Đáng chú ý, trong nửa đầu năm nay, trong khi nhập khẩu cá ngừ của Israel từ các nguồn cung phần lớn đều giảm, nhập khẩu từ Việt Nam tăng. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính luỹ kế đến ngày 15/8/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Israel vẫn tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 25 triệu USD, chiếm 5,6% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ. Israel tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Italy.
Trước đó, vào năm 2019, sau khi có 2 người phải nhập viện vì bị ngộ độc thực phẩm do ăn cá ngừ, người tiêu dùng Israel đã quay lưng với các sản phẩm cá ngừ. Điều này đã khiến doanh số bán cá ngừ tại Israel có xu hướng sụt giảm, tác động tới nhập khẩu cá ngừ chế biến, đóng hộp của Israel. Xu hướng này cũng đã khiến cho xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sụt giảm liên tục trong giai đoạn 2018-2020. Nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã có xu hướng phục hồi. Có thời điểm, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Israel tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên vẫn chưa trở lại được mức của cùng kỳ năm 2018.
So với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu các nhóm sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, thịt/philê cá ngừ đông lạnh của Việt Nam mã HS03048700 vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang thị trường này, với tỷ trọng chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu. Giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường Israel trong 7 tháng đầu năm nay ở mức 5.464 USD/tấn.
Hiện có 8 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Israel, trong đó lớn nhất là TUNA VIETNAM, BIDIFISCO và HAVUCO.
Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Israel như hiện nay, có thể thấy cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam đang rộng mở. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại các thị trường trên thế giới đang phục hồi và tăng trưởng trở lại, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam đang khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn. Hiện rất nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm công suất chế biến do các yêu cầu về biện pháp phòng dịch. Các doanh nghiệp đều đang phải vừa phòng chống dịch Covid-19 len lỏi sâu rộng vào các nhà máy, vừa cố gắng duy trì sản xuất và xuất khẩu.
Và với tình hình như hiện nay, theo các doanh nghiệp, rất khó có thể duy trì được sự tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có thị trường xuất khẩu tiềm năng Israel. Điều này có thể thấy rõ qua kết quả xuất khẩu trong nửa đầu tháng 8, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Israel đang giảm 19% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện tại, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng so với cùng kỳ là nhờ sự bù đắp từ nhưng tháng trước đó. Do đó, để có thể tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng xuất khẩu, buộc doanh nghiệp phải ổn định lại sản xuất và không chật vật lo chống đỡ dịch bệnh bị lan tràn vào đội ngũ công nhân, người lao động.