Chủ nhật, 09/05/2021, 22:34 PM

Bộ Tài chính nói gì về đề xuất của HoREA khi đánh thuế cao để “trị” sốt đất

(CL&CS) - Để trị dứt sốt đất, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng cần đánh thuế cao người mua, bán sở hữu nhiều bất động sản. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, chính sách thuế cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ, ban hành đúng thời điểm thì mới tạo được tính đồng thuận, góp phần hạn chế tình trạng sốt đất.

Trước đề xuất của HoREA mới đây về việc thu hàng loạt sắc thuế mới, đánh thuế cao người mua bán, sở hữu nhiều bất động sản để trị dứt sốt đất, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng lĩnh vực bất động sản có tác động lớn, nhiều nội dung mang tính kỹ thuật đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành địa phương. Chính sách thuế cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ, ban hành đúng thời điểm thì mới tạo được tính đồng thuận, góp phần hạn chế tình trạng sốt đất.

Thời gian qua, sốt đất diễn ra khắp nơi trên cả nước khiến nhiều địa phương phải ra văn bản trấn an người dân

Thời gian qua, sốt đất diễn ra khắp nơi trên cả nước khiến nhiều địa phương phải ra văn bản trấn an người dân

Bộ Tài chính cho rằng, hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí đối với bất động sản hiện hành được ban hành khá đầy đủ. Đó là thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản; lệ phí trước bạ và các khoản phí, lệ phí liên quan khác như lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...

Các chính sách thu này đã bao quát đầy đủ quá trình hình thành, sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng bất động sản, từng bước được hoàn thiện, góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng bất động sản hiệu quả, từng bước hạn chế đầu cơ bất động sản, sử dụng lãng phí đất đai.

Hiện Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, xác định những vướng mắc, bất cập trong thi hành các luật thuế liên quan đến bất động sản để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp, gắn với việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.

Trong các sắc thuế mà HoREA đề xuất, riêng thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính cho rằng, bản chất của thuế này là thuế trực thu, phải thu trên "chênh lệch địa tô", tức lợi nhuận mà nhà đầu tư thu được. Tuy nhiên, hiện cách thu của cơ quan thuế là khoán thuế, cứ thu 2% trên giá chuyển nhượng, lãi lỗ gì cũng phải nộp thuế. Cách thu này dễ cho cơ quan thuế nhưng lại làm "lệch" chính sách.

Theo Bộ Tài chính, do trước đây, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản nộp thuế theo mức thuế suất 25% trên thu nhập (giá chuyển nhượng trừ giá mua và các chi phí liên quan). Trường hợp không xác định được giá mua và các chi phí liên quan thì nộp thuế theo thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng.

Thực tế, Luật Thuế thu nhập cá nhân không có căn cứ để xác định giá mua và các chi phí liên quan của hoạt động chuyển nhượng, nhất là đối với bất động sản hình thành từ lâu không có hồ sơ, căn cứ chứng minh giá vốn, bất động sản được cho, tặng, thừa kế…

Từ ngày 1/1/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế quy định cá nhân chyển nhượng bất động sản nộp thuế 2% trên giá chuyển nhượng. Việc quy định một phương pháp tính thuế bảo đảm minh bạch về chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện và cải cách thủ tục hành chính.

Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng, chỉ ra nguyên nhân sốt đất khắp nơi từ đầu năm 2021, đồng thời kiến nghị đánh một loạt thuế, siết tín dụng bất động sản, với kỳ vọng sẽ trị được sốt đất.   

Theo ông Châu, từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra trên diện rộng hiện nay. Sốt đất gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của người có thu nhập trung bình, người thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Người đứng đầu HoREA khẳng định, thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá, lợi dụng “tâm lý đám đông hám lợi”, giao dịch mua bán giả tạo, trục lợi bất chính. Đặc biệt, sốt đất đã đẩy giá đất ở một số địa phương lên quá cao so với giá trị thực, thiết lập mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.

Để “trị” sốt đất và “bình ổn giá nhà”, HoREA đề xuất Thủ tướng ban hành thuế chống đầu cơ nhà, đất bằng việc đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao cho hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập. Xem xét, quy định mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên, tiếp tục giữ mức thuế suất cao nếu bán trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường.

Tiếp đến, HoREA đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất. Theo HoREA, sắc thuế này sẽ điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường bất động sản, hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định, vừa đáp ứng đúng nhu cầu mua nhà để ở của người dân, vừa đáp ứng nhu cầu kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp mà vẫn giải quyết được nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà, đất của người dân. Những bất động sản chậm đưa vào sử dụng cũng bị đề xuất đánh thuế cao. Ngoài đề xuất đánh thuế cao, HoREA cũng đề xuất ban hành “thuế bất động sản”...

Hiệp hội đề xuất thay thế thu “tiền sử dụng đất” bằng “Thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở”. Điều này sẽ góp phần làm giảm giá thành, dẫn đến giảm giá bán nhà.

An Nam

Bình luận

Nổi bật

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:00

(CL&CS) - Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 được đề ra gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:04

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 20:59

(CL&CS)- Chiều 12/11, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.