Thứ ba, 01/10/2024, 14:56 PM

Đảm bảo chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn AUN - QA và ABET

(CL&CS) - Tiếp nối chuỗi hoạt động của Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp (UniHub) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 01/10, UniHub tổ chức Tọa đàm: “Kinh nghiệm triển khai điều chỉnh chương trình đào tạo dựa trên nguyên lý OBE để triển khai đánh giá theo tiêu chuẩn AUN - QA và ABET”.

Tọa đàm được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ và thảo luận giữa khách mời của chương trình với các quý đại biểu là nhà lãnh đạo, quản lý cơ sở giáo dục đại học; lãnh đạo viện, phòng/ban, khoa, trung tâm,… trong cơ sở giáo dục đại học; giảng viên, cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng, quản lý đào tạo; nhà nghiên cứu, người học và những người quan tâm đến nội dung trao đổi của sự kiện.

z5892802249307_94ba1d93e6d0828b96d7c733e5fd7326

Các điểm chính được chia sẻ và thảo luận tại Tọa đàm gồm có: Kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo theo OBE; Kinh nghiệm đo chuẩn đầu ra học phần; Kinh nghiệm đo chuẩn đầu ra chương trình đào tạo; Kinh nghiệm cải tiến chương trình đào tạo dựa trên kết quả đo chuẩn đầu ra.

Diễn giả tham gia tọa đàm là Tiến sĩ Nguyễn Huy Phúc - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (IUH), trực tiếp chỉ đạo, điều phối hoạt động đảm bảo chất lượng của IUH, trong đó có kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của AUN-QA và ABET.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Phúc là chuyên gia quốc tế, đánh giá viên trưởng, hoạt động tích cực của AUN-QA, có kinh nghiệm đánh giá và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cho các trường đại học trong khối ASEAN. Ông cũng là người giám sát thực địa cho các đợt đánh giá chương trình đào tạo trực tuyến/từ xa của AUN-QA. Ông cũng có kinh nghiệm trong việc kiểm định ABET với tư cách là người phát triển và đánh giá chương trình đào tạo. Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phúc còn tham gia với vai trò là trưởng nhóm các dự án QA quốc tế như HEEAP, BUILD-IT và các dự án khác tại IUH.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, tham gia điều phối thảo luận tại Tọa đàm.

AUN-QA là một trong những thước đo chuẩn quốc tế về chất lượng của một trường đại học.

AUN là mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á (ĐNA) được thành lập vào tháng 11/1995 bởi sáng kiến của Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước ĐNA, với các thành viên ban đầu do Bộ trưởng Giáo dục các nước đề cử. Năm 2004, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục đại học của các trường trong khu vực ĐNA theo bộ tiêu chuẩn chất lượng chung, viết tắt là AUN-QA.

Theo các chuyên gia, AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance) là bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, đánh giá chất lượng đào tạo của toàn bộ chương trình đào tạo của một đại học. Đây là một trong những thước đo chuẩn quốc tế về chất lượng của một trường đại học.

Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo dựa trên năng lực thực tế

Theo các chuyên gia, ABET (viết tắt của Accreditation Board for Engineering and Technology) là Hội đồng Kiểm định Chất lượng Giáo dục Kỹ thuật và Công nghệ. ABET được thành lập năm 1932 bởi 4 hiệp hội nghề nghiệp hàng đầu tại Hoa Kỳ, bao gồm: Hiệp hội các kỹ sư Mỹ (ASEE), Viện Kỹ sư điện và điện tử (IEEE), Viện Kỹ sư cơ khí (ASME) và Viện Kiểm soát và Tự động hóa (ISA). Ngoài 04 hiệp hội hàng đầu của Hoa Kỳ nói trên, ABET còn có thêm 31 hiệp hội nghề nghiệp khác, nâng tổng số lượng các hiệp hội nghề nghiệp thành viên của ABET lên 35.

Mục tiêu hoạt động cốt lõi của ABET là xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục dựa trên năng lực thực tiễn. Cụ thể, ABET quy định các chuẩn đầu ra (năng lực tối thiểu mà người học cần đạt tại thời điểm tốt nghiệp) phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội Hoa Kỳ. Để được ABET công nhận, các trường đại học phải chứng minh mình đáp ứng yêu cầu và sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra thông qua quá trình kiểm định khách quan.

