Giá cước vận tải biển sẽ hạ nhiệt vào năm 2022

(CL&CS) - Theo SSI Research, giá cước vận tải biển có thể đạt đỉnh vào quý 4/2021, sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào nửa đầu năm 2022, giá cước có thể giảm đáng kể trong năm 2023 khi nguồn cung tàu mới đi vào hoạt động, nhưng duy trì ở mức cao hơn mặt bằng trước dịch Covid-19.

Theo báo cáo ngành logistics của SSI Research, vận tải biển là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Sự tắc nghẽn và gián đoạn ngày càng trở nên nghiêm trọng đẩy giá vận chuyển lên mức cao kỷ lục, giá container tăng gấp 4 lần so với thời điểm trước dịch.

Chi phí vận chuyển tăng cao hơn ở các tuyến đường dài, chẳng hạn như tuyến Châu Á - Châu Âu và Châu Á - Bắc Mỹ đã tăng khoảng 4 - 8 lần trong vòng một năm.

Cụ thể, chi phí để vận chuyển một container 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Rotterdam (Hà Lan) đạt mức 11.975 USD vào ngày 25/6, cao hơn 554% so với một năm trước đó.

Theo nghiên cứu của SSI Research, chi phí vận chuyển đến các thị trường Mỹ/Âu đã tăng gấp 2-3 lần trong năm qua, hầu hết các công ty ở Việt Nam nhập khẩu theo điều kiện CIF và xuất khẩu theo điều kiện FOB, trong đó các công ty xuất khẩu theo điều kiện FOB không phải chịu phí vận tải trực tiếp nhưng phải chia sẻ chi phí vận chuyển gia tăng bằng cách giảm giá bán bình quân. Vì vậy, các công ty xuất/nhập khẩu có tỷ lệ xuất nhập khẩu cao tới các thị trường Mỹ/Âu sẽ chịu giá bán bình quân/tỷ suất lợi nhuận thấp hơn do ảnh hưởng này.

"Tác động mạnh nhất khi giá cước tăng cao là những ngành có giá trị hàng hóa thấp như thủy sản và nông nghiệp. Tuy nhiên, kết quả nhìn chung vẫn khả quan do giá trị xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021", các chuyên gia của SSI Research chia sẻ.

van-chuyen-hang-hoa-theo-duong-bien25-1522

Tác động mạnh nhất khi giá cước tăng cao là những ngành có giá trị hàng hóa thấp như thủy sản và nông nghiệp (Ảnh: BP)

Ở lĩnh vực nhập khẩu, ít bị ảnh hưởng hơn do 82% tổng kim ngạch nhập khẩu đến từ châu Á, tại đây giá cước vận tải trong khu vực tăng với tốc độ thấp hơn nhiều, chỉ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Song, với một số nguyên liệu sản xuất nhập khẩu như: đậu nành (100% từ Châu Mỹ), ngô (80% từ Châu Mỹ), bông (78% từ Châu Mỹ), thức ăn chăn nuôi (70% từ Châu Mỹ) và sữa (40% từ châu Âu và châu Mỹ) cũng bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi thấy các công ty nhập khẩu nguyên liệu từ châu Âu/Mỹ (như VNM, QNS, DBC) cũng chịu mức giá cao hơn. Ngoài ra, chúng tôi ước tính đối với VNM, chi phí vận chuyển chiếm khoảng 1% -2% trong giá CIF nguyên liệu đầu vào, do đó tác động đến tỷ suất lợi nhuận sẽ hạn chế so với các ngành xuất khẩu khác", chuyên gia của SSI Research cho hay.

Cũng theo SSI Research, hiện nay có rất nhiều yếu tố tác động đến thị trường vận tải biển. Khó có thể nói chính xác mức độ tác động của mỗi yếu tố vào tình trạng này. Nhưng một số yếu tố chỉ mang tính chất tạm thời và chắc chắn sẽ đảo chiều trong thời gian thích hợp, trong khi một số yếu tố khác là khá dài hạn và sẽ không sớm thay đổi. Điều này cho thấy sự leo thang của các yếu tố ngắn hạn có thể đẩy chi phí logistics lên mức cao mới, mức giá cao như vậy sẽ không bền vững trong dài hạn.

