Thứ bảy, 04/09/2021, 18:38 PM

Cần bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới cho xe điện

(CL&CS)- Hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện đang thiếu các yêu cầu về kỹ thuật cho các loại xe điện như ô tô con điện, xe buýt điện…

Ngày 3/9, Hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” do Báo Giao thông phối hợp với Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô (VAMA) và Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy (VAMM) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Đầu tư cho xe điện tăng mạnh

Theo thông tin tại Hội thảo, hiện ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông đang là vấn đề cấp bách toàn cầu. Ở nhiều quốc gia, các dòng xe điện được coi là giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí.

Nhiều nước đã đưa ra lộ trình chuyển đổi mô hình phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang kỷ nguyên xe xanh, xe điện, xe tự lái.

Theo Ông Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cho biết: Hiện nay, các quốc gia đang không ngừng đầu tư các nguồn lực về kinh phí và nhân lực với mong muốn là làm chủ công nghệ và đi đầu trong ngành công nghiệp xe điện. Tổng số kinh phí của các chính phủ dùng để hỗ trợ ngành xe điện thông qua các đầu tư các hoạt động trực tiếp như mua bán và cắt giảm thuế là 14 tỷ USD của riêng năm 2020. Sản lượng xe ô tô điện cung cấp ra thị trường tăng dần theo từng năm.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, số lượng xe điện được bán ra riêng trong năm 2020 tăng 70% so với năm 2019. Tổng số xe được lưu hành năm 2020 ước tính khoảng 3 triệu xe. Trong đó số lượng ước tính ở Châu Âu là 1,4 triệu xe, sau đó là Trung Quốc với số lượng 1,2 triệu xe và Mỹ 295.000 xe.

img-bgt-2021-z2729339205364-5e041db1c6c35fc7b311307aa207a96d-1630577706-width1280height720

Các mẫu xe điện cũng không ngừng được cải tiến để đáp ứng các đối tượng khách hàng ngày càng đa dạng. Theo thống kê thì riêng trong năm 2020 đã có 370 mẫu xe điện mới được đưa ra thị trường, tăng 40% so với năm 2019.

Ở Việt Nam hiện nay, sản phẩm xe điện được đánh giá khá hấp dẫn với các nhà đầu tư. Đối với hoạt động nhập khẩu ô tô điện đang diễn ra khá sôi động với tốc độ tăng trưởng lớn, đặc biệt trong năm 2020 ghi nhận số lượng ô tô điện nhập khẩu tăng khoảng 500% so với năm 2019. Dự kiến năm 2021, một loạt các sản phẩm xe điện ra mắt thị trường như xe buýt, ô tô con.

Cần bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới cho xe điện

Hệ thống TCVN hiện có trên 13.000 tiêu chuẩn, trong đó bao gồm cả TCVN về xe điện, với mức độ hài hoà chung so với tiêu chuẩn quốc tế của tổng số tất cả các tiêu chuẩn là khoảng 60%.

Hệ thống các TCVN về xe điện chính là công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước, định hướng cho các nhà sản xuất lắp ráp, công nghiệp phụ trợ và góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với sản phẩm xe điện.

Cụ thể, hệ thống TCVN hiện đang áp dụng cho xe cơ giới đường bộ là khoảng 260 tiêu chuẩn, trong đó ô tô có 140 tiêu chuẩn, mô tô xe máy 102 tiêu chuẩn, xe đạp 18 tiêu chuẩn. Trong các TCVN trên thì có 39 TCVN áp dụng cho xe điện.

Ông Triệu Việt Phương cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả to lớn trong thời gian qua nhưng việc xây dựng các tiêu chuẩn vẫn còn tồn tại những điều phải khắc phục.

Cụ thể như trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn, sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ thể chính của các tiêu chuẩn còn khá thụ động, phụ thuộc vào nhà nước xây dựng các tiêu chuẩn để doanh nghiệp áp dụng.

Số lượng các TCVN hiện nay mới chỉ đảm bảo một phần yêu cầu cho xe điện và các bộ phận chính: động cơ, ắc quy, pin của xe điện nói chung mà chưa phản ánh hết được các yêu cầu phát sinh trong thời gian gần đây.

