Chú trọng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc - để nông sản Việt rộng đường xuất khẩu
(CL&CS)- Các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra hàng loạt giải pháp giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Những tín hiệu vui
Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhóm nông sản chính 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3,0; thủy sản 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; chăn nuôi 176 triệu USD, giảm 15,9%; đầu vào sản xuất 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%.
Đóng góp vào thành công đó, có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 01 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất. Trong đó, cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Cụ thể, cao su tăng 9,2% khối lượng, tăng 12,2% giá trị; cà phê tăng 21,7% khối lượng, tăng 49,7% giá trị; gạo tăng 16,2% khối lượng, tăng 4,6% giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,2% khối lượng, tăng 28% giá trị. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm, đạt 125 nghìn tấn, giảm 19,1% về lượng, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 40,9% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 566 triệu USD, tăng 14,0%). Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,49 tỷ USD (tăng 2,8%), mây, tre, cói thảm 481 triệu USD (tăng 8,2%).
Về thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT cho hay, có 4 thị trường gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó 2 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian qua được duy trì tốt.
Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,61 tỷ USD, tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu, trong đó, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 66,8%). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 4,97 tỷ USD, tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 ước khoảng 22,1 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt khoảng 5,75 tỷ USD, gấp 2 lần so với 6 tháng năm 2021.
Doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều thách thức
Ông Hoàng Xuân Khang, đại diện Công ty International Fresh Group chia sẻ, hiện tại, sản phẩm do Công ty phân phối đã có mặt tại siêu thị ở nhiều nước EU. Tuy nhiên, sản lượng nông sản từ Việt Nam mà công ty phân phối tại thị trường này mới chỉ chiếm dưới 1%, đây là điều rất đáng tiếc. Theo ông Khang, trên thực tế, Công ty đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp hiện tại chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nên đã bị loại ngay từ ban đầu.
Do đó, ông Khang bày tỏ mong muốn, trước hết, cơ quan quản lý nhà nước cần giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng cơ bản để xuất khẩu sang thị trường EU. Sau đó mới đến chọn mặt hàng và chiến lược marketing phù hợp.
Để xuất khẩu rau, củ, quả sang EU thuận lợi, ông Khang cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bởi lẽ chỉ cần một vài lô không đạt tiêu chuẩn, có thể ảnh hưởng đến tất cả doanh nghiệp xuất khẩu còn lại. Do đó, các doanh nghiệp cần phát huy tư duy “một người vì tất cả, tất cả vì một người”.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, II của Cục Bảo vệ thực vật cho biết, yêu cầu của từng thị trường với nông sản khác nhau. Ví dụ, thị trường Mỹ yêu cầu rau quả tươi phải xử lý bằng chiếu xạ; Hàn Quốc, Nhật Bản yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng.
Điển hình như với EU, mận hậu không yêu cầu về phương pháp xử lý kiểm dịch thực vật nào, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ về sinh vật gây hại. Các loài như sâu đục lá, sâu đục cuống… được phía bạn ghi cụ thể, chi tiết trong các phụ lục.
“Về tổng thể, hợp tác xã, hộ nông dân cần phối hợp cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo, giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với nông sản xuất khẩu. Riêng EU, những nông sản như xoài, bưởi, chanh và một số loài rau ăn lá nằm trong nhóm được yêu cầu”, bà Hiền chia sẻ.
Nhận định EU là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, bà Hiền mong muốn đặc sản vùng miền hoặc sản phẩm OCOP Việt Nam sẽ xuất hiện ngày càng nhiều tại châu Âu.
Cần nắm chắc quy định từng thị trường xuất khẩu
Theo TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam), các biện pháp SPS liên quan tới chế biến rau quả giống như những mảnh ghép để hoàn thiện công tác xuất khẩu. Doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân cần nắm chắc để đảm bảo giao thương không bị gián đoạn.
Theo ông Nam, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, bao gồm thay đổi các biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch. So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất, với 83 thông báo, chiếm 16,47%. Xếp tiếp sau là Brazil, EU, Canada, Mỹ.
Lãnh đạo SPS Việt Nam cho rằng, điều này phù hợp với quy luật vận động trên trường quốc tế hiện nay. Chia theo nhóm lĩnh vực, 319 trong tổng số 504 thông báo liên quan đến các thay đổi liên quan đến thực vật, chiếm khoảng 63%.
Giới thiệu một số biện pháp SPS liên quan đến chế biến rau quả ở các thị trường trọng điểm, ông Nam nhấn mạnh, mỗi thị trường sẽ có một bộ tiêu chuẩn cũng như đối tượng quan tâm khác nhau. Ví dụ, Nhật Bản có 5 bộ luật, 3 quy định về chất lượng an toàn thực phẩm, Mỹ có 4 quy định khung, còn ASEAN lại chủ yếu quan tâm đến các vấn đề kiểm dịch động vật.
Hai thị trường được ông Nam chú trọng là EU và Trung Quốc. Trong đó, EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô.
”Vừa qua, tại phiên họp thứ 83 Ủy ban SPS-WTO, chúng tôi đã làm việc với EU về vấn đề này. Phía bạn cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường thông tin, cũng như thống nhất các biện pháp kiểm soát, thông báo, nhằm thúc đẩy giao thương nông sản”, ông Nam nói.
