Thứ năm, 10/08/2023, 15:10 PM

Đưa sơn mài Hạ Thái vươn xa

(CL&CS) - Thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội) là nơi được biết đến với nghề làm sơn mài độc đáo. Những năm gần đây, các nghệ nhân trong làng đã và đang nỗ lực tìm hướng đi mới để vừa bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, vừa tăng thu nhập cho người dân.

Nét đẹp truyền thống độc đáo

Những người dân trong thôn Hạ Thái cũng không biết chính xác làng nghề sơn mài bắt đầu hình thành từ khi nào. Đến đầu thế kỷ XX, các nghệ nhân và thợ giỏi trong làng đã sáng tạo, nghiên cứu và cải tiến từ nghề sơn quang dầu (đồ nét) chuyển thành nghề sơn mài. Cũng trong giai đoạn này, cụ Đinh Văn Thành - giảng viên trường Mỹ thuật Đông Dương, đã đưa nghề sơn mài về truyền dạy cho người dân trong làng và đưa những tác phẩm của làng sang triển lãm tại Pháp.

1

Sản phẩm bình hoa sơn mài đạt OCOP 4 sao của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi. Ảnh:N.Hoa

Trải qua những thăng trầm, đến nay, thôn Hạ Thái có khoảng hơn 70% số hộ chuyên làm nghề sơn mài. Trên địa bàn xã có 11 công ty và 69 cơ sở sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sơn mài truyền thống, tập trung vào 2 nhóm sản phẩm chính là: Quà tặng, trang trí nội thất và đồ thờ tâm linh, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hàng năm, làng nghề đã tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương và gần 300 lao động ở các địa phương khác đến làm việc.

Sự khác biệt lớn nhất của làng nghề sơn mài Hạ Thái là mọi sản phẩm đều lấy cảm hứng từ thiên nhiên, nguyên liệu rất đơn giản, mộc mạc để tạo ra những sản phẩm phong phú. Đây là nét đặc trưng mà không phải làng nghề nào cũng có được, đó cũng là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Hồi cho biết, tranh sơn mài của làng nghề Hạ Thái sử dụng những vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn cánh gián, sơn then, các loại son, bạc thếp, vỏ trai, vàng thếp… và chủ yếu được vẽ trên nền vóc màu đen. Người làm nghề sử dụng kỹ thuật mài đã tạo nên nét độc đáo riêng cho sơn mài.

Theo những nghệ nhân làng nghề, để làm được một sản phẩm sơn mài phải trải qua vài chục công đoạn, khoảng 12 nước sơn mới đảm bảo được độ bóng và bền của sản phẩm. Mỗi công đoạn có những yêu cầu riêng nhưng đều đòi hỏi sự khéo tay, kiên trì, tâm huyết của người làm nghề. Từng công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ. Mỗi công đoạn đều liên quan chặt chẽ với nhau, nếu thiếu một công đoạn nào thì sản phẩm cũng không thể hoàn thiện và không bảo đảm độ bền cũng như tính mỹ thuật. Ngày nay, các nghệ nhân làng Hạ Thái đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong pha chế, thay đổi công đoạn sơn làm cho sản phẩm bóng, bền, đẹp hơn.

Để làng nghề truyền thống phát triển bền vững, năm 2003, các nghệ nhân và hộ sản xuất đã cùng nhau thành lập Hội sơn mài làng nghề Hạ Thái để tập hợp các hộ, cơ sở sản xuất trong làng cùng sản xuất, hỗ trợ nhau phát triển nghề, chia sẻ thông tin về thị trường, mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề của người thợ, dạy nghề cho thế hệ trẻ. Hàng năm, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội luôn tạo điều kiện, vận động các hội viên tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho làng nghề. Năm 2021, 2022 gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao giấy chứng nhận OCOP 4 sao cho các sản phẩm: Lọ hoa sơn mài cốt gốm hình xoài; bình hoa sơn mài cốt gốm hoa sen; tranh sơn mài Tùng Hạc…

Chuyển mình theo xu hướng

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay sơn mài Hạ Thái đang chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những năm gần đây, người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa mang tính trang trí, vừa có giá trị sử dụng. Các sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng mà còn bởi dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa. Hiện nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái phục vụ nhiều thị trường như: Quà tặng nội địa là những chiếc khay, hộp, lọ, tranh ảnh; hàng sơn mài phục vụ nhu cầu tâm linh như đồ sơn son, thếp vàng, đồ thờ cúng... Nhiều sản phẩm là hàng mỹ nghệ cao cấp đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

2

Sản phẩm sơn mài Hạ Thái ngày nay đa dạng, phục vụ thị trường.

