Thứ tư, 17/06/2020, 09:55 AM

Để tăng sức đề kháng cho cơ thể, nên ra ngoài trời nhiều

(CL&CS) - Trong gần 3 tháng qua, phần lớn dân trên thế giới đã phải ở trong nhà, bất đắc dĩ mới ra ngoài để mua những vật dụng cần thiết. Điều này khiến cơ thể giảm sức đề kháng. Bài viết của Linda Geddes thuộc BBC Future.

Việc ít khi ra ngoài làm giảm cơ hội tiếp xúc với virus SARS CoV-2 nhưng  có thể gây tác động, tuy không dễ dàng nhận thấy ngay, đối với hệ miễn dịch của con người, bằng cách khiến chúng ta dễ bị tổn thương hơn trước virus SARS CoV-2 và các chứng nhiễm trùng khác. Tính đến thời điểm 7h15 sáng 17/6, toàn cầu có 8.241.980 người nhiễm virus SARS CoV-2 (Việt Nam 335), 444.360 ca tử vong, và con số này sẽ còn tăng nữa trong bối cảnh nhiều người ít thích ra ngoài trời vận động.

Vitamin D kỳ diệu

Con người tiến hóa trên một hành tinh với chu kỳ 24 giờ của ánh sáng và bóng tối, và cơ thể chúng ta được “lập trình” để phối hợp với ánh sáng Mặt Trời. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất về việc này là quá trình tổng hợp vitamin D trong da khi phơi mình trước tia UVB.

Lượng vitamin D được tạo ra hàng ngày có thể giúp củng cố xương và răng, nhưng nó cũng có công dụng đối với các tế bào miễn dịch của chúng ta. Chúng giúp đại thực bào trong phổi - tuyến phòng thủ đầu tiên trước nhiễm trùng đường hô hấp, giải phóng một loại Peptide kháng khuẩn gọi là Cathelicidin vốn tiêu diệt trực tiếp vi khuẩn và vi trùng.

CoronaOut 1
Sinh hoạt gia đình tốt cũng giúp chống virus SARS CoV-2 hiệu quả

Nó cũng điều chỉnh hoạt động của các tế bào miễn dịch khác, chẳng hạn như tế bào B và T, vốn điều khiển các phản ứng dài hạn.

Những người có lượng vitamin D thấp có nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp do virus (như cúm) cao hơn.

Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm hiểu xem liệu những viên vitamin D thậm chí có thể giảm nguy cơ một số biến chứng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 do virus SARS CoV-2 gây ra hay không.

Vào đầu tháng 5, bà Rose Kenny - chuyên gia lão khoa tại Đại học Trinity ở Dublin (Ireland), và các đồng nghiệp, công bố dữ liệu theo đó cho thấy người dân các nước châu Âu có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất, trong đó có Tây Ban Nha và Italia, có mức vitamin D thấp nhất.

Điều này nghe có vẻ nghịch lý vì những nước này có khí hậu tràn ngập nắng, nhưng người ta cho rằng lối sống thay đổi đã khiến mọi người dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn. Cạnh đó, việc dùng nhiều kem chống nắng ở các nước này có thể là nguyên nhân khiến hàm lượng vitamin D trong cơ thể thấp hơn.

Mặc dù các yếu tố khác cũng có thể giúp giải thích tỉ lệ tử vong cao trong dịch COVID-19 ở các nước này, nhưng "có bằng chứng hoàn cảnh mạnh mẽ về mối liên hệ giữa vitamin D và các cách thức miễn dịch mà chúng ta biết rằng có dính đến virus SARS CoV-2" - Kenny nói.

Trước hết, vitamin D dường như làm giảm nồng độ của một chất sinh hóa gây viêm có tên là Interleukin-6, vốn có liên quan đến triệu chứng khó thở nghiêm trọng mà các bệnh nhân COVID-19 gặp phải.

Vitamin D cũng thay đổi mức độ sẵn có của cùng một thụ thể ACE2 trên các tế bào phổi mà virus SARS CoV-2 sử dụng để xâm nhập vào các tế bào này và lây nhiễm. Nếu vitamin D làm thay đổi các thụ thể này, thì virus sẽ khó mà bám được trong cơ thể.

Ích lợi khi con người ra ngoài trời vận động cơ thể

Mặc dù cần có thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát để xác nhận tác dụng bảo vệ này, bà Kenny khuyến nghị là tất cả những người trưởng thành nên xem xét uống viên vitamin D trong đại dịch hiện nay.

CoronaOut 2
Khi sống giãn cách trong nhà, cũng cần thường xuyên tập thể dục

Nhưng có người đưa ra lập luận mạnh mẽ rằng nên lấy vitamin D bằng cách ra ngoài trời khi mà nhiều nước đã nới lỏng phong tỏa - nhất là việc này có thể mang lại những lợi ích khác.

Mặc dù không có dữ liệu khoa học chứng minh rằng vận động thường xuyên giúp chúng ta ít bị nhiễm virus SARS CoV-2 hơn, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy nó củng cố khả năng phòng vệ của chúng ta trước các bệnh nhiễm trùng khác bao gồm cúm và cảm lạnh thông thường, cũng như tăng tốc phản ứng miễn dịch khi chủng ngừa.

Một cách giải thích cho những ích lợi này là giảm căng thẳng (Stress).

"Chúng ta biết rằng mọi người tập thể dục để bao bọc mình trước căng thẳng và một điều rất rõ là mức độ căng thẳng triền miên cao không tốt cho hệ thống miễn dịch" - ông Neil Walsh, vốn nghiên cứu tác động của vận động đối với hệ miễn dịch tại Đại học John Moores ở Liverpool Vương quốc Anh, nói - "Vậy, nếu bạn có thể giảm mức độ căng thẳng bằng cách vận động, thì nó sẽ có tác động tốt cho sức khỏe của bạn".

Nếu bạn có thể tập thể dục trong công viên, rừng hoặc không gian xanh khác thì tốt hơn nhiều.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc ra ngoài trời giữa thiên nhiên - ngay cả công viên ở thành thị, sẽ làm giảm nhịp tim và huyết áp, cũng như bình thường hóa việc tiết hormone gây căng thẳng là Cortisol.

Về lâu dài, sống gần gũi và tiếp xúc với thiên nhiên có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường type 2 – nó cũng giúp giảm chết sớm.

Bên cạnh cường độ vận động và nồng độ vitamin D cao hơn, các giả thuyết khác nhau đã được đưa ra để giải thích những phát hiện này.

Một giả thiết là dành thời gian ngoài trời có thể giúp chống lại căng thẳng và cô đơn, bằng cách giúp chúng ta tiếp xúc với người khác.

Sau đó, còn có Giả thiết về Phục hồi Chú ý, vốn cho thấy các trạng thái và sự vận động của tự nhiên dễ dàng đi vào tâm trí chúng ta, đem đến cho bộ não bị kéo căng của chúng ta cơ hội nghỉ ngơi và phục hồi.

Con người rất cần tương tác với thiên nhiên

Cũng có thể cây cối có ảnh hưởng trực tiếp hơn đến hệ thống miễn dịch của chúng ta. Một số nghiên cứu cho rằng việc dành một vài ngày ở trong rừng dẫn đến tăng số lượng và hoạt động của các tế bào sát thủ tự nhiên trong cơ thể - các tế bào miễn dịch giúp phát hiện và tiêu diệt các virus và tế bào ung thư, trong máu của chúng ta.

CoronaOut 4
Vận động nhiều giúp tăng hệ miễn dịch trong cơ thể người

Các khoa học gia Nhật Bản cho rằng việc hít vào các chất gọi là Phytoncide, thoát ra từ cây cối, có thể là một nhân tố. Chúng đã được chứng minh là làm thay đổi hoạt động của các tế bào sát thủ tự nhiên trong chúng ta khi chúng phát triển bên ngoài cơ thể, mặc dù cần phải có thêm nghiên cứu để xác nhận xem việc hít những chất này có tác động tương tự hay không.

"Trên thực tế, tôi nghĩ những con đường khác nhau này có thể hoạt động đồng bộ với nhau" - Catharine Ward Thompson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của OPENSpace tại Đại học Edinburgh, đồng tác giả bản phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về không gian xanh và sức khỏe đô thị, cho biết - "Phytoncides có thể quan trọng, nhưng có lẽ bạn cần phải đắm mình hoàn toàn trong tự nhiên trong một thời gian mới có được những lợi ích này, trong khi những lợi ích tâm lý như thư giãn và giảm căng thẳng có thể dễ dàng đạt được hơn".

