Vay tiền ngân hàng mua nhà: Mỏi mòn chờ giải ngân

(CL&CS)-Nhiều ngân hàng đang siết dần cho vay bất động sản bằng nhiều cách. Động thái này khiến cho người có nhu cầu vay tiền mua nhà vất vả xoay trở. Thậm chí, những tưởng đã đáp ứng đủ các điều kiện cho vay, nhiều người lại ngậm ngùi trong vô vọng khi thời gian chờ được giải ngân quá chậm.

 

Trong những năm gần đây, việc sở hữu nhà tại các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội,… trở nên khó khăn đủ đường. Để chớp lấy cơ hội khi tìm được nhà có giá trị phù hợp với khả năng tài chính, nhiều người không ngần ngại chọn vay ngân hàng nhưng kết quả không như mong đợi.

Nguy cơ ngậm ngùi bỏ cọc nhà hoặc tìm hướng vay khác

Nhiều trường hợp cho thấy, vì tin tưởng vào tiến độ giải ngân của hàng, người mua nhà sẵn sàng đặt cọc trước cho chủ nhà, cũng có thể xem đây là cách mà họ “giữ phần” cho riêng mình. Tuy nhiên, câu trả lời từ ngân hàng đều chỉ là “những cái hẹn” vì ngân hàng đã “cạn” room tín dụng.

Mỏi mòn chờ được ngân hàng giải ngân, không ít người phải chạy vạy khắp nơi tìm nguồn vay mới để thanh toán tiền cho chủ nhà. Một số khác đôi khi còn “ngậm ngùi” bỏ cọc nhà trước đó vì đã hết thời gian thanh toán.

Chị Vân Anh sống tại TP.HCM chia sẻ: “Cứ đinh ninh với nguồn thu nhập ổn định của tôi tương đối cao thì thủ tục vay ngân hàng mua nhà không gặp nhiều khó khăn. Đâu ngờ rằng thời gian giải ngân khiến tôi đợi chờ trong vô vọng vì đã đặt cọc cho chủ nhà. Tôi đã phải hết lời năn nỉ chủ nhà nhằm kéo dài thêm thời gian thanh toán, nếu còn tiếp tục chậm trễ, có lẽ tôi đành tìm nguồn vay khác hoặc thậm chí phải bỏ cọc.”

Không chỉ riêng với các cá nhân mới gặp khó khăn trong việc vay tiền ngân hàng, với các doanh nghiệp, họ cũng gặp các vấn đề về tiến độ giải ngân. Có trường hợp dự án đang trong tiến độ thanh toán thì ngân hàng ngừng giải ngân, khiến cả chủ đầu tư lẫn người mua đều chới với.

Mục đích vay đôi khi không phải là nguyên nhân chính khiến việc giải ngân diễn ra chậm trễ. Nhiều ngân hàng trong nước cho biết, room tín dụng của họ dần “cạn kiệt” và vẫn đang mong chờ được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong thời gian sớm nhất. Từ khi chính sách “siết tín” dụng bất động sản được áp dụng, nhiều ngân hàng cũng “siết” trong việc phê duyệt các hồ sơ vay, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp vay và thời gian giải ngân chậm hơn. Đối với những ngân hàng vẫn còn room tín dụng, họ chỉ ưu tiên cho những khách hàng VIP lâu năm, tuy nhiên lãi suất sẽ tăng khoảng 1-2% so với trước.

Ngân hàng đồng loạt xin được nới room tín dụng

Mặc dù, được mong đợi là giải pháp hạ nhiệt thị trường, đồng thời bảo vệ hệ thống tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế dù áp dụng chủ trương siết tín dụng đối với thị trường bất động sản thì giá nhà đất vẫn “neo” ở mức cao, chưa có dấu hiệu “quay đầu”.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết thị trường nhà ở tại TP.HCM tháng 4 vừa qua đã chứng kiến mức tăng giá mạnh 5-10% chỉ trong vòng một tháng.

Về phía cơ quan quản lý, ngay từ đầu năm, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14% nhỉnh hơn so với kết quả đạt được trong năm 2021. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể điều chỉnh vào cuối năm tùy vào tình hình thực tế.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng cao trong quý I cho thấy nền kinh tế đang có tín hiệu rất tích cực, đồng thời chứng minh các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ rất hiệu quả; đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp cũng đã trở lại bình thường. 

Bước qua “bóng đêm” dịch bệnh Covid-19 phủ đầy nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp khởi động lại với nhu cầu tín dụng rất cao, được ví như cơn khát sau trận hạn hán. Vì thế với room tín dụng như hiện tại chắc chắn không thể nào đáp ứng đủ.

Năm 2022, nhiều tổ chức phân tích ước tính tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức cao hơn khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục. Do vậy, các ngân hàng cũng sẽ được cấp room tín dụng nhiều hơn nhằm tạo điều kiện mở rộng cho vay, hỗ trợ khách hàng. Trong đó, những nhà băng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém như Vietcombank và MB sẽ có cơ hội tăng trưởng ở mức rất cao.

Nếu không khắc phục tình trạng này, thị trường sẽ còn đối mặt với “lệch pha” cung – cầu trong thời gian dài. Thực tế này sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với các dự án đầu tư vào bất động sản như trước. Đó là lý do PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần xem xét tín dụng bất động sản một cách linh hoạt, phù hợp, từ đó siết một cách có chọn lọc thay vì cào bằng mọi đối tượng.

Có đề xuất cho rằng thay vì siết, Chính phủ nên đẩy mạnh cho vay với những người mua nhà có nhu cầu ở thực, đặc biệt trong giao dịch sản phẩm thuộc dự án chung cư bình dân, trung cấp, ưu đãi với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.