Di dời hơn 53.000 nhân khẩu thuộc 52 xã, 'bắt tay' Liên Xô xây dựng hồ thủy điện lớn bậc nhất Việt Nam, 'lá chắn lũ' bảo vệ vùng Đồng bằng sông Hồng
Những ngày qua, hồ nước này đã ghi nhận nước ở mức rất cao, có thời điểm vượt quá khả năng xả lũ thiết kế.
"Lá chắn lũ" vẫn an toàn
Những ngày qua, hồ Thủy điện Thác Bà ghi nhận mực nước ở mức rất cao. Trong công điện ngày 10/9 của Thủ tướng Chính phủ cho biết, lưu lượng đến hồ vượt quá khả năng xả lũ thiết kế. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, triển khai thực hiện ngay các biện pháp để ngăn chặn, giảm thiểu dòng chảy về hồ Thủy điện Thác Bà.
Tới sáng 11/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trực tiếp đến thị sát tình hình hồ thủy điện này. Thời điểm kiểm tra, trời đã bớt mưa, hồ thủy điện đang vận hành ổn định, lưu lượng nước về hồ ở mức hơn 3.100m3/s.
Cũng trong sáng nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đến thời điểm này, hồ Thủy điện Thác Bà bảo đảm an toàn. “Còn nhiều việc phải làm nhưng với lưu lượng nước về và lưu lượng xả, chúng tôi khẳng định Thủy điện Thác Bà an toàn”, ông Hiệp nói.
Thứ trưởng cho biết sẽ mất khoảng 1-2 ngày nữa thì hồ sẽ về mực nước cho phép. Tuy nhiên, ông lưu ý người dân trong khu vực vẫn phải ở nơi tránh trú để đề phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra.
Tại thời điểm 15h15 chiều 11/9, theo ghi nhận của Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà, lưu lượng nước đổ về hồ đã giảm xuống mức 2.773m3/s (giảm hơn 400m3/s so với thời điểm 13h30). Mức nước hồ hiện tại là 59,81m, tổng lưu lượng xả qua công trình là 2.914m3/s, dự kiến sẽ không tăng nữa. Công trình, nhà máy và hồ chứa vẫn an toàn.
Báo Chính Phủ dẫn lời các chuyên gia, Thủy điện Thác Bà do Liên Xô thiết kế đã nâng mức chịu lũ lên công trình cấp 1, tức là lũ 10.000 năm xảy ra 1 lần do quy phạm của Liên Xô lúc đó (sau công trình có đô thị đặc biệt - Thủ Đô).
Hiện nay, tất cả các thông số lũ đến, lũ xả và mực nước đều thấp hơn thiết kế. Công trình hoàn toàn đảm bảo chống lũ.
Thủy điện Thác Bà - Đứa con đầu lòng của ngành Thủy điện Việt Nam
Nhà máy Thủy điện Thác Bà là đứa con đầu lòng của ngành Thủy điện Việt Nam, được xây dựng đầu tiên ở miền Bắc nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Công tác khảo sát và thiết kế bản vẽ do các kỹ sư hàng đầu của Việt Nam và Liên Xô thực hiện từ năm 1959-1961. Ba năm sau, vào ngày 19/8/1964, trước sự chứng kiến của đông đảo bà con, cán bộ, công nhân và chuyên gia Liên Xô, đại diện Chính phủ Việt Nam và Liên Xô đã đổ mẻ bê tông đầu tiên vào móng công trình, chính thức khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà.
Theo Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Yên Bái, để xây dựng công trình này, toàn tỉnh có 52 xã phải di dời một phần hoặc toàn bộ, với 8.913 hộ và hơn 53.000 nhân khẩu. Cùng với việc chuyển dân, các lực lượng đã di dời hơn 35.000 hài cốt, hàng chục nhà thờ, đền thờ, công sở, công trình công cộng, bệnh viện, trạm xá, kho tàng... Quá trình làm ngập lòng hồ cũng đã làm mất hơn 5.300ha ruộng (chiếm 1/4 diện tích và 1/3 sản lượng lương thực hàng năm của tỉnh), 2.000ha đất màu và hơn 20.000ha rừng.
Hàng nghìn công nhân, lao động và bộ đội đã tình nguyện cống hiến sức trẻ cho việc xây dựng công trình trọng điểm này. Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, cùng với Sân bay Yên Bái, Nhà máy Z183, tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai, Nhà máy Thủy điện Thác Bà cũng trở thành mục tiêu đánh phá trọng điểm của không quân Mỹ với các loại máy bay, vũ khí tối tân, hiện đại.
Vượt qua bao khó khăn, sau 10 năm xây dựng, nhà máy chính thức được khánh thành vào ngày 5/10/1971. Đây là một công trình lịch sử, thể hiện ý chí đoàn kết, quyết tâm chinh phục tự nhiên, biến tiềm năng thiên nhiên thành dòng điện quý giá phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ban đầu, chức năng chính của Nhà máy Thủy điện Thác Bà là cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân miền Bắc, đồng thời là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, Nhà máy Thủy điện Thác Bà còn đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng như điều tiết lũ cho vùng Đồng bằng sông Hồng, phát triển du lịch, cải tạo môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.
Hồ Thủy điện Thác Bà là 1 trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam được hình thành khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Rộng gần 20.000ha nước mặt gồm hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ, cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi, hồ Thác Bà là một kỳ quan của tỉnh Yên Bái và được công nhận là Di tích Lịch sử danh thắng cấp Quốc gia từ tháng 9/1996.
Vĩ Hạ
Bình luận
Nổi bật
Phú Thọ: Thu hút các dự án có quy mô lớn đầu tư vào Khu du lịch quốc gia Đền Hùng
sự kiện🞄Thứ tư, 15/01/2025, 11:35
(CL&CS) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 94/QĐ-TTg ngày 14/01/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thái Bình ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn
sự kiện🞄Thứ ba, 14/01/2025, 14:53
(CL&CS) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 83/QĐ-TTg ngày 13/1/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nâng cao năng suất lao động và chất lượng trong kỷ nguyên số
sự kiện🞄Thứ hai, 13/01/2025, 08:43
(CL&CS)- Sáng ngày 11/1, tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra Hội thảo "Nâng cao năng suất lao động và chất lượng trong kỷ nguyên số".
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.