Ánh sáng Mặt Trời giúp cải thiện giấc ngủ

Ra ngoài trời cũng có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ của chúng ta. Thời gian chúng ta đóng cửa ở trong nhà trong giai đoạn phong tỏa có thể đã phá vỡ nhịp sinh học của chúng ta - vốn nội sinh, với các chu kỳ gần 24 giờ trong hoạt động của nhiều quá trình sinh học, bao gồm cả giấc ngủ.

Nhịp sinh học của chúng ta thường được giữ đồng bộ, hoặc tương thích với thời gian khi chúng ta ở ngoài trời, thông qua hoạt động của ánh sáng chiếu vào tập hợp các tế bào nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt.

Những tế bào mắt này giao tiếp với một mảng mô não gọi là nhân trên chéo, vốn hoạt động như đồng hồ chủ của cơ thể.

"Ánh sáng trong nhà thường quá thấp để có thể thúc đẩy sự điều chỉnh nhịp điệu sinh học, vì vậy, nếu một người không đi ra ngoài cả tuần, những nhịp điệu này có thể bị gián đoạn, dẫn đến giấc ngủ bị xáo trộn" - bà Mariana Figueiro tại Trung tâm Nghiên cứu ánh sáng ở Troy, New York (Mỹ), cho biết.

CoronaOut
 Ánh sáng buổi sớm mai đặc biệt quan trọng để giữ cho nhịp sinh học của chúng ta được đồng bộ

Nghiên cứu của bà đã chỉ ra rằng những nhân viên văn phòng tiếp xúc với ánh sáng mạnh hơn vào buổi sáng, ví dụ như đi bộ đến chỗ làm, sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn vào ban đêm, và giấc ngủ ít bị gián đoạn hơn so với những người tiếp xúc với ánh sáng mờ hơn.

"Sự gián đoạn nhịp điệu sinh học và ức chế giấc ngủ có liên quan đến phản xạ hệ miễn dịch bị suy giảm" - Figueiro nói - "Vì vậy, mặc dù ánh sáng có thể không có tác động trực tiếp đến chức năng miễn dịch, nhưng nó có thể có tác động gián tiếp lớn thông qua khả năng điều chỉnh nhịp sinh học và cải thiện giấc ngủ".

Tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào buổi sáng cũng có tác động tích cực đến tâm trạng và có thể chống trầm cảm. Về việc cần bao nhiêu thời gian ở ngoài trời để có được những lợi ích này thì khó mà nói.

Mặc dù ánh sáng buổi sáng đặc biệt quan trọng để giữ cho nhịp sinh học của chúng ta được đồng bộ, nhưng mức tổng hợp vitamin D tối ưu xảy ra vào khoảng giữa trưa, khi các tia UVB trong ánh sáng mặt trời nhiều ở mức đỉnh điểm.

Vì vậy, nếu điều kiện phong tỏa cho phép, bạn nên cố gắng ra ngoài ít nhất một lần trong ngày, trong khi duy trì giãn cách xã hội (Social Distancing). Ánh sáng Mặt Trời và thiên nhiên là phương pháp chữa lành tuyệt vời, và miễn phí.

Kim Thoa - Đăng Khoa

(Theo BBC News - Ảnh: Getty, Reuters)

Bình luận

Nổi bật

Tập đoàn Tan Chong chính thức phân phối thương hiệu GAC

Tập đoàn Tan Chong chính thức phân phối thương hiệu GAC

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:07

(CL&CS) - Các dòng xe máy xăng và phụ tùng của thương hiệu GAC sẽ được Tập đoàn Tan Chong chính thức nhập khẩu và phân phối tại thị trường Việt Nam trong năm 2024.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Hỗ trợ đào tạo kiến thức, chuyển giao khoa học công nghệ cho địa phương

Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Hỗ trợ đào tạo kiến thức, chuyển giao khoa học công nghệ cho địa phương

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:05

(CL&CS) - Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị khoa học công nghệ và triển khai các dịch vụ xã hội như: chẩn đoán xét nghiệm, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, xử lý môi trường…

Hà Nội: Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các kỳ thi tuyển sinh và tạo thuận lợi nhiều nhất cho thí sinh

Hà Nội: Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các kỳ thi tuyển sinh và tạo thuận lợi nhiều nhất cho thí sinh

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:04

(CL&CS) - Vừa qua, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội năm 2024 và Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh TP Hà Nội năm học 2024 - 2025 đã họp phiên thứ nhất, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP - Trưởng 2 Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp