Thứ ba, 28/05/2024, 08:35 AM

Cân nhắc tính khả thi khi giảm giờ làm

(CL&CS) - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu sớm thực hiện nội dung quy định về giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần. Mục tiêu là để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động và chăm lo cho gia đình.

Giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần có tác động lớn đến kinh tế-xã hội nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ảnh minh họa: XT

Giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần có tác động lớn đến kinh tế-xã hội nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ảnh minh họa: XT

Khuyến khích doanh nghiệp giảm giờ làm cho người lao động

Hiện Bộ luật Lao động 2019 quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết. Trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động…

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cùng với việc gia tăng các quyền lợi của người lao động, đề xuất giảm giờ làm việc là mục tiêu an sinh xã hội luôn được tổ chức công đoàn theo đuổi. Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất giảm thời gian làm việc từ thời điểm góp ý xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019. Khi đó, Quốc hội đã có Nghị quyết giao Chính phủ lựa chọn thời điểm thích hợp, khuyến khích doanh nghiệp giảm giờ làm cho người lao động.

Nếu so sánh với nhóm cán bộ, công chức, viên chức thì công nhân lao động trực tiếp hiện có thời gian làm việc hàng tuần nhiều hơn. Vì thế, nếu giảm giờ làm, người lao động được tạo điều kiện phục hồi sức khỏe, giảm tai nạn lao động, tăng hiệu quả làm việc. Đồng thời, điều này cũng giúp người lao động có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái và tham gia các hoạt động xã hội...

“Tuy nhiên, nhiều lao động lo ngại việc giảm giờ làm sẽ đồng nghĩa với giảm thu nhập. Vì vậy, nếu tiền lương trả cho thời gian làm công việc chính đủ để đáp ứng được các nhu cầu của người lao động thì họ sẽ không cần làm thêm, tăng ca. Do đó, vấn đề không chỉ là giảm giờ làm mà còn cần điều chỉnh cả tiền lương của người lao động để chỉ cần làm đủ 8 giờ/ngày, người lao động có đủ thu nhập để chi tiêu. Lúc đó, họ sẽ không cần bán sức lao động để có thêm thu nhập", bà Ngân cho biết thêm.

Tăng năng suất vẫn là cốt lõi

Theo đánh giá của các chuyên gia, để giảm giờ làm, không còn cách nào khác là phải cải thiện năng suất, tăng lương, tăng thu nhập, đảm bảo mức sống của người lao động. Tuy nhiên, ở Việt Nam doanh nghiệp sản xuất chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển dựa vào lợi thế lao động giá rẻ, chưa chú trọng đến việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại nên năng suất lao động chưa cao.

Những năm qua dù việc đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động được chú trọng nhưng chủ yếu vẫn là lao động làm việc giản đơn, chậm thích ứng với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên năng suất lao động vẫn còn thấp. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2016 đến 2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm của Việt Nam là 5,88%/năm và đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 05-NQ/TW. Tuy nhiên, năm 2021 và 2022, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm đều dưới 5%/năm, không đạt mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan chủ yếu là tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới (theo các tài liệu của OECD, ILO, năng suất lao động của các quốc gia thành viên ASEAN đều suy giảm vào năm 2020, có xu hướng bắt đầu tăng lại vào năm 2021 nhưng chưa đạt được mức độ như trước khi xảy ra đại dịch) và Việt Nam cũng không tránh được mức suy giảm này. Bên cạnh đó, mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 là kỳ vọng rất lớn so với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm từ năm 2016 đến 2021 mới chỉ đạt mức 5,88%/năm.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến quý 1/2024 tại Việt Nam, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ mới chỉ đạt 27,8%, hiện cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo, thấp hơn so với các nước phát triển. Đây là thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Từ thực trạng trên có thể thấy, nếu giảm giờ làm ngay xuống 40 giờ mỗi tuần sẽ rất khó thực hiện, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhìn từ các quốc gia đã đạt được mức năng suất vượt trội như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, để duy trì được tốc độ tăng năng suất, các quốc gia này đã trải qua những thay đổi cơ cấu mạnh mẽ, gồm những thay đổi công nghệ nhanh chóng, tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và sự hiện diện của các ngành công nghiệp chế biến sâu. Tất cả các yếu tố quyết định này đóng một vai trò quan trọng trong việc kết hợp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng suất.

Trước kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Quy định các hình thức mua bán điện trực tiếp, không để xảy ra cơ chế xin cho

Quy định các hình thức mua bán điện trực tiếp, không để xảy ra cơ chế xin cho

sự kiện🞄Thứ năm, 13/06/2024, 10:35

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn; trong đó quy định rõ các hình thức mua bán điện trực tiếp.

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024

sự kiện🞄Thứ tư, 12/06/2024, 15:30

(CL&CS)- Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, nhiều loại hàng hóa sẽ tiếp tục được giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024.

Sớm xây dựng bộ tiêu chí xanh cho nền kinh tế

Sớm xây dựng bộ tiêu chí xanh cho nền kinh tế

sự kiện🞄Thứ ba, 11/06/2024, 14:57

(CL&CS)- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia và Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, sớm trình Thủ tướng ban hành bộ tiêu chí xanh quốc gia...