Xôn xao vụ chuyển nhượng Dự án Khu dân cư Đại Nam của ông “Dũng lò vôi”
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, ngày 27/9, ông Huỳnh Uy Dũng cho biết, mạng xã hội chia sẻ thông tin về việc Công ty Cổ phần Đại Nam chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Đại Nam tại Bình Phước thu về hơn 2.400 tỷ đồng là không chính xác.
Theo ông Dũng, Dự án khu dân cư Đại Nam tại huyện Chơn Thành (Bình Phước) do Công ty TNHH MTV Tân Khai (thành viên của Đại Nam Group) làm chủ đầu tư.
Hồi tháng 5 vừa qua, Công ty Tân Khai ký hợp đồng ghi nhớ với Công ty cổ phần Vinasing Group (trụ sở tại Hà Nội) về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với tổng giá trị hợp đồng dự kiến là trên 2.400 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Uy Dũng là người đứng ra ký với Chủ tịch HĐQT Công ty Vinasing Group Lê Minh Thơ. Theo hợp đồng, Ngân hàng Phương Đông (OCB) chi nhánh Bình Dương là trung gian thanh toán.
Tuy nhiên, cũng trong tháng 5, ông Huỳnh Uy Dũng tiếp tục ký văn bản gửi Công ty Vinasing Group thông báo về việc chấm dứt hợp đồng ghi nhớ đã ký vì bên mua không chuyển tiền cọc như cam kết.
"Thông tin công ty chúng tôi bán đất ở dự án khu dân cư Đại Nam ở Bình Phước, không biết từ đâu ra và nhằm mục đích gì nhưng nó không chính xác", đại diện Công ty Cổ phần Đại Nam nói.
Được biết, Dự án khu dân cư Đại Nam nằm trên mặt tiền quốc lộ 13 tại huyện Chơn Thành, Bình Phước có diện tích khoảng 100ha, đã được đầu tư hạ tầng.
Trong năm 2019 và 2020, UBND tỉnh Bình Phước đã có quyết định (3 đợt) chấp thuận cho chủ đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho người sử dụng đất tự xây dựng nhà ở. Tổng số nền đất được phép chuyển nhượng gần 2.500 nền và đã được phép mở bán.
Đồng Nai thu hồi 2 khu đất của IDICO và Sông Đà Đồng Nai
UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành hai quyết định về việc thu hồi đất của CTCP Sông Đà Đồng Nai và CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển vật liệu IDICO.
Cụ thể, quyết định số 2512 thu hồi 1.932m2 (chưa trừ hơn 170m2) nằm trong hàng lang an toàn lưới điện của CTCP Sông Đà Đồng Nai tại phường An Bình, TP Biên Hòa.
Quyết định số 2508 thu hồi 9.778m2 đất của CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển vật liệu IDICO tại xã Long An, huyện Long Thành đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2014.
Lý do thu hồi, cả 2 khu đất của 2 doanh nghiệp này hết thời hạn thuê đất nhưng không được gia hạn theo quy định tại Điều 65 Luật Đất đai 2013.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên Môi trường công bố quyết định, thanh lý hợp đồng thuê đất, chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý chặt chẽ khu đất sau khi thu hồi đối với 2 khu đất. Đồng thời, yêu cầu 2 công ty khẩn trương di dời tài sản trên đất để bàn giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ quan quản lý.
UBND TP Biên Hòa và UBND huyện Long Thành cũng như các đơn vị liên quan giám sát, đôn đốc việc di dời tài sản của doanh nghiệp trong thời giạn cho phép. Trường hợp hai doanh nghiệp không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế di dời theo quy định.
Lâm Đồng “khai tử” dự án Khu thưởng lãm cà phê của ông Đặng Lê Nguyên Vũ
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết về việc chấm dứt dự án đầu tư Khu Thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An của Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên.
Khu Thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An tọa lạc tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Dự án này có diện tích 15.529 m2 với tổng vốn đầu tư 33 tỷ đồng, trong đó vốn công ty 15 tỷ đồng và vốn huy động khác là 18 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm. Người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên (Công ty Trung Nguyên) là ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, việc chấm dứt hoạt động dự án này là thực hiện theo Kết luận Thanh tra số 9097/KL-BKHĐT của Thanh tra Bộ Kế hoạch - Đầu tư vì dự án của Công ty Trung Nguyên chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty Trung Nguyên có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án và thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định.
Sở Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm thu hồi Quyết định số 2322/QĐ-UBND ngày 26/10/2017 và thực hiện các thủ tục chấm dứt dự án; Sở Tài nguyên - Môi trường thực hiện quy trình thủ tục thu hồi đất đã cho Công ty Trung Nguyên thuê và giao UBND huyện Bảo Lâm quản lý.
UBND huyện Bảo Lâm có trách nhiệm giám sát việc chấp hành của chủ đầu tư trong việc chấm dứt hoạt động dự án và quản lý diện tích đất được giao sau khi thu hồi từ Công ty Trung Nguyên.
Bình Phước cảnh báo mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng
Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước vừa có thông báo số 2814 cảnh báo về việc lập vi bằng mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn.
Theo Sở này, qua nắm bắt thông tin cho thấy, trên địa bàn có hiện tượng người dân thực hiện mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng. Tuy nhiên, việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội được quy định tại Điều 19 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội ghi rõ người thuê nhà ở xã hội không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian thuê nhà theo hợp đồng đã ký với bên cho thuê.
Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước (trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư) hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội (trong trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở.
“Do đó, việc mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành”, Sở Xây dựng Bình Phước thông tin.
Sở Xây dựng Bình Phước đề nghị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao dịch về nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trước khi thực hiện giao dịch cần yêu cầu chủ dự án (chủ đầu tư) cung cấp đầy đủ thông tin về tính pháp lý của dự án, các loại giấy tờ như: giấy đăng ký kinh doanh, chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 kèm bản vẽ chi tiết...
Cam Lâm (Khánh Hòa) hủy nhiều quyết định chuyển mục đích sử dụng đất
UBND Huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) vừa ra quyết định hủy 4 quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn.
Cụ thể, UBND huyện Cam Lâm hủy quyết định về việc cho ông Lương Công Dân, ông Vũ Đình Chinh chuyển mục đích sử dụng đất tại thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây; hủy quyết định về việc cho phép bà Đỗ Thị Như Trâm chuyển mục đích sử dụng đất tại thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây; hủy quyết định cho phép bà Trần Thị Phương, ông Lương Công Danh chuyển mục đích sử dụng đất tại thị trấn Cam Đức.
UBND huyện Cam Lâm giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chuyển thông tin đến Chi cục thuế Khu vực Nam Khánh Hòa hoàn trả lại số tiền thuế và lệ phí trước bạ việc chuyển mục đích sử dụng đất mà các cá nhân trên đã nộp vào ngân sách nhà nước.
Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Cam Lâm hủy thông tin chính lý hồ sơ địa chính đối với hồ sơ chuyển mục đích tại các thửa đất nói trên.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa họp, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Trí Tuân (Phó chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016-2021) và bà Lê Phạm Thùy Ngân (Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm); thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Lê Anh Tùng (Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cam Lâm).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Lương Dự (nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Cam Lâm) và ông Nguyễn Hữu Hảo (Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Ủy viên Đảng đoàn HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2020-2025, nguyên Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016-2021).
Thành viên Tập đoàn Hoà Phát sắp xây 9.000 căn nhà ở xã hội tại KCN Yên Mỹ II
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên vừa hoàn thành mở thầu dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Khu công nghiệp Yên Mỹ II với duy nhất một nhà đầu tư tham gia là CTCP Phát triển Đô thị Hòa Phát Yên Mỹ.
Theo công bố, Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Khu công nghiệp Yên Mỹ II được thực hiện trên diện tích đất 309.978 m2 tại địa bàn xã Trung Hòa và thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Vị trí khu đất giáp Đường tỉnh ĐT.376 và Khu nhà ở Ánh Khoa; giáp Khu công nghiệp Yên Mỹ II; giáp Quốc lộ 39A và các dự án sản xuất hiện có; giáp các dự án sản xuất hiện có.
Dự án có quy mô nhà ở thương mại liền kề là 250 căn hộ, nhà ở xã hội là 9.000 căn. Bên cạnh đó, quy mô Dự án còn bao gồm các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của khu dân cư như: Nhà văn hóa với chiều cao 3 tầng, diện tích sử dụng đất khoảng 2.033 m2; công trình y tế với chiều cao 3 tầng, diện tích sử dụng đất khoảng 5.919 m2; công trình trường học với chiều cao 5 tầng, diện tích sử dụng đất khoảng 11.200 m2; các công trình thương mại dịch vụ với chiều cao 5 tầng, diện tích đất sử dụng khoảng 4.582 m2.
Mục tiêu của dự án nhà ở giá rẻ nhằm đầu tư xây dựng nơi ở cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp, đồng bộ hạ tầng kĩ thuật với Khu công nghiệp Yên Mỹ II,…
Dự án được phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 tại Quyết định số 2559/QĐ-UBND ngày 30/10/2020 của UBND Tỉnh. Đơn vị tổ chức lập quy hoạch là Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hoà Phát Hưng Yên.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện Dự án (không bao gồm chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) là 4.830 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án là 6 năm kể từ ngày được chấp thuận nhà đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được cấp văn bản chấp thuận nhà đầu tư.
Nghệ An đề xuất huỷ bỏ dự án 16.000 tỷ do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư ở Nghi Lộc
Mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Nghệ An đã có tờ trình về việc đề nghị huỷ bỏ Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chủ trương đầu tư dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc.
Theo đó, ngày 19/10/2017, Tập đoàn FLC có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An đề xuất Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc với quy mô diện tích 460ha.
Tháng 10/2017, tại phiên họp thường kỳ, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức họp để cho ý kiến về đề xuất dự án đầu tư của Tập đoàn FLC. Ngày 26/10/2017, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Nghệ An đã có tờ trình gửi Thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An, Ban thường vụ Tỉnh uỷ về việc đề nghị xem xét, chủ trương đầu tư dự án. Ngày 11/12/2017, Ban chấp hành Đảng bộ ra kết luận thống nhất về chủ trương đầu tư dự án.
Ngày 28/3/2018, Tập đoàn FLC chính thức nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc với tên gọi An Beach & Golf Ressort, qui mô 460ha, tổng vốn đầu tư 16.009 tỷ.
Tuy nhiên, do đề xuất chưa phù hợp qui hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực phía Đông - Đông Nam đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2011 nên đến nay dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo qui định pháp luật.
Năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản đồng ý chủ trương khảo sát, lập điều chỉnh quy hoạch và phê duyệt nhiệm vụ đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu vực phía Đông – Đông Nam (trừ khu phi thuế quan ) khu kinh tế Đông Nam.
Tuy nhiên, theo nhiệm vụ qui hoạch được phê duyệt và định hướng qui hoạch đồ án phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu vực Đông – Đông Nam (trừ khu phi thuế quan) khu kinh tế Đông Nam trên sẽ phải di dời tái định cư rất nhiều hộ dân, khoảng 3.000 ngôi mộ và toàn bộ công trình hành chính, công cộng của xã Nghi Tiến với chi phí giải phóng mặt bằng lớn là không khả thi.
Do đó, tại phương án điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Đông Nam đến năm 2040 đang trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh lại cơ cấu để hạn chế tối đa việc di dời dân giảm thiểu tối đa chi phí GPMB để đảm bảo quy hoạch có tính khả thi.
Vì vậy, tại tờ trình ngày 26/9/2022, đề xuất dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc không còn phù hợp với điều chỉnh tổng thể Qui hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam đến năm 20240 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu vực phía Đông – Đông Nam là cơ sở để xem xét thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư đễ xuất đã bị bãi bỏ tại Quyết định ngày 22/6/2022 của UBND tỉnh Nghệ An.
Ngoài ra, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Nghệ An kính trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khoá XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xem xét huỷ bỏ kết luận về chủ trương đầu tư dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc.