Thứ tư, 05/06/2024, 14:04 PM

Cải tiến, sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi ưu thế để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

(CL&CS) - Trong thời gian qua, nhiều giống cây trồng, vật nuôi được tạo ra, nhất là một số giống có ưu thế đã đưa vào sản xuất trên diện rộng, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh cho nông sản của tỉnh Long An. Đến nay nền nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều bước phát triển mang tính đột phá, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững trong sản xuất.

Năng suất, chất lượng lúa gạo được nâng cao nhờ sử dụng giống lúa xác nhận 

Giống lúa đóng vai trò quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng và lợi nhuận cho người trồng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, một số nông dân còn chưa quan tâm đúng mức về vai trò của giống lúa xác nhận do nhiều nguyên nhân khác nhau như giá còn cao, xuống giống tập trung vào một loại giống nên không đủ lượng giống cung cấp cho thị trường.

lúa

Người dân phấn khởi khi phát triển giống lúa cấp xác nhận cho hiệu quả cao (ảnh B.T.)

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tiến Phát (xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc sử dụng và sản xuất giống lúa cấp xác nhận

Mặt khác, một bộ phận nông dân chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của chất lượng hạt giống nên vẫn còn sử dụng lúa của vụ trước để làm giống cho vụ sau. Cũng vì thế, qua nhiều vụ canh tác, giống lúa trở nên thoái hóa, lẫn tạp, nhiễm sâu, bệnh nặng nên năng suất thấp, chất lượng gạo vì vậy không đạt yêu cầu.

Từ khi thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nông dân đã dần thay đổi tập quán sản xuất, diện tích sử dụng các loại giống lúa cấp xác nhận đạt từ 85-90% diện tích gieo trồng toàn tỉnh, diện tích gieo sạ hơn 150kg giống giảm mạnh xuống còn từ 100-120kg/ha, trong đó có nhiều mô hình cá biệt từ 80-90kg/ha. Đặc biệt, cơ cấu giống còn phù hợp với từng mùa vụ, chú trọng đến các loại giống chất lượng cao.

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tiến Phát (xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc sử dụng và sản xuất giống lúa cấp xác nhận. Theo đó, vào năm 2006, trong khi nông dân còn sử dụng các loại lúa giống chưa chất lượng thì HTX đã liên kết sản xuất giống nếp IR4625, với diện tích 2ha.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tiến Phát - Phan Văn Mỹ chia sẻ: “Là nông dân quanh năm gắn bó với ruộng vườn nên hơn ai hết, tôi hiểu rõ giá trị mà hạt giống đem lại cho nông dân. Chính vì thế, những năm đầu khi bắt tay vào sản xuất lúa giống, tôi chấp nhận bỏ công chăm sóc gấp 2-3 lần so với những ruộng lúa khác. Nguyên nhân là nền đất chưa được bằng phẳng, trong đất còn tồn đọng nhiều lúa lộn, cỏ. Do đó, tôi cần phải chăm sóc rất kỹ thì lúa mới đạt chất lượng khi đi kiểm nghiệm, đo lường. Đến nay, HTX có 100ha sản xuất lúa giống cấp xác nhận và tất cả đều được bao tiêu ngay từ đầu vụ”.

Ông Nguyễn Trường Nhơn là một trong những thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tiến Phát rất chú trọng đến sử dụng giống lúa xác nhận. Bởi trước đây, ông từng phải chịu thiệt hại nặng nề của việc sử dụng các loại lúa giống kém chất lượng. Trước đây, sau khi thu hoạch lúa,ông Nhơn thường để lại một ít để làm giống cho vụ tiếp theo. Tuy nhiên, giống lúa tự để lại nên kém chất lượng, lúa lẫn cũng nhiều, năng suất lúa không cao. Trong khi đó, chi phí sản xuất lại tăng do phải tốn nhiều công, vật tư để chăm sóc lúa.

Tạo sự chuyển biến tích cực về cơ cấu giống vật nuôi

Bò thịt là 1 trong 2 con nằm trong Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Những năm gần đây, đàn bò trên địa bàn tỉnh Long An giảm mạnh, năm 2020 là 117.000 con nhưng đến năm 2024 giảm chỉ còn 103.000 con.

BÒ THỊTK

Người dân phát triển chăn nuôi bò thịt vỗ béo hướng sinh học

Nguyên nhân là từ năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao nhưng giá bò hơi lại giảm mạnh. Cụ thể, trước năm 2020, bò hơi bán giá dao động từ 90.000-95.000 đồng/kg, có thời điểm lên 110.000 đồng/kg, còn hiện nay, giá bò hơi chỉ còn từ 60.000-65.000 đồng/kg.

Trước tình hình này, ngành Chăn nuôi tỉnh khuyến cáo nông dân cần ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Theo đó, nông dân cần tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin; tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò;... Đặc biệt, nông dân cần phải cải tạo lại giống bò.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phương cho biết: “Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên con bò, ngành Chăn nuôi tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình điểm tại các huyện: Đức Huệ, Đức Hòa, Tân Trụ và Thủ Thừa. Ngoài ra, ngành Chăn nuôi tỉnh còn hỗ trợ các địa phương 300 con bò giống. Riêng các địa phương cũng hỗ trợ người chăn nuôi hơn 32.000 liều tinh để phối giống cho 18.000 con bò cái, góp phần tạo ra khoảng 15.000 con bò lai chất lượng cao”.

Giải pháp đột phá

Có thể thấy, việc cải tiến, sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng được xem là giải pháp đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế, đưa ngành Nông nghiệp tỉnh nhà phát triển theo hướng bền vững, hiện đại, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu.

Nhìn chung, công tác chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa đã phát huy hiệu quả, đồng thời với việc bảo đảm an ninh lương thực, việc chuyển đổi tại các vùng khó khăn trong sản xuất lúa đã từng bước hình thành các vùng sản xuất các cây trồng có thế mạnh, tính cạnh tranh cao theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn; hình thành các chuỗi liên kết, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cao…

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giải quyết được việc làm cho một bộ phận lao động dôi dư ở địa phương, giúp người dân thuận lợi trong việc sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, các hợp tác xã ở Long An đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi các vùng sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Đây là tiền đề để các hợp tác xã tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, giúp thành viên cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Theo kế hoạch của tỉnh Long An, trong năm 2024, tỉnh tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với diện tích 8.517ha. Trong đó, chuyển đổi sang cây hàng năm 4.378ha, cây lâu năm 2.025ha, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 89ha. Các địa phương có diện tích đất chuyển đổi sang cây trồng hàng năm nhiều nhất là huyện Tân Thạnh 1.140ha, Tân Hưng 870ha, Tân Trụ 640ha, Đức Huệ 814ha, Vĩnh Hưng 362ha, Đức Hòa gần 200ha…

Các địa phương có diện tích đất chuyển đổi sang cây trồng lâu năm nhiều nhất gồm có huyện Tân Thạnh 565ha, Tân Hưng 550ha, Đức Huệ 276ha, Mộc Hóa 200ha, Thạnh Hóa 164ha… Trong khi đó, các huyện chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa nhiều nhất là huyện Tân Hưng 20ha và Vĩnh Hưng 15ha…

Theo UBND tỉnh Long An, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây hàng năm, cây lâu năm hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất. Đồng thời, việc chuyển đổi cũng nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực để khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững. Việc chuyển đổi cũng góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao, phục vụ tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp.

Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi trên, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được phê duyệt.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Song song đó, bảo đảm phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết và việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Việc lựa chọn loại cây trồng, thủy sản chuyển đổi phải bám sát nhu cầu thị trường, sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, ổn định và có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Mặt khác, phải bảo đảm phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, tập quán, kỹ thuật canh tác của nông dân và gắn với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất.

T.K

Bình luận

Nổi bật

Áp dụng tiêu chuẩn ISO 15189 giúp bệnh viện nâng cao chất lượng xét nghiệm

Áp dụng tiêu chuẩn ISO 15189 giúp bệnh viện nâng cao chất lượng xét nghiệm

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 15:01

(CL&CS)- Việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn ISO 15189 trong xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sẽ giúp đảm bảo cung cấp kết quả xét nghiệm một cách chính xác và tin cậy, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện.

Triển khai ISO 22000:2018 giúp doanh nghiệp tiêu chuẩn hóa toàn bộ hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh

Triển khai ISO 22000:2018 giúp doanh nghiệp tiêu chuẩn hóa toàn bộ hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 07:17

(CL&CS) - Hiện nay, ISO 22000:2018 được áp dụng nhiều tại các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và có liên quan đến thực phẩm, từ đó, giúp doanh nghiệp tiêu chuẩn hóa toàn bộ hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh.

4 bước triển khai đo lường năng suất tại doanh nghiệp

4 bước triển khai đo lường năng suất tại doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:06

(CL&CS) - Để triển khai đo lường năng suất doanh nghiệp cần thực hiện qua 4 bước bao gồm: Chuẩn bị dữ liệu; Tính toán; Phân tích và cuối cùng là Cải tiến và duy trì.