Triển khai áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về Nông nghiệp hữu cơ

(CL&CS)- Trong những năm gần đây, mặc dù dại dịch Covid-10 diễn biến phức tạp, nhưng việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về Nông nghiệp hữu cơ cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam vẫn được quan tâm. Nhà nước quan tâm hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo TCVN 11041.

Đã có 05 đơn vị  được tư vấn, đào tạo, hướng dẫn áp dụng, đó là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thủy sản Quyết Thắng, Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Lúa Tôm Trí Lực, Hợp tác xã Chăn nuôi động vật bản địa, Hợp tác xã Chè Nhật Thức, Trang trại GenXanh). Các đơn vị này hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt  và chăn nuôi: chè, lúa, tôm, sữa. Và sau khi được đánh giá cả 5 đơn vị này đều đủ điều kiện chứng nhận chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ và được tổ chức chứng nhận cấp Giấy chứng nhận chuyển đổi. Trên thế giới sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngày càng được quan tâm và phát triển. Những sản phẩm sản xuất theo phương thức này được ưa chuộng, ưu tiên và đôi khi là điều kiện để được nhập khẩu vào các thị trường khó tính. Ở Việt Nam chúng ta, những năm gần đây cũng đã xuất hiện xu thế ưa chuộng các thực phẩm ‘sạch”. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chính là sự lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng Việt Nam ngày nay. Nói đến nông nghiệp hữu cơ không chỉ nói đến việc đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, mà cần nhấn mạnh đến tác dụng to lớn của nó trong việc bảo vệ môi trường, sinh thái.

Ảnh minh họa.

Chúng tôi có dịp làm việc với 2 đơn vị trong số 5 đơn vị được nhà nước tư vấn hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đó là Hợp tác xã Chè Nhật Thức và Hợp tác xã Chăn nuôi động vật bản địa.

Hợp tác xã Chè Nhật Thức là đơn vị thực hiện dự án trong phạm vi: Trồng, chế biến chè hữu cơ. Để thực hiện được dự án, Hợp tác xã đã được đào tạo nhận thức, kỹ năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng và thực thi hệ thống văn bản quản; đào tạo và đánh giá nội bộ,...Kết quả bước đầu thực hiện tương đối khả quan. Lãnh đạo, các hộ trong Hợp tác xã  nâng cao được nhận thức, và đặc biệt là kỹ năng thực hành  sản xuất  nông nghiệp hữu cơ. Chất lượng sản phẩm chè của Hợp tác xã được nâng cao rõ rệt sau khi áp dụng, đảm bảo  an toàn, vệ sinh do không sử dụng thuốc trừ dịch hại, sử dụng phân hữu cơ,... Tuy nhiên một số chỉ tiêu về hình thức (như màu sắc), cảm quan (vị) chưa được như mong đợi, nhưng được xác định cũng chỉ là  tạm thời ban đầu khi có thay đổi hình thức canh tác. Hợp tác xã cho rằng sau một thời gian các chỉ tiêu này sẽ được cải thiện. Cây chè khỏe hơn, chịu sâu bệnh tốt hơn. Việc sản xuất hữu cơ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Việc chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ,... góp phần về lâu dài cải tạo đất, chống  thoái hóa, bảo vệ các sinh vật có lợi góp phần cải thiện chất lượng đất canh tác và cân bằng sinh thái tự nhiên.

