Thứ ba, 08/11/2022, 09:14 AM

Bảo đảm sự bình đẳng, thống nhất trong quản lý phương tiện giao thông

Trong phiên thảo luận sáng qua đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về mức giá khởi điểm và công tác quản lý biển số được đấu giá; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm thu hút được đông đảo sự tham gia của người dân vào hoạt động đấu giá, tạo sự bình đẳng, thống nhất trong công tác quản lý phương tiện giao thông.

Có nên quy định giá khởi điểm ở mức thấp?

Ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá được các đại biểu Quốc hội đánh giá là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người mua xe muốn được cấp biển số theo mong muốn cá nhân. Theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), năm 2008 một số địa phương đã tiến hành đấu giá biển số xe như tỉnh Nghệ An, chỉ với 10 biển số đã thu được 2,4 tỷ đồng, bổ sung vào Quỹ vì người nghèo. Trong đó, biển số được đấu giá cao nhất là biển kiểm soát xe ô tô 37S - 9999 được bán với giá 700 triệu đồng, cao gấp 14 lần so với giá sàn được đưa ra là 50 triệu đồng. Người mua được biển số đẹp, đúng ý mình cũng rất vui và cảm thấy hoàn toàn xứng đáng với số tiền mình bỏ ra.

Trước Nghệ An, Hải Phòng từng tổ chức đấu giá biển số xe nhưng phải dừng vì vướng luật. Do đó, trong dự thảo Nghị quyết, các đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ các quy định, để bảo đảm thực hiện đấu giá công khai, minh bạch, đúng pháp luật, mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá, từ đó khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá quyền lựa chọn sử dụng biển số xe. 

Về quy định mức giá khởi điểm, Chính phủ đang đề xuất, mức giá khởi điểm khác nhau giữa Vùng 1 (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) là 40 triệu đồng, Vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng. ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, nên chăng quy định theo hướng mức giá khởi điểm nào có thể thu hút được nhiều người tham gia sẽ tốt hơn?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho biết, trong điều kiện hiện nay, phân khúc thị trường xe ô tô phần lớn ở tầm trung. Trong nhóm này không phải ai cũng sẵn sàng chi thêm 40 triệu đồng để có thể có một biển số chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân mình. Nếu như không ai đăng ký biển số đó thì biển số lại được đưa vào kho để cấp cho tổ chức, cá nhân, như thế sẽ thất thu cho ngân sách.

Riêng những biển số đẹp, độc, lạ thì không bị ảnh hưởng gì vào mức giá khởi điểm, bởi vì sẽ có nhiều người đăng ký và tham gia trả giá cạnh tranh. Chính vì vậy, đại biểu tỉnh Bến Tre đề nghị mức giá khởi điểm đối với Vùng 1 là 40 triệu đồng, tức là gấp đôi lệ phí đăng ký được áp dụng hiện nay đối với khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Riêng đối với vùng 2, mức giá khởi điểm nên thấp hơn, chỉ khoảng 10 triệu đồng, với mức này cũng đã gấp 10 lần so với lệ phí được cấp hiện nay đối với các tỉnh, khu vực đô thị. Mức giá khởi điểm này có thể thu hút được đông đảo sự tham gia đấu giá của người dân, nhất là đối với những biển số chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân, từ đó cũng sẽ thu được cho ngân sách nhà nước nhiều hơn là đưa ra mức giá khởi điểm cao nhưng lại ít hoặc là không có người tham gia đấu giá. 

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cũng cho rằng, việc giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo cơ hội để nhiều người dân có thể quan tâm và tham gia vào việc đấu giá để lựa chọn, nhất là trong trường hợp khái niệm biển số đẹp còn tùy thuộc vào từng người và sự khác nhau ở từng vùng, miền, nhằm hướng tới việc lựa chọn biển số xe ô tô phù hợp với sở thích riêng của cá nhân.