Với Trung Quốc, TS. Nam thông tin, rằng khoảng 2 năm nước bạn sẽ cập nhật các chính sách liên quan đến kiểm dịch một lần và gửi thông báo cho WTO. Trung Quốc hứa sẽ phối hợp Việt Nam để xây dựng và phổ biến những quy định liên quan đến Lệnh 248, Lệnh 249 dưới dạng video clip, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo thời hạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký trước tháng 6/2023.
Phát triển công nghệ chế biến phù hợp với quy mô
Theo ông Ngô Quang Tú, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), hiện có 157 cơ sở chế biến với công suất đạt gần 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm. Nhìn chung quanh năm các nhà máy vẫn thiếu nguyên liệu. Công suất đạt bình quân chỉ khoảng 56 - 60% do khó tập trung nguyên liệu, chế biến theo mùa vụ, chất lượng an toàn thực phẩm chưa đạt được như kích thước, mùi vị, màu sắc, độ đồng đều…
Bên cạnh đó, có hàng nghìn cơ sở sơ chế, chế biến quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình ở khắp mọi vùng miền với các loại rau quả khác nhau, hình thức khác nhau. Tuy nhiên, những cơ sở, doanh nghiệp chế biến này rất thiếu vốn sản xuất, quy mô vốn nhỏ, khó khăn về mặt bằng sản xuất, bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị tối thiểu (điện, nước, kho lạnh...), dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%.
Về tỷ trọng sản phẩm chế biến: đồ hộp chiếm 50%, sản phẩm nước quả cô đặc 18%, chiên sấy (12%), nước giải khát (10%), sản phẩm đông lạnh (8%)… Tỷ trọng giá trị sản phẩm rau quả chế biến xuất khẩu so với giá trị xuất khẩu rau quả năm 2020 mới đạt 18%.
Trên cơ sở đó, ông Ngô Quang Tú cho rằng, để tổ chức lại sản xuất, địa phương cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu được kết nối theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến Bộ NN&PTNT cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật về liên kết để có chế tài xử phạt, có quy định điều phối các hoạt động liên kết…
Với phần lớn là cơ sở sơ chế, chế biến là nhỏ lẻ, PGS. TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho rằng, việc định hướng cho phát triển công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là điều cần thiết. Có 4 nhóm sản phẩm phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là rau quả tươi, rau quả sấy, rau quả đông lạnh và rau quả đồ hộp.
“Nếu chúng ta quan tâm đến khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và hợp tác xã thì có thể nâng cao tỷ lệ chế biến và có thể đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau, quả chế biến”, ông Phạm Anh Tuấn chỉ ra.
Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, cần đầu tư và công nghệ phù hợp cho đối tượng này. Để lựa chọn công nghệ và thiết bị, xây dựng nhà xưởng sơ chế, bảo quản, chế biến rau quả phù hợp với quy mô nhỏ, vừa, các đơn vị cần lưu ý yêu cầu như: xác định đối tượng, sản phẩm, quy mô sản xuất, khả năng đầu tư và thị trường mục tiêu, lựa chọn nhà tư vấn công nghệ thiết bị phù hợp, đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị, sản xuất thử, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và cuối cùng mới đến đăng ký chất lượng, thương mại hóa sản phẩm.
Chia sẻ thêm về giải pháp về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thông qua nhiều chương trình xúc tiến thương mại số, Bộ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đẩy mạnh khai thác hiệu quả những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu; các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đánh giá, dự báo tình hình một cách kịp thời chính xác; cùng nhau tìm giải pháp ổn định sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa nông sản. Đặc biệt, chú trọng trao đổi, đàm phán với các nước để đưa hàng nông sản của Việt Nam vào những thị trường này. Ngoài ra, hai Bộ cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa khai thác tốt thị trường truyền thống vừa tiếp cận các thị trường mới. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong xuất khẩu nông sản.
Theo VietQ.vn
- ▪10 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản tăng hơn 13%
- ▪Hà Nội: Tăng cường các giải pháp tiêu thụ nông sản an toàn
- ▪Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Nông sản, Thực phẩm và Đồ uống thời điểm hiện lựa chọn tối ưu
- ▪Quy hoạch lại vùng sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Bình luận
Nổi bật
TCVN 10736-28:2023 xác định phát thải mùi từ các sản phẩm xây dựng
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 09:22
(CL&CS) - Tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà tới từ nhiều nguồn phát thải khác nhau, trong đó phải kể tới phát thải mùi từ sản phẩm xây dựng. Do đó việc xác định phát thải mùi từ các sản phẩm này theo TCVN 10736-28:2023 góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng hiệu quả.
Tanzania thông báo dự thảo Tiêu chuẩn đối với sản phẩm kim chi
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 09:21
(CL&CS) - Mới đây, Tanzania thông báo dự thảo Tiêu chuẩn đối với sản phẩm kim chi, trong đó nêu rõ các yêu cầu, phương pháp lấy mẫu và thử nghiệm đối với kim chi dùng trực tiếp cho con người.
Úc: Xây dựng tiêu chuẩn dây an toàn trong xe ô tô cho người khuyết tật
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 09:21
(CL&CS) - Lần đầu tiên chính phủ Úc sẽ có bản tiêu chuẩn hướng dẫn chính thức về sản xuất, thử nghiệm, lắp đặt và sử dụng thiết bị dây an toàn trên ô tô dành cho người khuyết tật.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.