Bộ Xây dựng yêu cầu công khai thông tin bất động sản

(CL&CS) - Bộ Xây dựng đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Nghị định 44/2022 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các địa phương kiểm tra việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (máy chủ, máy trạm), bảo đảm sự vận hành của hệ thống cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

Đối với các bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị phối hợp trong việc kết nối, chia sẻ thông tin từ các cơ sở dữ liệu có liên quan do bộ ngành quản lý, đồng thời đảm bảo việc duy trì, kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

Nhiều bất cập hệ thống thông tin đất đai

Trong báo cáo đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay, Bộ Xây dựng cho biết hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản chưa đầy đủ, hoàn chỉnh.

Bộ cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến của thị trường bất động sản; hàng quý sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản trên phạm vi cả nước và kiến nghị giải pháp để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Bộ cũng đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản và hoạt động môi giới bất động sản vi phạm pháp luật, các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

Việt Nam đang có nhiều bất cập đối với hệ thống thông tin đất đai, nhà ở và bất động sản

PGS. TS. Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ tại Việt Nam đang có nhiều bất cập đối với hệ thống thông tin đất đai, nhà ở và bất động sản.

Thứ nhất, thể chế trong lĩnh vực này chậm được hoàn thiện, đặc biệt là một số quy định thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tính minh bạch, an toàn của các giao dịch.

Thứ hai, mô hình cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chưa phù hợp, còn lúng túng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, quy trình đăng ký thủ công, tồn tại nhiều sai sót, dễ dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu từ phía cán bộ đăng ký.

Thứ tư, thông tin về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong một số trường hợp đã không phản ánh chính xác, từ đó dẫn đến tranh chấp, khiếu nại kéo dài, gây bức xúc trong xã hội.

Thực tế còn cho thấy, Việt Nam chưa có các chỉ số giá đất đai, nhà ở, bất động sản cũng như chỉ số thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản được công bố chính thức bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng hay Tổng cục Thống kê.

Cần minh bạch thị trường bất động sản

Theo ông Chung, Quốc hội cần ban hành các luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản mới, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Trong đó, nội dung thông tin đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản phải tương thích, phối hợp với nhau thành một chỉnh thể thống nhất.

Đưa vào các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản nội dung tính toán các chỉ số giá đất, giá nhà, giá bất động sản; chỉ số thị trường đất đai, thị trường nhà ở và thị trường bất động sản theo hướng: Cập nhật tự động theo thời gian; Thông tin phải phủ trùm cả nước; Thông tin đất đai, nhà ở, bất động sản phải kết nối thông tin với dữ liệu cá nhân (Căn cước công dân…); Thông tin phải công khai, minh bạch và dự báo được; Sử dụng thông tin có tính phí…

"Giao cơ quan quản lý đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản công bố chỉ số giá, chỉ số thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm. Đưa chỉ số đất đai, nhà ở và bất động sản vào tiêu chí thống kê của hệ thống thống kê quốc gia" - ông Chung đề xuất.

Ở khía cạnh khác, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, việc công bố danh sách cũng cần cập nhật liên tục, theo thời gian thực để tạo luồng thông tin kịp thời, đặc biệt cần công khai điều kiện bảo lãnh ngân hàng - điều mà rất nhiều chủ đầu tư đang né tránh, gây ảnh hưởng lớn đến khách hàng. Ngoài ra, phải có quy định xử lý nghiêm chủ đầu tư né tránh công khai thông tin dự án. Ông nhấn mạnh, việc công khai thông tin dự án là cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản minh bạch.

Hà Thu

Bình luận

Nổi bật

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp văn hóa thủ đô Hà Nội

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp văn hóa thủ đô Hà Nội

sự kiện🞄Thứ sáu, 19/04/2024, 18:07

(CL&CS) - Với vị thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, có bề dày lịch sử và nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.

[Longform] Bất động sản Đà Nẵng 2024: “Ngụp lặn” suốt 1 năm, đã đến lúc “thức giấc”?

[Longform] Bất động sản Đà Nẵng 2024: “Ngụp lặn” suốt 1 năm, đã đến lúc “thức giấc”?

sự kiện🞄Thứ sáu, 19/04/2024, 15:08

Thị trường bất động sản Đà Nẵng vừa trải qua một năm 2023 tương đối khó khăn ở tất cả các phân khúc, trừ phân khúc căn hộ. Tuy nhiên, với việc công bố quy hoạch chung thành phố, đồng thời thông qua đồ án quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông được dự báo sẽ tạo sức bật cho thị trường bất động sản Đà Nẵng trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Có nên “cắt lỗ” bất động sản khi thị trường gặp khó?

Có nên “cắt lỗ” bất động sản khi thị trường gặp khó?

sự kiện🞄Thứ sáu, 19/04/2024, 11:36

Tình trạng "ngộp" có thể diễn ra đối với nhà đầu tư khi mua bất động sản tuy nhiên lại gặp phải thị trường khó khăn khiến giá trị tài sản mình đã mua bị xuống giá. Lúc này nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi liệu có nên bán cắt lỗ hay không?