Chứng nhận ABET là tiêu chuẩn vàng toàn cầu đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo kỹ thuật và công nghệ. Chứng nhận này được công nhận và phổ biến rộng rãi tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Australia, Anh, Singapore... Đây là “vé thông hành” quan trọng để nâng tầm uy tín của các trường đại học kỹ thuật trên trường quốc tế.

Chương trình đào tạo đạt chuẩn ABET cung cấp cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc, tư duy phản biện, khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, đặc biệt là khả năng thích ứng trong môi trường làm việc quốc tế. Các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft, IBM, Intel, Google... đều ưu tiên tuyển dụng các kỹ sư tốt nghiệp từ chương trình đào tạo đạt chứng nhận kiểm định ABET.

Phần lớn chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài đều thuộc trình độ đại học

Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến ngày 31/7/2024, cả nước có gần 2000 chương trình đào tạo (gồm trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) đã được kiểm định chất lượng.

Trong đó, có 1.373 chương trình đào tạo của 152 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước (chiếm 71,62%). Và 544 chương trình đào tạo của 63 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài (chiếm 28,38%). 

Trong đó, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài (kiểm định quốc tế). Cụ thể, trường có tổng số gần 60 /145 chương trình đào tạo (đại học và sau đại học) - chiếm 10,29% trong tổng số 544 chương trình đào tạo được kiểm định.

Đứng thứ hai là Đại học Bách khoa Hà Nội với 45/131 chương trình đào tạo (đại học và sau đại học) được kiểm định, chiếm 8,27%. Đứng thứ ba là Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng có 38/69 chương trình đào tạo (đại học và sau đại học) được kiểm định, chiếm 6,99%.

Các cơ sở giáo dục đại học còn lại nằm trong top 10 cơ sở có số lượng chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài nhiều nhất gồm: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Hoa Sen.

Kết quả thống kê cho thấy phần lớn các chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài đều thuộc trình độ đại học (chiếm khoảng 93,38%). Số lượng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ được kiểm định hiện vẫn còn khiêm tốn, chiếm 35/544 chương trình đào tạo, tức khoảng 6,43%. Và chỉ có duy nhất 1 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ được kiểm định, đó là chương trình đào tạo Quản trị và Phát triển bền vững của Trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các chương trình được kiểm định bởi 13 tổ chức kiểm định nước ngoài khác nhau. Trong số 544 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài, có gần 70% chương trình đào tạo đều được kiểm định bởi Tổ chức Mạng lưới Bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA).

Tính đến nay (31/8/2024), cả nước ta có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam.

Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước sử dụng chung bộ tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học).

Trong khi đó, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá riêng; phần lớn các tổ chức được cấp phép thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng theo định hướng lĩnh vực đào tạo. Từ 3 tổ chức được công nhận hoạt động năm 2021, đến nay cả nước có 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam. Đó là các tổ chức: HCERES, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS, ASIIN, ABET, ACBSP, THE-ICE, ACQUIN. 

giáo dụcppp

Thống kê kết quả kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo tại Việt Nam của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài

Ban Điều hành Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp (UniHub)

Website: https://unihub.vnu.edu.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/unihub.vnu

Zalo: https://zalo.me/g/fuzgbe936

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCn0CeQWetpd4lh-ymb_SboA

Thiện Phúc

Bình luận

Nổi bật

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Thầy cô không ngừng tự học, vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Thầy cô không ngừng tự học, vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 10:46

(CL&CS) - Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 của các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Sự kiện tôn vinh 21 Nhà giáo nhân dân, 65 Nhà giáo ưu tú và 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước.

Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho sinh viên tại tỉnh Lào Cai

Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho sinh viên tại tỉnh Lào Cai

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 09:21

(CL&CS)- Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai.

Tăng cường hợp tác trong đào tạo nhân lực cho điện gió

Tăng cường hợp tác trong đào tạo nhân lực cho điện gió

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 07:16

(CL&CS)- Sáng 14/11, Hội thảo quốc tế giới thiệu Dự án đào tạo về điện gió” do Trường Đại học Điện lực và GE Vernova Foundation (Quỹ GE Vernova) cùng Tổ chức ASSIST Asia đồng tổ chức đã diễn ra.