Trước đây, chất liệu chính của sơn mài Hạ Thái là gỗ, tre, nứa, ngày nay có thêm các chất liệu mới như: Composite, gốm sứ… càng tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm. Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm truyền thống cha ông để lại, quá trình làm nghề những nghệ nhân trong làng phát hiện ra nhiều màu mới. Bên cạnh việc giữ gìn những bản sắc vốn có, người dân Hạ Thái hiện nay đã mở rộng các mô hình kinh doanh, thúc đẩy kinh tế cho làng. Lấy nét đặc trưng là chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam, làng Hạ Thái đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu và thử sức làm tranh sơn mài.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của làng nghề, những năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm, chú trọng đưa ra nhiều chính sách để giúp làng Hạ Thái phát triển các sản phẩm sơn mài. Năm 2020, Hạ Thái được công nhận là 1 trong 7 điểm du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội. Nhờ đó, làng nghề được quy hoạch riêng khu sản xuất, thành lập Cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Hạ Thái rộng 12ha, thu hút hơn 100 hộ sản xuất, đồng thời đưa các sản phẩm tranh sơn mài Hạ Thái đến các triển lãm, hội chợ…

Chia sẻ về hướng bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Hồi cho biết: “Theo dòng chảy của thời gian, làng nghề Hạ Thái cũng như các làng nghề truyền thống khác, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, phải không ngừng đổi mới, chuyển mình để duy trì và phát triển. Chúng tôi đang hướng phát triển làng nghề thành một điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp như Bát Tràng. Các xưởng liên kết lại với nhau để đào tạo nghề cho thế hệ trẻ trong vùng, đồng thời trang bị kiến thức làm du lịch. Chúng tôi trang bị cơ sở vật chất, tại xưởng sản xuất để làm nơi hướng dẫn khách du lịch được trải nghiệm làm một vài khâu trong quy trình sản xuất sản phẩm sơn mài. Để làng nghề phát triển bền vững, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa tới cơ sở hạ tầng của làng nghề như khu trưng bày sản phẩm, các điểm đỗ xe, khu vệ sinh công cộng, khu vực cho khách du lịch ăn uống, mua sắm và tìm hiểu về văn hóa của làng nghề”.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay sơn mài Hạ Thái đang chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những năm gần đây, người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa mang tính trang trí, vừa có giá trị sử dụng. Các sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng mà còn bởi dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa. Hiện nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái phục vụ nhiều thị trường như: Quà tặng nội địa là những chiếc khay, hộp, lọ, tranh ảnh; hàng sơn mài phục vụ nhu cầu tâm linh như đồ sơn son, thếp vàng, đồ thờ cúng... Nhiều sản phẩm là hàng mỹ nghệ cao cấp đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo Lao động thủ đô

Bình luận

Nổi bật

Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2024

Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:05

(CL&CS) - Mới đây, Bộ Công Thương ban hành văn bản về việc gửi hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024.

Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP

Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:03

(CL&CS)- Tính đến hết tháng 4/2024, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai đánh giá, phân hạng được hơn 12.000 sản phẩm OCOP. Trong đó, TP Hà Nội tiếp tục đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Cùng nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Cùng nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:57

(CL&CS) - Song song với việc hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu suất, nâng tầm chất lượng sản phẩm thì việc mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản cũng được ngành Khoa học và Công nghệ quan tâm đồng hành. Tận dụng làn sóng công nghệ thông tin phát triển ngày càng mạnh mẽ, ngày 09/5/2024, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Đông tổ chức lớp tập huấn “Hỗ trợ hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin và CMCN 4.0 để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm trên môi trường mạng”.