Như thiếu các tiêu chuẩn mới liên quan đến cuộc cách mạng xe điện như cuộc cách mạnh về pin, cách mạng về thời gian sạc, cách mạng về hệ thống điều khiển…

Đối với hệ thống quy chuẩn Quốc gia (QCVN), hiện có 21 QCVN quy định đối với xe điện. Trong đó có 16 quy chuẩn dùng chung cho ô tô, mô tô và xe gắn máy. Chỉ có 5 QCVN dành riêng cho xe điện.

vinfast-tram-sac-dien-1

Theo TS. Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, những quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để những phương tiện chạy điện, cả ô tô cả xe máy có thể chạy được trên đường, đặc biệt các liên quan đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Bộ Giao thông vận tải đã khá rõ ràng.

“Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu vắng rất nhiều những quy định pháp luật, những chính sách cụ thể hơn. Ví dụ, hệ thống quy hoạch các trạm sạc, nguồn điện cũng như mức độ sẵn sàng cung ứng về điện tại các khu đô thị hay gắn với mạng lưới giao thông đường bộ”, TS. Khuất Việt Hùng cho hay.

Bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Trung tâm Phát triển trạm pin VinFast, chia sẻ: “Với xe điện, điều rất quan trọng là sự thuận tiện trong sử dụng, là hạ tầng trạm sạc. Cần có quy định về hạ tầng trạm sạc trong các công trình công cộng, chung cư, bãi đỗ xe, cũng như ngay lập tức cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn về trạm sạc”.

Các chuyên gia cũng đánh giá, ngoài các tiêu chuẩn đặc thù của hãng, Chính phủ cũng cần nghiên cứu, bàn bạc để lựa chọn ra những quy chuẩn không chỉ liên quan đến phương tiện và còn cả trạm sạc, đầu sạc, nguồn điện,... Đây không chỉ là việc của các bộ, ngành mà còn là trách nhiệm của chính các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện.

Hệ thống TCVN chưa đầy đủ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp xe điện và ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất của xe điện tại Việt Nam. Các sản phẩm và phụ tùng sản xuất ra sẽ rất khó khăn trong quá trình tìm thị trường tiêu thụ và cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.

Đồng thời, hệ thống TCVN hiện đang thiếu các yêu cầu về kỹ thuật cho các loại xe điện như ô tô con điện, xe buýt điện; thiếu các TCVN yêu cầu kỹ thuật cho các thiết bị thuộc cơ sở hạ tầng phục vụ cho vận hành khai thác sử dụng xe điện: hệ thống trạm sạc, hệ thống sạc nhanh, trạm đổi pin…

Trước quy mô ngày càng phát triển của dòng xe điện đang diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam đòi hỏi Việt Nam phải có một hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đầy đủ và hài hòa với các hệ thống tiêu chuẩn trong khu vực và trên thế giới để có thể đáp ứng phù hợp với tiến trình và kích thích sự phát triển của đối tượng xe này. Bên cạnh đó việc có một hệ thống TCVN và QCVN đầy đủ sẽ hỗ trợ đắc lực cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý chất lượng đối với đối tượng xe điện.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tiêu chuẩn là tiền đề rất quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, vượt qua các rào cản thương mại để hội nhập sâu rộng, mạnh mẽ với quốc tế và khu vực.

 

 

 

 

 

Trung Kiên

Bình luận

Nổi bật

Áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ mới từ 2025

Áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ mới từ 2025

sự kiện🞄Thứ ba, 03/12/2024, 13:56

(CL&CS) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ được Bộ Giao thông Vận tải ban hành tại Thông tư 51/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 sẽ có hiệu lực từ năm 2025.

Tập huấn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về nhà ở và công trình

Tập huấn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về nhà ở và công trình

sự kiện🞄Thứ ba, 03/12/2024, 13:55

(CL&CS)- Hội nghị lần này nhằm phổ biến, hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan hiểu và áp dụng đúng QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình

Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng thúc đẩy đổi mới sáng tạo

sự kiện🞄Thứ ba, 03/12/2024, 13:55

(CL&CS) - Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) gắn liền và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH). Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, ngành TCĐLCL đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế của đất nước. Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của hoạt động TCĐLCL trước những đòi hỏi ngày càng cao của bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), ngành TCĐLCL đã và đang không ngừng nỗ lực, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng nhu cầu thay đổi và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế vận hành theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững.