Thứ năm, 18/07/2024, 19:13 PM

Cải thiện năng suất lao động quốc gia thông qua kỹ năng nghề

(CL&CS) - Trong thế giới ngày nay, tăng năng suất lao động là một trong những nhân tố quan trọng nhất để các nước đang phát triển nỗ lực vươn lên, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Việc cải thiện năng suất lao động quốc gia thông qua kỹ năng nghề là một vấn đề quan trọng, đòi hỏi doanh nghiệp và người lao động luôn phải trau dồi để có định hướng kỹ năng phù hợp.

Mục tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm 

Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến năng suất lao động và chú trọng những giải pháp tăng năng suất lao động: Tăng năng suất lao động xã hội là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng (cụ thể: Đại hội XII đề ra chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5%/năm cho giai đoạn 2016-2020; Đại hội XIII đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm cho giai đoạn 2021-2025).

LAO ĐỘNG

Cải thiện năng suất lao động quốc gia thông qua kỹ năng nghề

Thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, năng suất lao động của nước ta tăng trưởng tích cực và liên tục trong suốt gần 40 năm đổi mới và hội nhập.

Từ năm 2011 đến nay, theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/lao động năm 2023 - đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cho biết, tăng năng suất lao động đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống người lao động, nhân dân. Trong Quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Thu nhập bình quân của người lao động Quý II/2024 là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137 nghìn đồng so với Quý I/2024 và tăng 490 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,3 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,4 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,1 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.

Theo Tổng cục Thống kê, lao động có việc làm Quý II/2024 ước tính là 51,4 triệu người, tăng 126,6 nghìn người so với quý trước và tăng 217,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 145,6 nghìn người so với quý trước và tăng 728,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 19 nghìn người và giảm 510,7 nghìn người.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 687,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 492,2 nghìn người.

Để đạt được những kết quả quan trọng trên đây là nhờ chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự nỗ lực của từng người lao động, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Cải thiện năng suất lao động và nâng cao kỹ năng nghề

Cũng trong chương trình phát động Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 2024 Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp Hiệp hội Thang máy Việt Nam tổ chức ngày 15/7 với chủ đề “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”.

Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, công tác thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên là một trọng tâm cần tập trung thực hiện. Trong đó, sẽ dựa trên 4 "nhà": Nhà doanh nghiệp với vai trò là "người đặt hàng"; Nhà nước với vai trò là nhà quản lý; Nhà trường là nguồn cung cấp nhân lực, với vai trò là động lực phát triển nguồn nhân lực; và Nhà báo mang vai trò lan tỏa, truyền thông thông điệp, ý nghĩa.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định, sẽ không thể có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển nếu không có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp. “Tại sao năng suất lao động của Việt Nam chưa được đánh giá cao dù có một đội ngũ lao động thông minh, năng động, cần cù, chịu khó?”, Bà Hương đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh việc cần tập trung cải thiện vấn đề kỹ năng lao động, đặc biệt là đội ngũ nòng cốt là thanh niên.

Trong khuôn khổ chương trình, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng chủ trì tọa đàm với sự tham dự của các đại diện các hiệp hội, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động cùng tham gia trao đổi về vấn đề cải thiện năng suất lao động và nâng cao kỹ năng nghề.

Ông Phạm Văn Sơn, chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là trình độ học vấn bậc đại học, mà còn cả lực lượng trực tiếp lao động, sản xuất.

“Mỗi người lao động là một hạt nhân của sự phát triển, một người lao động tăng kỹ năng nghề, tăng thu nhập, mang tiền về nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, và mỗi gia đình phát triển là xã hội phát triển”, ông Phạm Văn Sơn nói.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, năng lực của lao động chất lượng cao không có nghĩa là lao động có học vấn cao, trình độ cao, hay chỉ đơn thuần lấy số lượng giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư để đánh giá về chất lượng lao động.

