. Cùng đó, năm học 2021-2022, học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định tài năng trên trường quốc tế. Dấu ấn nổi bật là kết quả đặc biệt xuất sắc trong các kỳ thi Olympic quốc tế với 8 Huy chương Vàng, 29 Huy chương Bạc, 22 Huy chương Đồng và 4 giải Khuyến khích.

Tiêu biểu như em Cấn Gia Linh (học sinh lớp 5Đ, Trường Tiểu học Hương Ngải, huyện Thạch Thất), dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, bố mất sớm vì bệnh ung thư, mẹ một mình nuôi 3 chị em ăn học nhưng em luôn cố gắng học tập. 4 năm liền đạt học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. Học kỳ I lớp 5, điểm số tất cả các môn học của em đều được điểm 10. Từ lớp 1 đến lớp 5, em luôn đạt giải cao trong các kỳ thi tiếng Anh, Toán cấp trường, cấp huyện.

Em Phạm Thiên Minh (học sinh lớp 9H, Trường Trung học cơ sở Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm) đạt Huy chương Vàng kỳ thi Vô địch các đội tuyển Toán thế giới WMTC; đạt 19,25/20 điểm kỳ thi Học sinh giỏi Thành phố môn Toán lớp 9, cấp Trung học cơ sở. Em Phạm Nguyễn Quang Huy (học sinh lớp 12A2, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, quận Đống Đa) đạt giải Nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia. Em là đại diện Việt Nam tham dự kỳ thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật Quốc tế. Và còn rất nhiều các tấm gương học sinh giỏi xuất sắc khác...

Tấm gương lan tỏa những việc làm đẹp

Ngoài những kết quả ấn tượng về thành tích học tập, nghiên cứu, học sinh Hà Nội còn là những tấm gương có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua, hoạt động ngoại khóa, công tác xã hội, công tác Đoàn, Đội và bản thân có những việc làm rất đẹp, đáng để học hỏi.

Những tấm gương có thể kể đến là em Lê Minh Hà (học sinh lớp 12D1, Trường Trung học phổ thông Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh) không quản ngại khó khăn, đi phát thuốc cho các gia đình có F0 điều trị tại nhà trong những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; em Hà Công Minh Đức (học sinh lớp 6A6, Trường Trung học cơ sở Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) dũng cảm cứu bạn gặp đuối nước; em Nguyễn Minh Tâm (học sinh lớp 9A2, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, huyện Thanh Trì) nhặt được của rơi trả lại người đánh mất.

Hay như em Đỗ Ngọc Minh (học sinh lớp 3A7, Trường Tiểu học Gia Thụy, quận Long Biên) dù phải học lại một năm để điều trị bệnh nhưng vẫn học tập tốt và đạt giải Đặc biệt cuộc thi vẽ tranh “Vì một Việt Nam tất thắng” cấp Quốc gia; em Nguyễn Vũ Anh (học sinh lớp 12D8, Trường Trung học phổ thông Quang Trung, quận Hà Đông) không chỉ học giỏi môn Ngữ văn, mà còn đạt giải Ấn tượng cuộc thi viết lời giới thiệu sách của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tích cực giúp đỡ trẻ em mồ côi...

“Có thể nói, sự chuyển biến tích cực của ngành GD&ĐT Thủ đô trong năm học vừa qua đã diễn ra toàn diện trên các mặt, đều khắp các cấp học, các nhà trường, cả ở công lập và ngoài công lập; sự đổi mới, hiệu quả của các đơn vị quản lý giáo dục từ Sở cho đến các Phòng GD&ĐT và các nhà trường. Kết quả của năm học 2021-2022 tiếp tục khẳng định sự cố gắng, quyết tâm phấn đấu của ngành GD&ĐT Thủ đô; quyết tâm vươn lên của hơn 2,2 triệu học sinh”, ông Nguyễn Quang Tuấn khẳng định.

Phát huy những kết quả đạt được, để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian tới, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó nhiệm vụ trước mắt là tổ chức tốt công tác tuyển sinh đầu cấp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; chuẩn bị các điều kiện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để học sinh Hà Nội đạt kết quả cao nhất về kết quả tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động sinh hoạt lành mạnh, bổ ích, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích sông nước cho học sinh trong dịp hè.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng sẽ chủ động phối hợp các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã huy động hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp GD&ĐT; đầu tư, xây dựng trường lớp đảm bảo nguyên tắc ưu tiên theo thứ tự đang thiếu trường học, đang phải học tạm, thiếu trường đạt chuẩn Quốc gia; quan tâm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cây xanh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp; ưu tiên thực hiện công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế song song với việc nâng cao chất lượng đại trà; thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đặc biệt là trong đổi mới phương pháp dạy và học gắn với việc xây dựng trường học điện tử; chú trọng dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa…/.

Theo Lao động thủ đô

Bình luận

Nổi bật

Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên tăng chỉ tiêu vào lớp 10

Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên tăng chỉ tiêu vào lớp 10

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 09:38

(CL&CS) - Mới đây, trường chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố kế hoạch tuyển sinh năm học 2024 -2025.

Trường PTTH Ngọc Hồi kết nạp Đảng  3 học sinh ưu tú

Trường PTTH Ngọc Hồi kết nạp Đảng 3 học sinh ưu tú

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 07:24

(CL&CS)- Chiều ngày 26/3, Chi bộ Trường PTTH Ngọc hồi tổ chức Lễ kết nạp Đảng cho 3 quần chúng ưu tú là học sinh lớp 12.

Bắc Ninh sẽ hình thành các khu đô thị Đại học

Bắc Ninh sẽ hình thành các khu đô thị Đại học

sự kiện🞄Thứ tư, 27/03/2024, 07:06

(CL&CS)- Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh sẽ hình thành các khu đô thị đại học nhằm thu hút cơ sở giáo dục Đại học từ Hà Nội chuyển về hoặc xây dựng phân hiệu.