Giá trung bình căn hộ TP HCM chạm mốc 62 triệu đồng/m2 vào năm 2024?
Trình bày tham luận tại Diễn đàn bất động sản TheLEADER 2022, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Vietnam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã có sự phục hồi nhất định sau hai năm chậm phát triển vì dịch Covid-19. Đáng chú ý, thị trường chứng kiến sự nổi lên nhanh chóng của các căn hộ cao cấp và trung cấp, trong khi căn hộ bình dân gần như biến mất. Đi cùng với sự thay đổi đó, giá bán bất động sản liên tiếp lập đỉnh mới.
CBRE ước tính, trong 6 tháng đầu năm, thị trường Hà Nội tung ra khoảng 8.000 căn hộ mới. Thị trường TPHCM có sự phục hồi tốt hơn với khoảng 16.000 căn hộ, vượt qua lượng cung của cả năm 2021. Nguồn cung mới tập trung ở phân khúc trung và cao cấp.
Đại diện CBRE cho biết, việc nguồn cung hạn chế dẫn tới mức hấp thụ các sản phẩm bất động sản rất cao. Tại thị trường Hà Nội, trong nửa đầu năm nay, số lượng căn hộ bán được vượt nguồn cung chào bán mới. Tại TP HCM, tỷ lệ hấp thụ có sụt giảm, nhưng vẫn cao, ở mức 70 – 75%.
“Việc tỷ lệ hấp thụ sụt giảm đến từ nguyên nhân các sản phẩm định vị cao cấp, giá quá cao, có thể chưa tương xứng với vị trí của dự án”, bà Dung cho biết.
Dự báo thị trường căn hộ, bà Dung cho rằng, sau ba năm khan hiếm, nguồn cung sản phẩm vào cả Hà Nội và TP HCM đều sẽ rất dồi dào. Từ nay đến năm 2025, các chủ đầu tư sẽ tung ra thị trường những dự án mới mà họ đã chào bán.
Đáng chú ý, giá sẽ tiếp tục tăng nhưng không quá cao. Chẳng hạn, giá trung bình căn hộ ở TP HCM hiện là 58 triệu đồng/m2 nhưng đến năm 2024 chỉ khoảng 62 triệu đồng/m2, tương ứng mức tăng trưởng 4%. Tại Hà Nội, mức tăng trưởng giá có thể cao hơn, ở mức khoảng 8%.
Lạng Sơn điều chỉnh quy hoạch hai thị trấn tại huyện Chi Lăng
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2035 với tỷ lệ 1/5.000 đối với thị trấn Đồng Mỏ và thị trấn Chi Lăng thuộc huyện Chi Lăng.
Cụ thể, điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Chi Lăng có diện tích khoảng 2.062 ha. Trong đó, quy mô lập quy hoạch khoảng 1.295 ha; quy mô diện tích núi đá khớp nối, cập nhật số liệu khoảng 767 ha.
Phía đông bắc giáp xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Phía tây bắc giáp xã Y Tịch, huyện Chi Lăng. Phía tây nam giáp xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng. Phía đông nam giáp ranh giới tỉnh Bắc Giang.
Tính chất quy hoạch là khu vực đô thị nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thương mại, chủ lực hướng tới công nghiệp; đầu mối giao thông quan trọng phía Nam của tỉnh Lạng Sơn, phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp trên trục Quốc lộ 1 Lạng Sơn - Hà Nội; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
Quy hoạch gồm 5 phân khu chức năng. Cụ thể, phân khu 1 là khu công nghiệp, kho tàng, logistic. Phân khu 2 là đô thị phát triển đô thị kết hợp thương mại dịch vụ hậu cần công nghiệp. Phân khu 3 phát triển nông sản đặc trưng Na Chi Lăng kết hợp mô hình du lịch canh nông.
Phân khu 4 có chức năng chỉnh trang đô thị hiện hữu kết hợp phát triển đô thị mật độ thấp. Phân khu 5 phát triển đô thị sinh thái mật độ thấp kết hợp phát triển du lịch.