Với vai trò là Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam và cũng là đại diện thanh niên trong lực lượng lao động trẻ, ông Hoàng Đức Long, Phó Trưởng Khoa Điện tử, Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội cho biết, kỹ năng nghề là một vấn đề quan trọng, đòi hỏi người lao động luôn phải trau dồi để có định hướng kỹ năng phù hợp.

Thông tin với báo chí, Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam mượn một định luật của ngành bán dẫn, một ngành thay đổi công nghiệp của quốc gia và toàn cầu cho biết, ngành bán dẫn có một định luật nổi tiếng mang tên Định luật Moore: "Số lượng transistor trên mỗi đơn vị inch vuông sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi 24 tháng". Nhưng đến nay, tốc độ tăng của transistor đã tăng lên vượt trội, chỉ cần 6 tháng để tăng gấp đôi như vậy. Đối chiếu sang việc nâng cao kỹ năng nghề, có thể thấy việc gia tăng năng suất lao động để đạt được tốc độ vượt trội chỉ có thể dựa trên kỹ năng nghề, ông Nguyễn Hải Đức nhấn mạnh.

Đóng góp cho một tương lai hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững

Cách đây 10 năm, tại phiên họp toàn thể vào ngày 18/12/2014, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí lấy ngày 15/7 hằng năm là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (World Youth Skills Day).

Theo Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng, với chủ đề của Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2024 là “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”, các đơn vị giáo dục nghề nghiệp cần chú trọng trang bị cho thanh niên những kỹ năng và cơ hội, giúp thanh niên chủ động gia nhập thị trường lao động, lập nghiệp và phát triển sự nghiệp, đóng góp cho một tương lai hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quan tâm triển khai 5 nhóm nội dung, bao gồm:

Thứ nhất, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, giá trị của giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, gắn với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ hai, căn cứ tình hình thực tế, tổ chức các hoạt động hưởng ứng, thi đua học tập, rèn luyện phát triển kỹ năng nghề thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp để đẩy mạnh tuyên truyền Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2024 đạt tính lan tỏa cao; đồng thời phát hiện, biểu dương và kịp thời khen thưởng vinh danh tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, đối tác có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên.

Thứ ba, chú trọng đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động, tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Đổi mới các phương thức đào tạo theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt gắn với khung trình độ quốc gia và thị trường lao động, ưu tiên phát triển phẩm chất, hình thành các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ cho người học. Đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người lao động yếu thế nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, phát triển kỹ năng nghề cho lao động trẻ theo nhu cầu doanh nghiệp; phối hợp với doanh nghiệp thực hiện công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề.

Thứ năm, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình phát triển kỹ năng nghề tiếp cận các chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khả năng dịch chuyển của nguồn nhân lực thanh niên trên thị trường lao động trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập.

Tăng năng suất lao động liên quan đến tất cả các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến công việc của người lao động. Các nhà quản lý, doanh nghiệp có thể cải thiện năng suất lao động của nhân viên bằng cách lập kế hoạch, giám sát, phát triển, đánh giá và khen thưởng. Ngoài ra, các yếu tố môi trường như văn hóa doanh nghiệp, cấu trúc tổ chức cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Cát Tường

Bình luận

Nổi bật

Doanh nghiệp áp dụng 5S và TPM giúp ổn định và nâng cao năng suất

Doanh nghiệp áp dụng 5S và TPM giúp ổn định và nâng cao năng suất

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 18:07

(CL&CS)- Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất được xem là yếu tố quan trọng bên cạnh giải pháp về đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nâng cao năng suất chất lượng: Yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp

Nâng cao năng suất chất lượng: Yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 15:01

(CL&CS)- Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các công cụ cải tiến năng suất, hệ thống quản lý chất lượng... là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng.

Doanh nghiệp ngành thép có chất lượng vượt bậc nhờ áp dụng công cụ nâng cao năng suất

Doanh nghiệp ngành thép có chất lượng vượt bậc nhờ áp dụng công cụ nâng cao năng suất

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 08:21

(CL&CS) - Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã chủ động áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.