Cụ thể, một số yếu tố ngắn hạn có thể giảm dần trong thời gian tới. Nhu cầu dồn nén sau dịch và hoạt động tăng nhập hàng tồn kho ở Bắc Mỹ/Châu Âu. Thông thường, có hai mùa cao điểm xuất khẩu từ Châu Á sang Bắc Mỹ/Châu Âu, đó là tháng 7 (mùa tựu trường) và tháng 10 (mùa Giáng sinh).

Hiện tại, một số hãng đã bắt đầu áp dụng phụ phí mùa cao điểm cho các tuyến dịch vụ này. Đây là động lực ngắn hạn tác động mạnh nhất đến việc tăng chi phí logistics và điều này sẽ chưa kết thúc cho đến cuối năm 2021.

Về dài hạn, những yếu tố sau đây có thể tồn tại và giữ giá logistics ở mức cao hơn mức bình quân trước dịch Covid-19. Điển hình như việc hợp tác kiểm soát nguồn cung và giá cả giữa các hãng vận tải do sự hình thành liên minh và M&A nhiều hơn trong những năm gần đây.

Xu hướng tăng kích cỡ tàu khiến cho việc quản lý chuỗi cung kém linh hoạt hơn và gia tăng chi phí khi xảy ra đứt gãy. Tỷ lệ hợp đồng dài hạn cao hơn có thể giữ giá vận tải ổn định hơn, nhưng ở mức cao hơn.

Và SSI Research cho rằng, giá cước có thể đạt đỉnh vào quý 4/2021, sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào nửa đầu năm 2022, giá cước có thể giảm đáng kể trong năm 2023 khi nguồn cung tàu mới đi vào hoạt động, nhưng duy trì ở mức cao hơn mặt bằng trước dịch Covid. 

Theo Drewry, giá cước bình quân có thể tăng 23% trong năm nay và có thể giảm nhẹ khoảng 9% trong năm 2022 do nhu cầu trở lại mức bình thường, trong khi giá cước dài hạn dự kiến sẽ vẫn cao hơn mức trước dịch Covid-19, vì các hãng vận tải có nhiều kinh nghiệm hơn trong quản lý nguồn cung và tăng hợp tác.

Bảo Phương

Bình luận

Nổi bật

Đại diện duy nhất Việt Nam được LĐBĐ Châu Á công nhận là Trung tâm y học thể thao xuất sắc

Đại diện duy nhất Việt Nam được LĐBĐ Châu Á công nhận là Trung tâm y học thể thao xuất sắc

sự kiện🞄Thứ bảy, 11/05/2024, 19:47

(CL&CS) - Với việc đạt chứng nhận cao nhất của AFC dành cho các cơ sở y tế và bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối ưu cho các cầu thủ bóng đá Châu Á, Trung tâm chấn thương chỉnh hình và y học thể thao Vinmec được kỳ vọng sẽ là “địa chỉ đỏ” cho các VĐV chuyên nghiệp và những người tham gia thể thao phong trào.

BSR lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại HOSE

BSR lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại HOSE

sự kiện🞄Thứ bảy, 11/05/2024, 19:45

(CL&CS) - CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ đăng ký thủ tục chuyển sàn niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) khi đủ điều kiện.

Hoàng Anh Gia Lai đặt kế hoạch lợi nhuận 1.320 tỷ đồng và xóa lỗ lũy kế

Hoàng Anh Gia Lai đặt kế hoạch lợi nhuận 1.320 tỷ đồng và xóa lỗ lũy kế

sự kiện🞄Thứ bảy, 11/05/2024, 12:16

(CL&CS) - CTCP Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức đặt mục tiêu kinh doanh năm 2024 với doanh thu 7.750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.320 tỷ đồng và phấn đấu cuối năm nay sẽ xóa được lỗ lũy kế.