Về định hướng tổ chức không gian, tỉnh phát triển các trục cảnh quan chính của thị trấn Chi Lăng dọc theo sông Thương; phát triển du lịch dựa trên yếu tố cảnh quan và văn hóa địa phương với lợi thế của thị trấn.
Điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Đồng Mỏ có diện tích 3.564 ha; trong đó, quy mô lập quy hoạch khoảng 2.000 ha, quy mô đất không thuận lợi xây dựng (núi đá, đồi cao, phần diện tích này không đo đạc bản đồ địa hình, chỉ khai thác cập nhật bản đồ có sẵn) là 1.564 ha.
Phía bắc giáp xã Thượng Cường và xã Mai Sao. Phía nam và đông nam giáp xã Quan Sơn và tỉnh Bắc Giang. Phía đông giáp xã Quan Sơn. Phía tây giáp xã Chi Lăng, xã Y Tịch, xã Hòa Bình.
Dân số hiện trạng năm 2021 khoảng 14.657 người. Dự báo dân số đến năm 2025 là 18.600 người và đến năm 2035 khoảng 30.000 người.
Thị trấn được quy hoạch với tính chất là thị trấn huyện lỵ, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa xã hội, trung tâm thương mại - dịch vụ của toàn huyện; là đầu mối giao thông quan trọng cửa ngõ phía tây - nam của tỉnh Lạng Sơn, có ý nghĩa chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng.
Quy hoạch thị trấn Đồng Mỏ gồm 11 phân khu chức năng. Cụ thể phân khu 1 là khu trung tâm thị trấn cũ có quy mô khoảng 85 ha. Phân khu 2 - Khu đô thị mới phía Đông có quy mô khoảng 53,5 ha. Phân khu 3 là khu đô thị mới phía Đông Nam có quy mô khoảng 55 ha.
Phân khu 4 là khu đô thị mới phía Đông Bắc có quy mô khoảng 145 ha. Phân khu 5 - Khu đô thị mới phía Tây Nam (Khu đô thị Hợp Tiến) có quy mô khoảng 90 ha. Phân khu 6 hình thành khu đô thị mới phía Tây (khu đô thị Than Muội - Làng Thành) có quy mô khoảng 135 ha.
Khu đô thị dịch vụ và công nghiệp có quy mô khoảng 90 ha (trong đó đô thị 20 ha, cụm công nghiệp 70 ha) sẽ quy hoạch thành phân khu 7. Phân khu 8 sẽ là khu cụm công nghiệp phía Đông có quy mô khoảng 370 ha.
Tiếp đến phân khu 9 là Cụm công nghiệp Chi Lăng và các khu dân cư hiện hữu, cảnh quan sinh thái nông nghiệp... có quy mô khoảng 340 ha. Phân khu 10 là vùng đồi núi phía Bắc có quy mô khoảng 848 ha. Cuối cùng, phân khu 11 là vùng đồi núi phía Nam có quy mô khoảng 1.353 ha.
Tiến độ triển khai Dự án Khu tái định cư Ninh Kiều chậm
Ban Ðô thị HÐND thành phố vừa giám sát tiến độ triển khai thực hiện dự án khu tái định cư (TÐC) Ninh Kiều, quận Ninh Kiều. Qua giám sát cho thấy, do không có quỹ nền TÐC để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án nên dự án chưa giải phóng mặt bằng (GPMB); một số hộ dân không cung cấp hồ sơ, không nhận tiền bồi thường... nên dự án gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Dự án khu TÐC Ninh Kiều tại phường An Bình, quận Ninh Kiều, có diện tích trên 9,1ha, với 519 nền TÐC, do UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2019-2023. Mục tiêu dự án là tạo quỹ nền TÐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Dự án có khoảng 325 hộ bị ảnh hưởng. UBND quận đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ được 133 hộ, với số tiền trên 189 tỉ đồng. Những hộ còn lại, quận đang tiến hành các thủ tục để GPMB trong thời gian tới”.
