Thứ sáu, 14/06/2024, 15:00 PM

Đầu tư cho nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển

(CL&CS) - Ngày 13/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024 - là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 5 của năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng tháng 6/2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng tháng 6/2024.

Sau một ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao, Chính phủ xem xét, cho ý kiến với 8 nội dung quan trọng, gồm 3 đề nghị xây dựng luật, 3 dự án luật và một số nội dung khác.

Trong đó, 3 dự án luật gồm: Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; 3 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Dữ liệu, Luật Phòng bệnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Với các dự án luật, Chính phủ đã nghe tờ trình tóm tắt, báo cáo thẩm định, thẩm tra và thảo luận sôi nổi về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Trong đó, đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, Chính phủ thảo luận sâu sắc về các vấn đề liên quan ưu đãi đầu tư, khai báo hóa chất nhập khẩu, trách nhiệm quản lý nhà nước…

Ở dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì), các đại biểu phân tích rõ một số khái niệm, nội dung, bảo đảm tính rõ ràng, khả thi của luật, cũng như vấn đề phân cấp, phân quyền.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì) nhận được sự quan tâm của các thành viên Chính phủ về các nội dung liên quan diện tích quảng cáo trên báo in; thời lượng quảng cáo trên truyền hình, báo nói; việc cấp giấy phép công trình xây dựng quảng cáo; đặc biệt là về quảng cáo xuyên biên giới…

Với các đề nghị xây dựng luật, Chính phủ xem xét về trình tự, thủ tục, sự cần thiết ban hành, tên gọi của các dự án luật, các chính sách được đề xuất.

Trong đó, đối với đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh (Bộ Y tế chủ trì), Chính phủ đã xem xét các chính sách nhằm hoàn thiện các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; bảo đảm dinh dưỡng trong phòng bệnh; phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng bệnh.

Với đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế chủ trì), các đại biểu thảo luận về: đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; các quy định về bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; về phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả…

Về đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu (Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì), các thành viên Chính phủ quan tâm các nội dung về: xây dựng, phát triển, quản trị, xử lý dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu, quản lý nhà nước về dữ liệu; Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia; chiến lược dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; về các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Phát biểu kết luận, sau khi cho ý kiến về yêu cầu, nguyên tắc xây dựng luật; các nội dung của các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, nhất là các nội dung còn có ý kiến khác nhau và giao việc cho các bộ, ngành hoàn thiện các dự thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ, ngành đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình; nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, dự án luật nêu trên.

Thủ tướng cũng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, hàm ý chuyên môn cao, có chất lượng của các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự phiên họp; yêu cầu các bộ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, dự án luật theo Nghị quyết phiên họp của Chính phủ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng giao các đồng chí Phó Thủ tướng được phân công theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện 6 nội dung quan trọng này.

Thủ tướng chỉ rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phải bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bám sát, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; các quy định cần sát thực tiễn, khả thi, đi vào cuộc sống, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc pháp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các vấn đề đột xuất, phát sinh; chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đối tượng tác động, người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và liên tục của hệ thống pháp luật (quy định rõ nguyên tắc áp dụng và điều khoản chuyển tiếp).

Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc này, với quan điểm thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực, đầu tư cho nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển, việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách góp phần huy động nguồn lực cho sự phát triển.

"Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 đã chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để huy động nguồn lực cho sự phát triển, ưu tiên cho tăng trưởng", Thủ tướng phát biểu.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp.

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; ưu tiên nguồn lực cho công tác pháp chế, xây dựng pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ nào, cơ quan nào chưa giao bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì phải phân công lại và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.

Theo Thủ tướng, tình hình hiện nay diễn biến rất nhanh chóng, khó lường, nên nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp, chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, phải luôn rà soát, sơ kết, tổng kết cơ chế, chính sách. Những vấn đề đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hóa, tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định, hoặc đã có quy định nhưng chưa theo kịp thực tiễn, bị thực tiễn vượt qua thì sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần đặc biệt chú ý đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính sáng tạo, đổi mới, chủ động của các cấp, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giảm phiền hà sách nhiễu, đi lại, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, cương quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho" là môi trường cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện nước ta; tăng cường truyền thông chính sách, nhất là truyền thông trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.

 Về nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thể chế thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau và với các cơ quan của Quốc hội tại giai đoạn 2 của kỳ họp thứ 7 trong việc thảo luận, cho ý kiến, xem xét, thông qua các dự án luật; đổi mới cách làm, tuân thủ quy định, "vừa chạy vừa xếp hàng", không để tình trạng trình chậm; lắng nghe, tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật với chất lượng tốt nhất tại Kỳ họp này, cũng như các dự án luật đang được xây dựng để trình vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Cùng với đó, khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã được thông qua, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, bảo đảm tính đồng bộ, liên tục của hệ thống pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của người đứng đầu, các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tập trung nguồn lực (cơ sở vật chất và nhân lực), Bộ Tài chính quan tâm hơn về kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ nói trên; sớm trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, nhất là trong các luật liên quan đầu tư, hợp tác công tư, ngân sách…, phấn đấu đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất./.

Thuý Đào

Bình luận

Nổi bật

Đầu tư cho nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển

Đầu tư cho nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển

sự kiện🞄Thứ sáu, 14/06/2024, 15:00

(CL&CS) - Ngày 13/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024 - là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 5 của năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Đức Guido Hildner nhân dịp Đại sứ kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Đức Guido Hildner nhân dịp Đại sứ kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam

sự kiện🞄Thứ năm, 13/06/2024, 15:44

(CL&CS) - Chiều 12/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner nhân dịp Đại sứ kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam.

Thủ tướng biểu dương các đơn vị nỗ lực thi công công trình đường dây 500 kV mạch 3

Thủ tướng biểu dương các đơn vị nỗ lực thi công công trình đường dây 500 kV mạch 3

sự kiện🞄Thứ tư, 12/06/2024, 14:52

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có thư gửi các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên; đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia; Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội.