Tối ưu hóa hiệu suất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhờ công cụ VSM

(CL&CS) - Trong bối cảnh kinh tế ngày càng cạnh tranh, các doanh nghiệp sản xuất đang phải đối mặt với áp lực lớn trong việc nâng cao hiệu suất hoạt động, cải thiện năng suất lao động và bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra. Muốn đạt được mục tiêu này, một trong những công cụ hiệu quả và được áp dụng rộng rãi trong hệ thống sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing) chính là Value Stream Mapping (VSM), hay còn gọi là Sơ đồ dòng giá trị.

VSM (Quản lý chuỗi giá trị- Value Stream Mapping) là một phương pháp hiểu một quy trình theo các hoạt động tạo ra giá trị (so với các hoạt động không tạo ra giá trị như chờ xử lý, di chuyển trong cơ sở, thời gian thiết lập, làm lại, phân loại...) từ đó thiết kế, cải tiến trạng thái với ít lãng phí hơn và thời gian thực hiện ngắn hơn.

Giúp doanh nghiệp nhận diện ra những điểm lãng phí trong hệ thống sản xuất

Phương pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp nhìn thấy toàn bộ dòng chảy giá trị từ đầu vào đến đầu ra, mà còn cho phép nhận diện và loại bỏ những yếu tố không tạo ra giá trị trong quy trình sản xuất. Với ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề, từ sản xuất ô tô, linh kiện điện tử cho đến dệt may và thực phẩm, VSM đã chứng minh là một công cụ không thể thiếu trong việc cải thiện quy trình sản xuất và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 VSM giúp hiển thị rõ ràng cả những hoạt động có giá trị lẫn không có giá trị gia tăng, từ đó giúp doanh nghiệp nhận diện ra những điểm lãng phí trong hệ thống sản xuất. Việc nhận diện này là tiền đề cho các hành động cải tiến sâu rộng. Lợi ích lớn nhất mà VSM mang lại là giúp tổ chức thấy được “bức tranh tổng thể” thay vì chỉ tập trung vào từng công đoạn riêng lẻ. Qua đó, doanh nghiệp không chỉ tối ưu hóa từng bước mà còn đảm bảo sự liên kết và mạch lạc trong toàn bộ dòng giá trị.

Khi triển khai VSM, doanh nghiệp thường bắt đầu bằng việc xác định một dòng sản phẩm cụ thể để phân tích. Sau đó, người thực hiện sẽ tiến hành vẽ sơ đồ dòng giá trị hiện trạng (Current State Map), thể hiện tất cả các bước trong quy trình sản xuất, từ tiếp nhận đơn hàng, chuẩn bị nguyên vật liệu, sản xuất, kiểm tra chất lượng đến khâu giao hàng.

Các hoạt động giá trị được tăng cường

Trong quá trình này, các chỉ số như thời gian chu kỳ (cycle time), thời gian chờ (waiting time), tồn kho giữa các công đoạn và tỷ lệ lỗi sẽ được ghi nhận đầy đủ. Từ bản đồ hiện trạng, nhóm cải tiến sẽ xác định được những điểm tắc nghẽn, lãng phí về thời gian, không gian, nguồn lực hoặc nhân lực. Dựa vào đó, họ thiết kế bản đồ dòng giá trị tương lai (Future State Map), trong đó thể hiện quy trình đã được tối ưu hóa – nơi các bước không mang lại giá trị được loại bỏ hoặc giảm thiểu, các hoạt động giá trị được tăng cường, và luồng giá trị được sắp xếp hợp lý hơn.

Để làm rõ hơn hiệu quả thực tế của VSM, ví dụ điển hình tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam Corporation, là đơn vị thành viên của Tập đoàn Nidec – một trong các nhà sản xuất động cơ chính xác hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, công ty sản xuất nhiều loại mô‑tơ spindle tốc độ cao, động cơ voice coil motor (VCM) và cảm biến ứng dụng trong các thiết bị điện tử, y tế, ô tô và tự động hóa công nghiệp.

Doanh nghiệp này được xem là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) điện tử, Nidec đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào nhiều dự án tại các khu công nghiệp, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực then chốt như sản xuất mô-tơ điện, hệ thống truyền động cho thiết bị điện tử và các linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô, điện tử và gia dụng. Với hơn 15.000 nhân viên làm việc trong hệ thống nhà máy tại Việt Nam, Nidec đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành CNHT điện tử cũng như nền kinh tế Việt Nam.

Dựa trên bản đồ hiện trạng, nhóm đề xuất sơ đồ tương lai (Future State Map) với nhiều cải tiến toàn diện. Họ tổ chức lại luồng sản xuất theo nguyên tắc một chiều và liên tục, các điểm kiểm tra chất lượng được phân bổ đều dọc theo dây chuyền thay vì chỉ tập trung cuối cùng. Công đoạn dán linh kiện SMT hoặc đo thử điện được tự động hóa hoặc bán tự động nhằm giảm thao tác thủ công. Nhà máy áp dụng hệ thống hiển thị trực quan theo thời gian thực (visual board) để công nhân và quản lý theo dõi tiến độ đơn hàng tại chuyền sản xuất, từ đó phản ứng nhanh với sự cố . Từ đó, nhóm giảm tồn kho trung gian bằng cách cân bằng chuyền sản xuất và áp dụng kanban nội bộ, đảm bảo nguyên liệu được cung cấp đúng kịp thời điểm cần thiết. Họ cũng sắp xếp lại layout nhà xưởng để giảm lãng phí chuyển động và chờ đợi.

Sau 3‑4 tháng áp dụng các cải tiến theo sơ đồ VSM tương lai, kết quả rõ rệt. Năng suất sản xuất hàng ngày tăng hơn 20%, sản phẩm hoàn thành mỗi ca tăng từ mức kế hoạch ban đầu lên mức cao hơn rõ rệt. Tỷ lệ lỗi nội bộ giảm xuống dưới 3%. Lượng tồn kho giữa các công đoạn giảm gần 50%, giải phóng diện tích lưu kho và cải thiện dòng tiền. Thời gian chu trình sản xuất (lead time) bị rút ngắn mạnh, giúp tăng tỷ lệ giao hàng đúng hạn lên đến gần 95%. Các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc của Nidec công nhận cải thiện hiệu suất này, đồng thời họ đã giao thêm các đơn hàng có yêu cầu cao về độ chính xác và chất lượng.

Một trong những mảng kinh doanh cốt lõi của Nidec tại Việt Nam là sản xuất và lắp ráp các linh kiện hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử. Tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), Nidec đã đầu tư vào 5 dự án lớn với tổng vốn 246,5 triệu USD, trong đó 4 dự án hiện đang hoạt động hiệu quả. Các nhà máy của Nidec tại SHTP không chỉ sản xuất mô-tơ và linh kiện điện tử mà còn phát triển các thiết bị có độ chính xác cao phục vụ nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Đặc biệt, mô-tơ điện không chổi than (BLDC) là một sản phẩm chiến lược của Nidec tại Việt Nam, phục vụ cho các thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng và xe điện.

Trong dự án Nidec Techno Motor Vietnam, được đầu tư 200 triệu USD với diện tích 6,4 ha, Nidec tập trung sản xuất các loại mô-tơ điện không chổi than, dự kiến sẽ đóng góp lớn cho ngành công nghiệp ô tô điện, xe máy điện và các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Dự án này bắt đầu từ năm 2018 và chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2019, tạo tiền đề cho Nidec phát triển các sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam, đồng thời đóng góp vào mục tiêu của Việt Nam trong việc phát triển năng lượng sạch và bền vững.

Nidec cũng là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về động cơ cho ổ cứng máy tính. Tại Việt Nam, công ty sản xuất nhiều loại động cơ khác nhau, từ động cơ cho ổ cứng HDD truyền thống đến động cơ cho ổ cứng SSD tốc độ cao. Ví dụ như động cơ spindle có nhiệm vụ quay đĩa cứng với tốc độ cao và ổn định, đảm bảo cho việc đọc/ghi dữ liệu diễn ra chính xác. Nidec Việt Nam sản xuất các loại động cơ spindle với tốc độ quay lên đến 15.000 vòng/phút, đáp ứng yêu cầu của các ổ cứng dung lượng lớn. Hay như động cơ voice coil motor (VCM) giúp điều khiển chuyển động của đầu đọc/ghi dữ liệu trên bề mặt đĩa cứng. Nidec Việt Nam sản xuất các loại VCM với độ chính xác cao, giúp tăng tốc độ truy xuất dữ liệu và giảm thiểu tiếng ồn.

Nidec Việt Nam cũng cung cấp các linh kiện quan trọng cho các thiết bị quang học như máy ảnh, máy quay phim, đầu đọc đĩa... như: Mô-tơ lấy nét tự động giúp điều chỉnh tiêu cự của ống kính để tạo ra hình ảnh sắc nét. Nidec Việt Nam sản xuất các loại mô-tơ lấy nét với kích thước nhỏ gọn, độ chính xác cao và tiêu thụ năng lượng thấp. Hay như mô-tơ zoom điều khiển việc phóng to thu nhỏ hình ảnh. Nidec Việt Nam sản xuất các loại mô-tơ zoom với khả năng vận hành êm ái và độ bền cao.

Trong tương lai, Nidec kỳ vọng sẽ phát triển hệ sinh thái CNHT điện tử tại Việt Nam, xây dựng một mạng lưới các nhà cung cấp và đối tác địa phương nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Điều này không chỉ giúp Việt Nam củng cố vị thế trong ngành CNHT điện tử mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam, tạo điều kiện cho nền công nghiệp nước nhà phát triển bền vững trong thời đại công nghệ cao.

TIN LIÊN QUAN