Hợp tác xã Chăn nuôi động vật bản địa  áp dụng của dự án: Trồng bưởi hữu cơ, cũng được đào tạo về nhận thức và kỹ năng canh tác nông nghiệp hữu cơ. Kết quả thực hiện ban đầu cũng khá khả quan. Nhận thức, kỹ năng thực hành của người lao động được nâng cao rõ rệt. Hệ thống tài liệu/ quy trình được xây dựng giúp Hợp tác xã quản lý và thực hành tốt việc trồng bưởi hữu cơ  tại Hợp tác xã hiện tại và lâu dài. Chất lượng sản phẩm sau khi áp dụng trồng trọt hữu cơ, theo đánh giá của lãnh đạo Hợp tác xã thì chất lượng của các loại bưởi không thua kém bưởi gốc. Tuy nhiên do thời gian áp dụng sản xuất hữu cơ còn ngắn, nên chưa xác định được sự khác biệt nhiều. Song các chỉ tiêu liên quan đến an toàn, vệ sinh chắc chắn được nâng cao do không sử dụng thuốc trừ dịch hại, phân hóa học... Chất lượng về lâu dài sẽ ổn định và tốt hơn. Cây  khỏe hơn, ít sâu bệnh hơn. Về hiệu quả kinh tế, năng suất thời gian đầu áp dụng có suy giảm; giá bán thấp chỉ bằng khoảng 30% so với bưởi nguyên gốc do người tiêu dùng chưa biết phân biệt bưởi hữu cơ;...Tuy nhiên tình trạng này được xác định chỉ ở giai đoạn đầu chuyển đổi. Về lâu dài sẽ được cải thiện hơn. Dự án giúp  bảo vệ môi trường, sinh thái. Về lâu dài chất lượng đất được cải thiện, đất không bị thoái hóa, cải thiện chất lượng đất canh tác và cân bằng sinh thái tự nhiên.

Một đơn vị khác được hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn đó là Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Lúa - Tôm Trí Lực.  Đây là một cơ sở có các hộ thành viên là người bản địa, có kinh nghiệm lâu năm trong nuôi tôm trên ruộng lúa với sự liên kết sản xuất chặt chẽ dựa trên sự thống nhất quan điểm và mục đích với mục tiêu là phát triển sản xuất nông nghiệp sinh thái tiến tới nông nghiệp hữu cơ tạo sinh kế lâu bền, cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường. Với các điều kiện phù hợp, Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Lúa - Tôm Trí Lực đã được thực hiện khảo sát, đánh giá và lựa chọn làm một trong những cơ sở mô hình điểm cho áp dụng và chứng nhận nuôi tôm hữu cơ (quảng canh trên ruộng lúa) phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 11041. Hoạt động nuôi tôm quảng canh trên ruộng lúa tại các hộ dân thuộc Hợp tác xã có lịch sử sản xuất sạch, không sử dụng các loại vật tư, hóa chất có nguồn gốc hóa học trong nhiều năm. Đất trồng lúa, nước nuôi tôm và sản phẩm tôm nuôi (tôm càng xanh và tôm sú) thông qua kết quả phân tích mẫu cho thấy không có tồn dư hóa chất độc hại cũng như không được phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, độ phì đất trồng lúa và chất lượng nước nuôi tôm ổn định cũng là điều kiện lý tưởng cho việc áp dụng nuôi tôm hữu cơ đáp ứng các yêu cầu liên quan của tiêu chuẩn. Ruộng lúa của các hộ trong hợp tác xã được quy hoạch khá đồng bộ và liền kề nhau tạo điều kiện giảm thiểu việc hình thành vùng đệm ngăn cách với các hộ sản xuất khác không áp dụng sản xuất hữu cơ. Đây là những thuận lợi to lớn cho các hộ nuôi tôm của Hợp tác xã thực hiện áp dụng, chuyển đổi sang nuôi tôm quảng canh hữu cơ trong ruộng lúa. Tuy nhiên, đối với hoạt động áp dụng, chuyển đổi và chứng nhận nuôi tôm hữu cơ, nguồn con giống tôm hữu cơ là bài toán khó khăn và nan giải nhất đối với người nuôi tôm. Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ sở nào cung cấp được con giống tôm càng xanh cũng như tôm sú hữu cơ cho người nuôi tôm hữu cơ để đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn. Đây là thách thức đối với ngành thủy sản trong quá trình thúc đẩy phát triển và nhân rộng hình thức nuôi thủy sản hữu cơ. Sau một thời gian thực hiện, Hơp tác xã đã được đánh giá xác nhận chuyển đổi sang nuôi tôm quảng canh hữu cơ trong ruộng lúa theo bộ tiêu chuẩn  TCVN 11041.

Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo  TCVN 11041 cần tiếp tục được phát triển ở Việt Nam. Hy vọng các đơn vị trên vượt qua được những khó khăn ban đầu, duy trì và hoàn thiện mô hình sản xuất hữu cơ để làm mô hình điểm cho các đơn vị khác noi theo./.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

TIN LIÊN QUAN