Cho rằng việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa Vùng 1 và Vùng 2 không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và không phân biệt giữa Vùng 1 và Vùng 2, ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long), ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) đồng ý với mức giá khởi điểm thống nhất trên toàn quốc do cơ quan thẩm tra đề xuất là 40 triệu đồng.

Giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho người dân

Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo ngại về công tác quản lý biển số được đấu giá. ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (TP. Hà Nội) cho biết, theo Thông tư số 58 năm 2020 của Bộ Công an về quy trình cấp, thu hồi, đăng ký biển số phương tiện giao thông đường bộ, thì xe ô tô phải thực hiện đăng ký và được cấp biển kiểm soát có số đăng ký theo tỉnh, thành phố mà chủ xe có trụ sở hoặc cư trú. Khi sang tên, chuyển địa chỉ sang tỉnh, thành phố khác thì phải thực hiện việc đăng ký sang tên, cấp đổi đăng ký và nộp lại biển số đã được cấp để xin cấp lại biển số ở tỉnh, thành phố nơi chuyển đến.

Nếu thực hiện theo quy định của dự thảo Nghị quyết, việc cấp biển số xe sẽ không còn phụ thuộc vào nơi chủ xe có trụ sở hoặc cư trú như hiện nay. Đại biểu Nguyễn Phương Thủy băn khoăn, liệu có khi nào, các biển số xe với các đầu số từ 29 đến 33 của TP. Hà Nội sẽ chủ yếu được gắn trên xe của các địa phương khác? Bởi vì, có tâm lý, nhiều người dân sinh sống ở các tỉnh trong khu vực miền Bắc sẵn sàng bỏ tiền để có thêm biển số Hà Nội. Điều này sẽ thay đổi rất lớn trong công tác quản lý phương tiện.

Thực tế, đăng ký và quản lý phương tiện theo địa bàn đã được thực hiện trong thời gian dài, để xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký, thống kê, quản lý phương tiện thường xuyên lưu thông trên địa bàn và các số liệu đăng ký còn là cơ sở, căn cứ, thông tin phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý an ninh, trật tự và áp dụng các giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân lưu hành tại các thành phố lớn như Hà Nội. Mới đây, trong Báo cáo số 1805 của Bộ Công an đã khẳng định, việc quy định người dân tham gia đấu giá trên toàn quốc không theo hộ khẩu thường trú là phù hợp, khả thi, do Bộ Công an đang thực hiện việc quản lý bằng dữ liệu điện tử, nên quy định như dự thảo Nghị quyết về việc đăng ký xe không phụ thuộc vào nơi cư trú hay sang tên, thay đổi địa chỉ từ tỉnh này sang tỉnh khác vẫn được giữ nguyên biển số trúng đấu giá theo xe vẫn bảo đảm được yêu cầu quản lý nhà nước về phương tiện giao thông và bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh, nếu đúng như cam kết của Bộ Công an, đây sẽ là một bước tiến lớn trong công tác quản lý nhà nước nói chung, cũng như trong việc chuyển đổi số của Bộ Công an. Tuy nhiên, Bộ Công an cũng cần xem xét bỏ quy định về việc phải nộp trả biển số xe đăng ký ô tô khi phương tiện được sang tên hay chuyển địa bàn sang tỉnh, thành phố khác hiện đang được quy định trong Thông tư 58 của Bộ Công an. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cả cho người dân và cả cho Nhà nước trong việc phải thay đổi các biển số xe và quan trọng là tạo ra sự bình đẳng, thống nhất trong công tác quản lý phương tiện giao thông nói chung. Quy định này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Bộ Công an và có thể thực hiện ngay được.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của đại biểu, báo cáo với Chính phủ và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình xin Quốc hội xem xét thông qua.

Anh Thảo ( Đại biểu nhân dân)

Bình luận

Nổi bật

“Xanh hóa” vật liệu xây dựng sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế

“Xanh hóa” vật liệu xây dựng sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:58

(CL&CS) - Thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hóa” sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:11

(CL&CS)- Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.