Tại thời điểm giám sát, UBND quận Ninh Kiều đã GPMB và bàn giao cho đơn vị thi công được 3,8ha, đạt 42% diện tích dự án. Gói thầu 1 của dự án (thực hiện hạng mục san lấp mặt bằng, hệ thống giao thông, hệ thống nước, hệ thống cây xanh) đã khởi công, ước đạt 21% khối lượng công trình. Gói thầu 2 (thực hiện hạng mục hệ thống cấp điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước, phòng cháy, chữa cháy, hệ thống xử lý nước thải) đã khởi công ngày 7-6-2022, dự kiến hoàn thành vào ngày 7-6-2023. Hiện tại, đơn vị thi công đang chờ mặt bằng để tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại của dự án.
Đất phân lô, tách thửa ở Hà Nội phải tối thiểu 30 m2
Tại dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn Hà Nội, UBND TP yêu cầu những thửa đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không được nhỏ hơn 30 m2 với khu vực các phường thuộc 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Trường hợp chia tách thửa đất hình thành ngõ ở các phường thuộc 4 quận trên, chiều rộng mặt cắt ngang của ngõ phải từ 1 m trở lên.
Với các phường thuộc thị xã Sơn Tây và 8 quận còn lại, diện tích các thửa đất không được nhỏ hơn 40 m2. Đồng thời, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách phải đáp ứng điều kiện có đường vào, ngõ hình thành rộng trên 2 m.
Đối với khu vực thuộc xã vùng trung du, miền núi, việc tách thửa hình thành ngõ phải có chiều rộng từ 4 m trở lên và với vùng đồng bằng phải rộng 3 m trở lên.
Trường hợp chia tách thửa đất có hình thành đường giao thông trên diện tích đất không phải là đất ở, người sử dụng đất phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trước khi thực hiện thủ tục chia tách.
Ngoài ra, thửa đất được hình thành từ việc tách thửa phải có chiều dài so với chỉ giới xây dựng từ 4 m trở lên và chiều rộng cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu hoặc mô tả trên hồ sơ từ 3 m trở lên đối với khu vực các phường, thị trấn; từ 4 m trở lên đối với khu vực xã vùng đồng bằng; từ 5 m trở lên đối với khu vực xã vùng trung du và miền núi.
Dòng vốn 32.700 tỷ đồng từ 232 dự án đổ về các cụm công nghiệp tại Bắc Giang
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã thành lập được 45 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích 1.728 ha. Trong đó có 29 CCN do doanh nghiệp là chủ đầu tư, 16 CCN do UBND các huyện làm chủ đầu tư.
Toàn tỉnh có 31/45 CCN đi vào hoạt động, với tổng diện tích 969 ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 591,6 ha, diện tích đã cho thuê 557 ha.
Các CCN đã thu hút được 232 dự án với số vốn đăng ký hơn 32.700 tỷ đồng; tổng số vốn đã thực hiện ước khoảng hơn 9.000 tỷ đồng. Đến nay 223 dự án đã đi vào hoạt động, 9 dự án đang triển khai. Các dự án sản xuất trong CCN đã thu hút được hơn 45.000 lao động.
Về cơ bản, các dự án được chấp thuận đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoại trừ hai dự án lớn là nhà máy Nhiệt điện An Khánh của CCN Vũ Xá và dự án nhà máy sản xuất gỗ MDF của CCN Mỹ An còn khó khăn trong việc huy động vốn cho thực hiện các dự án này, nên còn chậm trong quá trình triển khai.
Đến năm 2030, Bắc Giang bố trí quy hoạch 65 CCN với diện tích 3.164 ha. Trong đó, giữ nguyên diện tích 34 CCN đã thành lập với diện tích 1.263 ha; mở rộng diện tích ba CCN hiện có với diện tích sau mở rộng là 225 ha. Đồng thời tiến hành quy hoạch mới 28 CCN quy mô 1.676 ha và đưa ra khỏi quy hoạch 8 CCN.