Thứ hai, 12/08/2024, 14:15 PM

Áp dụng khoa học công nghệ để tiếp tục nâng cao năng suất và duy trì chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường

(CL&CS) - Vừa qua,Tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm hàng hóa, qua đó giúp doanh nghiệp áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất đã giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất hoạt động

Trong môi trường cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, các quốc gia trên thế giới coi khoa học và công nghệ là một biến số chiến lược quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Có thể khẳng định rằng, phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới hiện nay thực chất là cuộc đua về khoa học và công nghệ, về nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động trên cơ sở hiện đại hoá nguồn nhân lực. 

G1 Tôn Nam Kim

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nam Kim áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tiếp tục nâng cao năng suất và duy trì chất lượng sản phẩm

Chúng ta đang tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) thông qua các công nghệ như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tế ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội mới cho đất nước cũng như cho mỗi địa phương. Trong xu thế đó, tỉnh Bình Dương xác định cần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, nhanh chóng nắm bắt xu thế mới để phát triển nhanh và bền vững.

Tự động hóa và quản lý thông minh là những công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý. Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã nhận ra tầm quan trọng của việc áp dụng các hệ thống tự động hóa và quản lý thông minh để nâng cao hiệu suất và tính chính xác trong hoạt động sản xuất.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nam Kim đã triển khai hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thông minh, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu xuất sản phẩm. Hệ thống này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí vận hành mà còn giúp doanh nghiệp dự báo chính xác nhu cầu của thị trường, từ đó tối ưu hóa kế hoạch sản xuất​. Điều này đã giúp doanh nghiệp duy trì được lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng biến động. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã giúp doanh nghiệp này tiết kiệm hơn 1,8 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng như ISO 9001 và ISO 22000 đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng để đảm bảo sản phẩm, không chỉ đáp ứng các yêu cầu trong nước mà còn có thể tiếp cận các thị trường quốc tế. 

Công ty TNHH chế biến thực phẩm Minh Quân là một trong nhiều doanh nghiệp đã triển khai thành công tiêu chuẩn ISO 22000:2018, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Điều này đã mở ra cơ hội lớn cho công ty trong việc xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường nước ngoài, đồng thời gia tăng uy tín và lòng tin của khách hàng.

 Hay như Công ty TNHH tinh chế gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Sài Gòn đã đạt được bước đột phá khi tiết kiệm được hơn 1,2 tỷ đồng mỗi năm nhờ vào việc cải tiến dây chuyền sản xuất và quản lý tài nguyên một cách hiệu quả. Tương tự, Công ty TNHH Cường Phát cũng đã giảm được hơn 1 tỷ đồng hàng năm nhờ vào việc triển khai các hệ thống quản lý chất lượng và tự động hóa.

Ông Lý Thái Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh Bình Dương cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ tự động hóa, tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất đã giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh, tối ưu hóa hiệu suất hoạt động, giảm thiểu rủi ro và lãng phí trong quá trình sản xuất”.

Tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng tạo dựng được lòng tin với các đối tác nước ngoài

Khoa học - công nghệ là nội dung then chốt trong mọi hoạt động của tất cả các ngành, các cấp, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng an ninh. Hoạt động khoa học và công nghệ không chỉ là nhiệm vụ của các nhà khoa học - công nghệ, các nhà quản lý khoa học mà là công việc của mọi ngành, mọi cấp, mọi người và các tầng lớp nhân dân.

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã ban hành hàng loạt quyết sách để hỗ trợ, tiếp sức cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ. Qua đó, tạo môi trường và động lực để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhờ vào việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và cải tiến quy trình sản xuất, các doanh nghiệp tại Bình Dương đã có cơ hội mở rộng thị trường ra ngoài biên giới Việt Nam. Ông Lý Thái Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh Bình Dương, cho biết thêm: “Việc tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng như ISO, HACCP không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường quốc tế mà còn tạo dựng được lòng tin với các đối tác nước ngoài. Sự gia tăng về chất lượng sản phẩm đã giúp nhiều doanh nghiệp mở rộng hoạt động xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Bằng cách tiếp tục nâng cao năng suất và duy trì chất lượng, doanh nghiệp Bình Dương có tiềm năng trở thành những đơn vị tiên phong trong các ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam”.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục đầu tư vào các công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và quản lý thông minh sẽ là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp tại Bình Dương duy trì đà phát triển, mở rộng quy mô hoạt động. Tỉnh Bình Dương đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo tính bền vững và khả năng cạnh tranh lâu dài.

Việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trên nền tảng công nghệ 4.0 đã và đang mang lại những thành tựu đáng kể cho các doanh nghiệp tại Bình Dương. Với sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của chính quyền và việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp tại Bình Dương đang khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Với các quy hoạch chiến lược lớn, Bình Dương đẩy mạnh đầu tư, thu hút nguồn lực từ xã hội để tổ chức nghiên cứu một cách rất bài bản, khoa học, phù hợp xu thế và nhu cầu mới, ví dụ như đề án Quy hoạch tổng thể - tích hợp tỉnh Bình Dương đến năm 2030 - tầm nhìn 2050 đang được các viện nghiên cứu của Trung ương và các nhà tư vấn quốc tế tiến hành, đi liền với đó là đề tài quy hoạch logistics thông minh, thực hiện bởi Viện nghiên cứu Logistics Việt Nam và các doanh nghiệp. Tỉnh cũng được Hội đồng Lý luận Trung ương chọn để tổng kết mô hình phát triển trong công cuộc Đổi mới của đất nước, và tầm nhìn định hướng đến năm 2050. 

Từ định hướng của tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp, viện trường được khuyến khích, tạo điều kiện tối đa để xây dựng hàng loạt các cơ sở hạ tầng, dịch vụ thúc đẩy khởi nghiệp, thực nghiệm công nghệ, như Trung tâm ươm tạo và Lab 4.0 tiêu chuẩn quốc tế của Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, xưởng thực nghiệm kỹ thuật 16000m2 của Becamex, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp theo mô hình Singapore Block71 hợp tác giữa Đại học quốc gia Singapore và Tổng công ty Becamex, Trung tâm sản xuất tiên tiến hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Trường Đại học thủ Dầu Một, Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp về nông nghiệp của Phân hiệu trường Đại học Thủy Lợi tại Bình Dương, Trung tâm Thương mại Thế giới với 22000m2 để triển lãm công nghệ,… và gần đây nhất là Khuôn viên mới tiêu chuẩn Đức của Trường Đại học Việt Đức sẽ là hạt nhân của đô thị đại học - đổi mới sáng tạo trong tương lai.

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bình Dương, cho biết: Hai trọng tâm lớn của ngành khoa học công nghệ tỉnh thời kỳ mới là thu hút nguồn lực, kết nối ba nhà. Hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp nâng cao trình độ, giảm thâm dụng lao động, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng tầm năng suất, chất lượng. Hình thành được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở thật sôi động để trong tương lai triển khai các khu khao học công nghệ, hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Xu thế hội nhập và đổi mới công nghệ đặt ra cho Việt Nam những vấn đề rất mới trong quá trình phát triển, đi tắt, đón đầu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Trong thời gian tới, việc đầu tư vào công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tại Bình Dương phát triển mạnh mẽ. Nhờ vào các doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, cùng với các chính sách của tỉnh, Bình Dương sẽ tiếp tục duy trì vị thế là trung tâm công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.

Nguyễn Đồng

Bình luận

Nổi bật

Doanh nghiệp áp dụng 5S và TPM giúp ổn định và nâng cao năng suất

Doanh nghiệp áp dụng 5S và TPM giúp ổn định và nâng cao năng suất

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 18:07

(CL&CS)- Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất được xem là yếu tố quan trọng bên cạnh giải pháp về đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nâng cao năng suất chất lượng: Yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp

Nâng cao năng suất chất lượng: Yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 15:01

(CL&CS)- Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các công cụ cải tiến năng suất, hệ thống quản lý chất lượng... là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng.

Doanh nghiệp ngành thép có chất lượng vượt bậc nhờ áp dụng công cụ nâng cao năng suất

Doanh nghiệp ngành thép có chất lượng vượt bậc nhờ áp dụng công cụ nâng cao năng suất

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 08:21

(CL&CS) - Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã chủ động áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.