Thứ sáu, 20/11/2020, 11:07 AM

Đóng góp của ngành Công Thương trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế

(CL&CS) - Ngày 01 tháng 11 năm 2016, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là chỉ đạo quan trọng vào thời điểm năm 2016 - giai đoạn đánh dấu 40 năm nước ta dành được độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và 30 năm đổi mới với những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với việc ta cơ bản chuyển đổi thành công mô hình quản lý nhà nước từ cơ chế kế hoạch tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và đưa nước ta từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Mặc dù vậy, vào thời điểm đó, ta đang phải đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy quốc gia có thu nhập trung bình thấp do mô hình tăng trưởng kinh tế chậm được đổi mới dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại qua từng thập kỷ; tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện các chỉ đạo tại Nghị quyết, việc cụ thể hóa các chủ trương này thành các nhiệm vụ, giải pháp vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Quy mô kinh tế đến năm 2019, đã tăng hơn 40 lần và GDP bình quân đầu người tăng gần 30 lần so với năm 1990. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 (đạt 5,91%).

Đối với ngành Công Thương, việc thực hiện các chỉ đạo Bộ Chính trị và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 05-NQ/TW đã được triển khai một cách tích cực, toàn diện và qua đó, đã tạo ra được những chuyển biến một cách rõ nét, thực chất trong phát triển ngành trên nhiều lĩnh vực.

Thứ nhất, chất lượng tăng trưởng của ngành ngày càng được cải thiện, các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển ngành trong giai đoạn 2016-2020 cơ bản đạt mục tiêu đề ra: (1) Tốc độ tăng trưởng bình quân VA công nghiệp ước tăng 7,1% (vượt mục tiêu đặt ra 6,5 - 7,0%/năm); (2) điện sản xuất tăng trưởng bình quân đạt 11,04% (cao hơn mục tiêu đề ra); (3) tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân ước đạt 10,5% (cao hơn mục tiêu hằng năm do Quốc hội và Chính phủ giao là 7-8%); nhập khẩu kiểm soát tốt (tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát chỉ còn chiếm tỷ trọng 6,8% vào năm 2019); (4) thị trường trong nước ngày càng được mở rộng với tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng cao khoảng 9,1%; trong đó thương mại điện tử phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 27%/năm; (5) Công tác hội nhập quốc tế về kinh tế được tăng cường với 02 Hiệp định thương mại thế hệ mới quan trọng đã được ký kết (CPTPP và EVFTA); (6) Các ngành công nghiệp lớn (điện tử, dệt may, da giày…) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và từng bước hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, quá trình tái cơ cấu ngành ngày càng đi vào thực chất và hướng vào lõi công nghiệp hóa: (1) Công nghiệp phát triển theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo (từ 13,7% năm 2015 lên 16,48% năm 2019 trong GDP) và giảm dần ngành khai khoáng (từ 9,6% năm 2015 xuống 6,72% năm 2019 trong GDP); (2) Ngành điện có sự chuyển dịch mạnh  theo hướng sử dụng năng lượng xanh và sạch hơn với tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện; tổn thất điện năng ngày càng giảm, từ mức 10,15% vào năm 2010 còn 7,04% vào năm 2018 và năm 2019 giảm còn 6,5% (vượt mục tiêu là dưới 8%); (3) Xuất khẩu chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 85% năm 2019) và giảm dần các ngành khoáng sản (chỉ còn 1,2% vào năm 2019) và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao (tăng từ 22,9% vào năm 2011 lên 41,4% năm 2015, 49,5% vào năm 2019); tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng từ 28,5% năm 2016 lên 31,4% năm 2019.

Công tác kết nối cung cầu đã được thực hiện tốt, góp phần bình ổn giá trên thị trường, đảm bảo đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát thông qua việc gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc với sự lớn mạnh của hàng hóa Việt; Quản lý, đảm bảo trật tự thị trường nội địa được củng cố, từng bước đảm bảo kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chất lượng và giá sản phẩm, an toàn thực phẩm; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định pháp luật.

1

Thứ ba, các cân đối lớn của ngành cơ bản được đảm bảo: (1) Cân đối ngoại thương đạt thặng dư liên tục trong suốt thời kỳ kế hoạch và ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục trong năm 2019 với 10,87 tỷ USD (đạt vượt mức chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao hằng năm là thâm hụt thương mại dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu); (2) Cân đối cung – cầu năng lượng cơ bản được đảm bảo, ngành dầu khí đáp ứng 75-80% nhu cầu về các sản phẩm xăng dầu trong nước và mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia; ngành điện cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của người dân với độ tin cậy của cung cấp nguồn điện và lưới điện với chất lượng ngày càng được cải thiện; (3) Cân đối cung cầu hàng hóa trong nước cơ bản được thực hiện tốt, góp phần bình ổn giá trên thị trường, đảm bảo đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Thứ tư, hệ thống hạ tầng của ngành phát triển tương đối đồng bộ, hiện đại: (1) Hạ tầng lưới điện được đầu tư khá toàn diện, đảm bảo cơ bản độ tin cậy về cung cấp nguồn điện và góp phần đưa được điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của tổ quốc từ vùng sâu, vùng xa tới biên cương, hải đảo và cơ bản hoàn thành công tác điện khí hóa nông thôn; (2) Hạ tầng thương mại phát triển nhanh, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập, mở cửa, tạo kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân (tốc độ tăng trưởng về số lượng hạ tầng thương mại hiện đại, trung tâm thương mại và siêu thị đạt 7,58%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019, cao hơn rất nhiều so với hệ thống phân phối truyền thống (chỉ 0,28%)).

Thứ năm, công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường đã được tập trung hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển, chuyển dịch mô hình nhà nước quản lý các ngành kinh tế bằng pháp luật, quản lý qua các tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của hàng hóa, quy hoạch sản xuất mà không có nhiều rào cản lớn về hành chính cũng như pháp lý. Theo đó, Bộ đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một số Luật quan trọng trực tiếp đối với các ngành Công Thương như Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Khoáng sản; Luật Điện lực; Luật Quản lý Ngoại thương; Luật Cạnh tranh sửa đổi; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh Quản lý thị trường, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ,… Qua đó đã hình thành được một khung khổ cơ bản các Bộ luật điều chỉnh mọi mặt của nền kinh tế và tạo thuận lợi cho phát triển ngành Công Thương, góp phần hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh, đảm bảo khung pháp lý ổn định, minh bạch cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành. Đây là thành tựu quan trọng và nổi bật của việc thực hiện đường lối và chính sách hội nhập được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đến nay, đã có hơn 70 quốc gia trên thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được tập trung thực hiện và đạt được các kết quả tốt. Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã tiến hành 04 lần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) với tổng số các TTHC được cắt giảm và đơn giản hóa ước đạt 380 TTHC. Đối với 444 TTHC còn lại của Bộ Công Thương (trong đó 152 thủ tục đã phân cấp cho các địa phương thực hiện) đều đã được Bộ Công Thương công bố và cập nhật công khai, đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; đã kết nối 11 dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW).

Công tác cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được tập trung xử lý với việc đã cắt giảm được 880/1216 điều kiện kinh doanh (tương đương với 72,37%)  thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (gồm: xăng dầu, thuốc lá, điện lực, hóa chất, thực phẩm, khoáng sản, khí, rượu, vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, nhượng quyền thương mại, thương mại điện tử) và trở thành một trong những Bộ đi đầu cả nước về công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong thời gian tới, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ngành Công Thương quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 05-NQ/TW, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, làm tiền đề để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Văn Văn

Bình luận

Nổi bật

Quảng Ninh: Diễn đàn đầu tư số Quốc tế tại Việt Nam năm 2024

Quảng Ninh: Diễn đàn đầu tư số Quốc tế tại Việt Nam năm 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:43

(CL&CS) - Trong khuôn khổ Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ngày 20/11, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức Diễn đàn đầu tư số quốc tế tại Việt Nam năm 2024.

Năm 2025, Hà Nội phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ

Năm 2025, Hà Nội phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:43

(CL&CS) - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 330/KH-UBND ngày 18/11/2024 về việc thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2025.

10 giải pháp công nghệ vào chung kết Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống 2024

10 giải pháp công nghệ vào chung kết Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:43

(CL&CS) - Vừa qua, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống 2024 (Data for life 2024) do Bộ Công an phát động, đã chọn được 10 đội xuất sắc vào chung kết, diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11 tới.