Thứ năm, 01/02/2024, 08:37 AM

Kiểm soát, ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và đẩy mạnh XK sản phẩm chăn nuôi

(CL&CS) - Việc kiểm soát, ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm là nhiệm vụ quan trọng, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, đến vấn đề an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. VIPA cũng cho biết, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, việc nhập lậu con giống gia cầm không phải do trong nước thiếu nguồn cung, chất lượng con giống thấp hay giá cao mà do các nước dư thừa nguồn cung và thói quen tiêu dùng của người Việt, ưa chuộng sản phẩm gà dai. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ vấn đề nhập lậu, đặc biệt là về giá bán. Ngoài ra, khi người chăn nuôi chịu thiệt hại, giảm đàn cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Để ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm, đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thủ tướng ban hành 2 công điện và ra 18 văn bản chỉ đạo địa phương, ban ngành liên quan để có biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm. Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 29 về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

“Để triển khai Chỉ thị 29, Thanh tra Bộ đã đề xuất Bộ theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về thú y tăng cường công tác kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa và nhập khẩu; phối hợp với các địa phương và Bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật qua biên giới; tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai phòng chống dịch”, ông Đào Văn Thanh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Lực lượng chức năng tổ chức tiến hành tiêu hủy số gia cầm nhập lậu. Ảnh: QLTT Lạng Sơn.

Lực lượng chức năng tổ chức tiến hành tiêu hủy số gia cầm nhập lậu. Ảnh: QLTT Lạng Sơn.

Bên cạnh việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm, để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, các chuyên gia cũng cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, thời gian vừa qua chúng ta đã đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đạt trên 400 triệu USD. Trong đó, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các sản phẩm gia cầm chế biến chín đã xuất khẩu được sang gần 10 thị trường gồm: Nhật Bản, Liên bang Nga, Hồng Kông (Trung Quốc) và các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Theo ông Nguyễn Văn Long, hiện cả nước đã có 4.000 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức thú y thế giới OIE/WOAH. Do vậy, trong thời gian tới chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, không để xảy ra trên phạm vi diện rộng, nhất là những vùng đã đạt chuẩn an toàn dịch bệnh.

Ngoài ra, muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thì phải nâng cấp vùng an toàn dịch bệnh lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức thú y thế giới OIE/WOAH, vận động người chăn nuôi tham gia vào việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan truyền thông để ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm. Đây là những điều kiện tiên quyết để có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Đại diện cho các doanh nghiệp ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng khẳng định, tình trạng nhập lậu là vấn đề lớn, tạo nguy cơ cao đối với ngành chăn nuôi. Thịt và các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam không theo con đường chính ngạch sẽ mang lại rủi ro dịch bệnh và hậu quả từ việc các sản phẩm chăn nuôi này có thể bị sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nếu không kiểm soát được tình trạng này, ngành chăn nuôi không thể phát triển được. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách đặc thù để tăng tính tự vệ cho ngành chăn nuôi.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 15:29

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ mục tiêu phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Tập trung sửa đổi toàn diện Luật khoa học và công nghệ

Tập trung sửa đổi toàn diện Luật khoa học và công nghệ

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:51

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ quyết liệt sửa đổi toàn diện Luật KH&CN 2013 với nhiều điểm mới, đột phá, trở thành hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Gia tăng giá trị chuỗi cung ứng quang điện tại Việt Nam

Gia tăng giá trị chuỗi cung ứng quang điện tại Việt Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 15/04/2024, 08:33

( CL&CS) - Trong khuôn khổ dự án ODA của Chính phủ Đức dành cho Việt Nam về “Thúc đẩy các dịch vụ bảo đảm chất lượng vì năng lượng bền vững”, đoàn chuyên gia Viện Đo lường Đức (PTB) và điều phối viên Dự án đã có chuyến công tác tới thăm và làm việc với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (từ ngày 5 – 12/4/2024) tại Hà Nội.