Thứ sáu, 06/10/2023, 14:47 PM

Doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm cơ hội cho năm 2024

(CL&CS) - Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và có thể kéo dài sang đầu năm 2024. Trong bối cảnh đó các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm cơ hội phát triển.

Việc tham gia các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại là cần thiết để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới. Ảnh: HD

Việc tham gia các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại là cần thiết để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới. Ảnh: HD

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, dự kiến có gần 40% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh quý 4 sẽ tốt lên so với quý 3/2023. Tuy nhiên, sang đến năm 2024, nhiều tổ chức và chuyên gia đánh giá nền kinh tế vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2023. Vì thế, Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Trong đó, về xuất khẩu, Chính phủ yêu cầu phải giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới; cùng với đó phải tận dụng cơ hội các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết cũng như đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới.

Theo kết quả khảo sát vào tháng 9/2023 của Vietnam Report, đứng đầu trong các chiến lược ưu tiên tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong các tháng cuối năm chính là việc “tìm kiếm và mở rộng thị trường”. Gần 90% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, khám phá, đa dạng hóa các thị trường mới được kỳ vọng giảm thiểu rủi ro phụ thuộc quá mức vào một thị trường duy nhất. Vietnam Report cũng cho rằng, đây là hướng tạo cơ hội gia tăng lợi nhuận mới trong giai đoạn thị trường còn nhiều thách thức như hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch để chuẩn bị cho những cơ hội mới. Là một doanh nghiệp mới đi vào hoạt động trong lĩnh vực chế biến, sản xuất và kinh doanh nông sản, nên Công ty Cổ phần Thực phẩm quốc tế Hoàng Gia Việt đặt mục tiêu hướng đến thị trường xuất khẩu vào năm 2024. Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Giám đốc Công ty chia sẻ, Công ty xác định không hướng tới những thị trường trung cấp mà tập trung vào thị trường cao cấp tại Mỹ và châu Âu, trong đó mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2024 tối thiểu đạt từ 15-30 tấn sản phẩm.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Công ty đã có thời gian chuẩn bị ngay từ khi thành lập từ việc xây dựng kế hoạch chi tiết, cơ cấu quá trình sản xuất phù hợp cho đến tìm hiểu “chân dung” và nhu cầu của khách hàng để biết thị trường cần gì và sản phẩm cần phải đáp ứng những yêu cầu như thế nào. Chẳng hạn thị trường châu Âu luôn đòi hỏi về phát triển bền vững thì doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu, vùng trồng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, cùng với đó là phải đảm bảo nhà máy chế biến đạt chất lượng. Hơn nữa, Công ty không chỉ xuất khẩu nông sản thô mà còn tập trung vào chế biến để gia tăng giá trị như chế biến thành sản phẩm khô, thực phẩm ăn liền hay sản phẩm ống hút bằng gạo…

Còn với một doanh nghiệp đang thực hiện xuất nhập khẩu các mặt hàng linh kiện điện tử như Công ty TNHH BigPhone Việt Nam, đại diện doanh nghiệp cho biết, trong năm 2023, lượng đơn hàng đã giảm so với trước đây tới gần 30%, nhưng dù dự báo tình hình còn khó khăn, Công ty vẫn kỳ vọng sẽ ký được một số đơn hàng trong những tháng cuối năm 2023 từ một số thị trường mới trong khu vực ASEAN để làm bước đệm cho sản xuất, xuất khẩu những tháng đầu năm 2024.

Tương tự, với doanh nghiệp ngành dệt may, tình hình được nhận định là chưa có nhiều “điểm sáng” trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, nhưng để đảm bảo đơn hàng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã tạo kết nối và khai thác thêm các khách hàng mới, cùng với đó là định hướng dòng hàng theo nhu cầu thị trường. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhấn mạnh đến việc làm tốt công tác thị trường và nâng tầm khả năng dự báo về thị trường dệt may để điều tiết linh hoạt theo nhu cầu thị trường và khách hàng.

Để thực hiện được những kỳ vọng và nhiệm vụ như trên, theo các doanh nghiệp là phải nhờ những giải pháp tìm đến thị trường ngách khi mở rộng thị trường xuất khẩu như tham gia vào chuỗi cung ứng về công nghiệp hỗ trợ, đi theo chuỗi của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Cùng với đó là tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tình hình xuất khẩu trong năm 2024 được dự báo sẽ có nhiều khả quan hơn, nhất là trong những tháng cuối năm hiện nay, đà giảm của kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đã có dấu hiệu chậm lại. Do đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu kỳ vọng sẽ khởi sắc và tạo được đột phá trong năm 2024. Đơn cử như sầu riêng, theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu sang năm 2024, sầu riêng Việt Nam có thêm nhiều mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp, khả năng xuất khẩu sầu riêng đạt con số 2-2,5 tỷ USD.

Từ những vấn đề nêu trên, TS. Bùi Duy Tùng, Giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào củng cố thị phần trong nước. Các doanh nghiệp có thể sử dụng chiến lược tiếp thị có mục tiêu hoặc thậm chí mở rộng sang các lĩnh vực ít chịu áp lực hơn. Ngoài ra, theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều biện pháp có sẵn như thương mại điện tử, các chương trình xúc tiến thương mại… Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải nâng cao khả năng cạnh tranh bền vững từ chất lượng, dịch vụ, mẫu mã, thương hiệu, không nên cạnh tranh bằng giá và phải xây dựng được những liên kết, hợp tác để cùng nhau phát triển.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:00

(CL&CS) - Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 được đề ra gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:04

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 20:59

(CL&CS)- Chiều 12/11, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.