Các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất: Sẽ không cào bằng

(CL&CS) - Mặc dù còn nhiều ý kiến băn khoăn, song các ngân hàng đều thống nhất việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mức giảm sẽ tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, và thời hạn thực hiện giảm lãi suất sẽ ngay trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.

Ngay sau cuộc họp trực tuyến của Ngân hàng nhà nước (NHNN) hôm 9/7 để triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (NQ63), ngày 12/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ( VNBA) đã họp với các 16 tổ chức tin dụng là hội viên để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA điều hành cuộc họp

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA điều hành cuộc họp

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, việc giảm lãi suất là rất khó nhưng lúc này rất cần sự chia sẻ, cảm thông của ngành Ngân hàng đối với những khó khăn của doanh nghiệp (DN)…

Đồng hành và chia sẻ…

Theo Phó Tổng giám đốc Techcombank ông Phạm Quang Thắng, tính đến nay hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 của Techcombank đã hơn 100 tỷ đồng. Techcombank cũng tích cực tái cơ cấu, giãn nợ, đảm bảo nguồn tín dụng để khách hàng có đủ dòng tiền trong kinh doanh trong lúc khó khăn.

“Từ khi bị đại dịch năm 2020 đến nay, Techcombank liên tục giảm lãi suất, trong đó nhóm lĩnh vực ưu tiên có lãi suất cho vay là dưới 4,5%/năm; các lĩnh vực kinh tế thiết yếu lãi suất cho vay vào khoảng 6-7%/năm, thậm chí có khách hàng thấp hơn…”- Ông Tháng cho hay.

Đồng thuận với việc tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ khách hàng, đại diện Techcombank cho rằng trong hỗ trợ không nên cào bằng mà nên tập trung hỗ trợ cho các DN sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, DN có lực lượng lao động lớn… Còn các DN bất động sản đang lãi lớn, các DN xuất khẩu hay các cá nhân vay tiền mua xe ô tô… thì không nên hỗ trợ lãi suất.

Quang cảnh cuộc họp

Quang cảnh cuộc họp

Đái diện Agribank, ông Nguyễn Viết Mạnh, Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) cho biết, ngay sau cuộc họp với NHNN, Agribank đã họp và thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ DN. “Trong chiều nay, HĐTV của Agribank sẽ họp để đưa ra mức giảm lãi suất, có khoản sẽ giảm 0,5%, có khoản sẽ giảm 2 – 2,5%. Tính chung bình, lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%”- ông Mạnh cho biết thêm.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB cũng cho biết, từ đầu năm đến nay MB cũng liên tục giải ngân vốn cho các đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, với sự đồng thuận của các ngân hàng hội viên, trước mắt, MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các DN gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (ví như DN trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…) với mức lãi suất có thể giảm 1% hoặc hơn, đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương).

“6 tháng đầu năm nền kinh tế tăng trưởng tốt, rất nhiều DN làm ăn tốt. Vậy nên, tùy từng tệp khách hàng của mình, ngân hàng sẽ lựa chọn DN gặp khó khăn để từ đó có chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp”- Đai diện MB nhấn mạnh.

Chưa hết băn khoăn…

Tại cuộc họp, một số ý kiến cho biết, để giảm lãi suất, các ngân hàng cũng sẽ phải xin ý kiến cổ đông, vì giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay. 

Theo đại diện LienvietPostBank, với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191 nghìn tỷ đồng, nếu này giảm lãi suất khoảng bình quân 1%/năm thì ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng.

Tương tự như vậy, đại diện BIDV cũng cho biết, nếu giảm lãi suất ở mức 1%, lợi nhuận của BIDV trong năm 2021 cũng sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng.

Vấn đề được các ngân hàng đưa ra là giảm bao nhiêu % là hợp lý?

Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, với tổng dư nợ của Sacombank đang vào khoảng 350 nghìn tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5-6 tháng thì lợi nhuận của ngân hàng cũng giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch. “Với mức lớn như vậy, liệu cổ đông có chấp nhận không?”, ông Phan Đình Tuệ nêu vấn đề.

Mặc dù vậy, để chia sẻ khó khăn với DN, đại diện Sacombank cho biết, ngân hàng cũng sẽ thực hiện giảm lãi suất, tuy nhiên, sẽ chỉ giảm cho các đối tượng thực sự khó khăn. “Sacombank có khách hàng có dư nợ hàng nghìn tỷ đồng và đang kinh doanh rất có lãi. Những khách hàng như vậy không nên hỗ trợ lãi suất”- ông Tuệ chia sẻ.

Mặc dù chưa hết băn khoăn, song tại cuộc họp, các ngân hàng đã thống nhất, việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất sẽ  thực hiện sớm trong tháng 7 cho đến hết năm 2021. 

Hỗ trợ nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ ,(NHNN) cho biết, NHNN đánh giá cao tinh thần "đồng cam cộng khổ" của các ngân hàng với khách hàng, với nền kinh tế giữa lúc đại dịch đang diễn biến vô cùng phức tạp.

"Về phần cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ theo sát diễn biến thị trường, lắng nghe các ý kiến phản hồi, sẵn sàng can thiệp kịp thời để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. NHNN biết rằng, quy mô và năng lực mỗi ngân hàng một khác, do đó mức độ hỗ trợ khách hàng là khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhìn thấy những con số hỗ trợ cụ thể để thị trường biết rằng, các ngân hàng đã hỗ trợ cho những nhóm/ngành/lĩnh vực nào, thậm chí là khách hàng nào, để tất cả đều thấy rằng, sự sẻ chia, sát cánh của hệ thống ngân hàng là nhanh chóng và thực chất"- ông Hà nói.

Khẳng định, ngành Ngân hàng đã và đang rất tích cực đồng hành chia sẻ với người dân và DN để vượt qua đại dịch COVID-19, Tổng thư ký VNBA, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng lưu ý, hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống một cách cao nhất. Bởi lẽ, các tác động tiêu cực từ đại dịch đến ngành Ngân hàng sẽ có độ trễ rất lớn.

 “Hiện tại ngành Ngân hàng chia sẻ khó khăn với DN nhưng trong tương lai khi nợ xấu do đại dịch COVID-19 gây ra, ai sẽ chia sẻ với ngành Ngân hàng. Do vậy, hỗ trợ phải trên tinh thần đảm bảo an toàn hệ thống”- Tổng thư ký VNBA nhấn mạnh.

Ngân hàng muốn được mở room tín dụng

Tại cuộc họp, đại diện Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc cho biết, Vietcombank đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp ngay từ đầu năm, đến nay, lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn tại ngân hàng chỉ khoảng 6%/năm, trung dài hạn chỉ 8%/năm.

“Đầu năm Vietcombank được giao chỉ tiêu tín dụng là 10% nhưng đến nay tín dụng đã tăng trưởng 9%. Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay, Vietcombank rất cần được NHNN nới room tín dụng trong những tháng cuối năm”- Ông Tùng đề nghị.

Nới room tín dụng trong những tháng cuối năm cũng là điều được các ngân hàng tham dự cuộc họp như: BIDV, SHB, TPBank, LienVietPostbank… kiến nghị. Theo các ngân hàng, việc được NHNN cho phép nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thêm điều kiện để hỗ trợ DN tốt hơn. 

Tổng Thư ký VNBA, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị, NHNN xem xét cách giao chỉ tiêu tín dụng hàng năm. Đặc biệt, với các ngân hàng đã áp dụng tốt Basel II và Basel III nên được tạo thuận lợi khi cấp room tín dụng.

Thanh Thanh

Bình luận

Nổi bật

HDBank cho vay thời hạn lên đến 50 năm với hạn mức lên đến 50 tỷ đồng

HDBank cho vay thời hạn lên đến 50 năm với hạn mức lên đến 50 tỷ đồng

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 21:39

(CL&CS) - Chương trình “Cho vay linh hoạt” của HDBank tiếp sức cho khách hàng đang có nhu cầu mua bất động sản, xây dựng, sửa nhà và tiêu dùng.

Tiếp tục đồng hành cùng VPIM 2024, ANTA sẽ đem đến bất ngờ nào?

Tiếp tục đồng hành cùng VPIM 2024, ANTA sẽ đem đến bất ngờ nào?

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 14:05

(CL&CS) - Đón nhận nhiều phản hồi tích cực từ các vận động viên ở mùa giải 2023, ANTA Sports Vietnam sẽ tiếp tục là nhà tài trợ Kim cương của giải chạy VPBank Hanoi International Marathon 2024 (VPIM 2024). Theo đó, ANTA sẽ tài trợ độc quyền toàn bộ hơn 15.000 áo đấu chuyên nghiệp.

Ngân hàng số phát triển “thần tốc” trong kỷ nguyên công nghệ

Ngân hàng số phát triển “thần tốc” trong kỷ nguyên công nghệ

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 09:11

(CL&CS) - Hơn bao giờ hết, làn sóng công nghệ đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động tài chính - ngân hàng, khi người dân ưu tiên phương thức thanh toán không tiền mặt.