Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh đầu tư tiềm năng trong dài hạn

(CL&CS) - Thị trường trái phiếu đang trải qua giai đoạn trầm lắng do phát hiện loạt sai phạm trong hoạt động phát hành của các doanh nghiệp. Giới chuyên gia khuyên các nhà đầu tư nên đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, không nên để lãi suất cao cám dỗ, từ đó có quyết định lựa chọn được loại trái phiếu tốt nhất và đạt hiệu quả nhất.

Trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng

Hoạt động quản lý chặt chẽ từ cơ quan Nhà nước đã khiến thị trường trái phiếu có dấu hiệu giảm nhiệt sau một thời gian dài tăng trưởng nóng. Nhiều sai phạm được chỉ ra liên quan đến nhiều doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn, trong đó, nổi bật nhất là Tân Hoàng Minh diễn ra vào hồi tháng 4/2022 và mới đây là tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Điều này đã và đang tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư cũng như hoạt động phát hành mới của doanh nghiệp.

Tuy nhiên về dài hạn, trái phiếu doanh nghiệp vẫn được nhận định là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư trong dài hạn.

Thực tế, dù có tốc độ tăng trưởng bình quân 46% trong 5 năm qua, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP). Trong khi đó, Việt Nam vẫn có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng nên rất cần vốn trung và dài hạn, còn hệ thống ngân hàng thương mại đang quá sức trong việc tài trợ nhu cầu vốn này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, với nền kinh tế vĩ mô phát triển, thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp trong nước là một thị trường đầy tiềm năng. Tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được Chính phủ xác định rõ trong đề án phát triển với tầm nhìn đến năm 2030 đạt quy mô 20% GDP. Theo dữ liệu và đánh giá của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), với tốc độ tăng trưởng những năm gần đây, quy mô này hiện đã đạt khoảng 15% GDP, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng khi so sánh với các nước trong khu vực. Cụ thể tại Malaysia, quy mô này đã đạt tới 56% GDP, Singapore đạt 38% GDP, Thái Lan đã đạt 25% GDP…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Các chuyên gia cũng nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp 9 tháng đầu năm nay có sụt giảm sau khi xảy ra những sự kiện tiêu cực. Nhưng thị trường nhiều tiềm năng và trái phiếu doanh nghiệp là kênh thu hút vốn quan trọng cho phát triển kinh tế.

Đặc biệt, sau khi các phát sinh trên thị trường được xử lý, Bộ Tài chính vào cuộc rà soát và giám sát tích cực, cũng như thông điệp bảo đảm lợi ích nhà đầu tư mà Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh nói trên, cơ sở pháp lý được kiện toàn thêm qua Nghị định 65 vừa ban hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại 2023 với những bước bền vững hơn.

Theo nghiên cứu của chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 700.000 – 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn. Nguồn vốn này không bao gồm phần vốn tín dụng từ ngân hàng. Ông nhấn mạnh: "Vì vậy, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng, vấn đề là điều tiết thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thế nào để phát triển lành mạnh hơn”.

Thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường

Để tạo tiền đề cho thị trường trái phiếu hoạt động an toàn và hiệu quả, ngày 16/09/2022 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP bổ sung sửa đổi cho Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ. Điều này là một điểm tích cực đối thị trường vốn trong dài hạn.

Theo đánh giá của FiinGroup, Nghị định 65 sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù kênh vốn tín dụng ngân hàng cũng được nới ở mức độ nhất định nhưng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản và năng lượng.

Nghị định 65 giúp thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh hơn

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của ngành này đang rất yếu, thậm chí có những tháng chỉ có 1, 2 đợt phát hành của ngành, bởi vậy Nghị định 65 ra đời sẽ tạo động lực cho các nhà phát hành đủ điều kiện nhanh chóng xây dựng phương án chào bán trái phiếu.

Trong báo cáo vừa phát hành, FiinRatings cũng dự tính, sau khi tâm lý thị trường dần ổn định qua các sự vụ mà cơ quan chức năng vừa xử lý, Nghị định 65 với cơ chế mới dần đi vào thực tiễn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở lại phát huy giá trị của một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Đây được coi là một kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư bên cạnh kênh tiết kiệm truyền thống, nhất là khi trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được kiện toàn về các tiêu chí an toàn theo Nghị định 65 và có lợi tức hấp dẫn hơn.

Báo cáo phân tích của FiinGroup kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022 tới đây khi Nghị định 65 được ban hành với quy định pháp lý rõ ràng, minh bạch cho nhà phát hành lẫn nhà đầu tư. “Dự kiến năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những thay đổi về chất theo xu hướng phát hành đại chúng sẽ tăng trưởng mạnh về quy mô, nhất là từ các doanh nghiệp có hồ sơ kinh doanh tốt và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng của họ trên thị trường”, báo cáo viết.

Nhà đầu tư cần nâng cao nhận thức để kiểm soát rủi ro

Theo các chuyên gia tài chính, không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tạo ra một loại hình đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư cá nhân, bên cạnh các sản phẩm đầu tư truyền thống.

Tuy nhiên, lợi nhuận cao cũng sẽ song hành với rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư cần nâng cao nhận thức và hiểu biết để kiểm soát rủi ro, nhất là nhà đầu tư cá nhân vốn có ít lợi thế về thông tin và kỹ năng nghiệp vụ phân tích tài chính.

Nhà đầu tư cần cân nhắc khi lựa chọn đầu tư trái phiếu

Khuyến nghị về vấn đề này, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương cho rằng đầu tiên nhà đầu tư nên chọn mua trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu đã có lịch sử phát triển bền vững trong nhiều năm. Thông thường lãi suất trái phiếu phát hành bởi những tổ chức này thường chỉ cao hơn 1-2%/năm so với lãi suất tiết kiệm, nhưng lại là một sự lựa chọn tương đối an toàn cho nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần xem xét kỹ tính chuyên nghiệp của tổ chức tư vấn phát hành, đơn vị trung gian giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư để đảm bảo minh bạch thông tin cho nhà đầu tư ra quyết định.

Để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư nên cẩn trọng với những trái phiếu không minh bạch thông tin về tổ chức phát hành, đặc điểm trái phiếu, các điều kiện và yếu tố rủi ro của trái phiếu. Lãi suất chào lại cao là dấu hiệu trái phiếu tiềm ẩn rủi ro lớn.

Theo ông Dương, qua theo dõi của Bộ Tài chính, thời gian qua có tình trạng một số doanh nghiệp đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn dù tình hình tài chính còn yếu. Đặc biệt, rủi ro lớn nhất trên thị trường hiện nay là nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu nhưng vẫn tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp.

"Do đó, Bộ Tài chính đã nhiều lần khuyến cáo nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Không nên mua chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao" - ông Dương nói.

Với những thông tin tiêu cực trên thị trường trái phiếu thời gian qua, đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương khuyến nghị nhà đầu tư cần bình tĩnh và xem xét kỹ các vấn đề nêu trên để phân loại được các trái phiếu tốt và trái phiếu kém chất lượng.

Nhà đầu tư không nên bán tháo khi chưa hiểu rõ bản chất trái phiếu để tránh gây thiệt hại về tài chính cho bản thân. Với các trái phiếu chất lượng cao, nhà đầu tư thậm chí có thể có cơ hội mua trên các thị trường thứ cấp và nắm giữ lâu dài với mức giá đã chiết khấu.