Tổng quan ngành công nghiệp giấy tại Việt Nam
Ngành công nghiệp giấy tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, đóng góp khoảng 1,5% GDP quốc gia. Với mức tiêu thụ giấy bình quân đầu người đạt 50,7 kg/năm, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ giấy cao tại khu vực Đông Nam Á. Giấy bao bì, giấy in, và giấy vệ sinh là những phân khúc chủ đạo, trong đó giấy bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất do nhu cầu từ ngành xuất khẩu và thương mại điện tử.
Ngành công nghiệp giấy tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể
Năm 2025, ngành giấy được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ các yếu tố như sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, sự gia tăng của thương mại điện tử, các chính sách khuyến khích phát triển bền vững. Tuy nhiên, ngành cũng đối mặt với nhiều thách thức, từ cạnh tranh quốc tế, biến động giá nguyên liệu, đến áp lực bảo vệ môi trường.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu giấy lớn tại khu vực Đông Nam Á, với các thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản, và châu Âu. Năm 2025, ngành giấy được kỳ vọng sẽ tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA để mở rộng thị trường, đặc biệt với các sản phẩm giấy thân thiện môi trường. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy có thể tăng trưởng 10% so với năm 2024, khai thác tối đa giá trị từ nguồn nguyên liệu tái chế và các sản phẩm bền vững.
Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp giấy phát triển theo hướng bền vững. Các chính sách giảm thuế, hỗ trợ đầu tư vào công nghệ tái chế, khuyến khích sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường (như bã mía, tre) sẽ tạo động lực lớn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, mục tiêu giảm thiểu nhựa dùng một lần vào năm 2025 cũng mở ra cơ hội cho các sản phẩm giấy thay thế như ly giấy, ống hút giấy, hộp giấy...
Tích hợp công cụ cải tiến từ lý thuyết đến thực tiễn
Các doanh nghiệp tiên phong trong ngành giấy hiện nay đang lựa chọn hướng đi tích hợp nhiều công cụ cải tiến theo định hướng hệ thống, đồng bộ từ nhà máy đến văn phòng, từ quản lý sản xuất đến quản lý chất lượng.
Kết hợp Lean và TPM (Total Productive Maintenance)
Lean giúp loại bỏ lãng phí, tối ưu dòng chảy sản xuất, còn TPM nâng cao độ sẵn sàng của thiết bị. Khi được tích hợp, hai công cụ này tạo ra một nền tảng vững chắc để giảm thời gian chết máy, tối ưu hóa lịch bảo trì, nâng cao hiệu suất vận hành thiết bị (OEE), cải thiện môi trường làm việc tại dây chuyền sản xuất. Ví dụ tại một số nhà máy giấy lớn ở Bình Dương, việc triển khai TPM đã giúp giảm tới 20% chi phí bảo trì và tăng 15% năng suất chỉ sau 6 tháng áp dụng.
Doanh nghiệp tích hợp các công cụ cải tiến để tạo sản phẩm chất lượng
Công ty Giấy Hòa Bình là một trong những doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì công nghiệp quy mô vừa tại KCN Nam Tân Uyên (Bình Dương), sở hữu 3 dây chuyền sản xuất giấy kraft công suất trung bình 50 tấn/ngày. Trước năm 2023, doanh nghiệp gặp một số vấn đề điển hình, máy cán giấy và hệ thống sấy thường xuyên bị hỏng vặt, gây dừng dây chuyền đột ngột. Chi phí bảo trì mỗi năm tăng liên tục (năm 2022 là 4,2 tỷ đồng).
Hiệu suất thiết bị tổng thể (OEE) chỉ đạt khoảng 62%, thấp hơn mức chuẩn ngành. Từ tháng 4/2023, công ty quyết định áp dụng TPM – Bảo trì năng suất toàn diện theo lộ trình 6 tháng, với sự hỗ trợ từ chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Nam (SIDEC) với giai đoạn chuẩn bị (1 tháng), đơn vị đánh giá toàn bộ máy móc hiện có và thành lập 6 nhóm bảo trì tự quản tại các vị trí chính (cán, xeo, sấy, đóng cuộn...), đào tạo nội bộ về TPM và 5S cho 100% công nhân kỹ thuật.
Đến giai đoạn thực hiện (5 tháng), Công ty Giấy Hòa Bình đã áp dụng 5S triệt để trong khu vực sản xuất, triển khai bảo trì tự chủ để công nhân được hướng dẫn thực hiện kiểm tra, tra dầu, siết bu-lông định kỳ, phân tích lỗi thiết bị theo phương pháp Pareto để ưu tiên xử lý "máy hay hỏng nhất", áp dụng biểu đồ OEE để đo lường hiệu quả từng dây chuyền.
Từ đó, đơn vị giảm chi phí trong việc công nhân trực tiếp thực hiện bảo trì tự chủ giúp phát hiện sớm lỗi nhỏ, tránh hỏng lớn và giảm tần suất gọi thợ kỹ thuật. Ngoài ra, giúp tăng năng suất cho doanh nghiệp nhờ thiết bị ổn định hơn, dây chuyền không bị dừng đột xuất, nhịp sản xuất được duy trì đều. Đặc biệt, giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy, từ chỗ công nhân "vận hành là chính" nay chuyển sang "chủ động chăm máy", góp phần tạo văn hóa làm chủ trong sản xuất.
TWI và ISO 9001 giúp chuẩn hóa thao tác
Trong sản xuất giấy, đặc biệt ở công đoạn vận hành thiết bị bán tự động (như xeo giấy, sấy, cuộn, kiểm tra chất lượng...), chất lượng đầu ra phụ thuộc nhiều vào kỹ năng, phản xạ thao tác của công nhân, khả năng truyền đạt đúng quy trình khi có công nhân mới, tính thống nhất trong cách thực hiện cùng một công việc.
Chất lượng đầu ra phụ thuộc nhiều vào kỹ năng
Công ty CP Giấy Hoàng Hà Hưng Yên áp dụng TWI và ISO 9001 giúp nâng chuẩn tay nghề, giảm lỗi chất lượng. Giấy Hoàng Hà Hưng Yên là đơn vị thành viên của Tập đoàn Hoàng Hà – chuyên sản xuất giấy kraft, giấy testliner phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhà máy tại Hưng Yên có hơn 300 công nhân, vận hành 2 dây chuyền công suất gần 300 tấn/ngày. Trước năm 2022, doanh nghiệp gặp khó khăn lớn về sự đồng đều tay nghề công nhân và lỗi chất lượng lặp lại do thao tác không chuẩn, đặc biệt là ở công đoạn xeo giấy và kiểm tra thành phẩm. Cụ thể, công nhân mới mất trung bình 3–4 tháng để làm việc ổn định, tỷ lệ lỗi sản phẩm do thao tác sai chiếm 22% lỗi toàn bộ, một số thao tác cài đặt thông số kỹ thuật chưa được chuẩn hóa, phụ thuộc vào “người cũ”.
Công ty Hoàng Hà đã áp dụng TWI, ISO 9001 để chuẩn hóa năng lực thực thi, triển khai chương trình huấn luyện TWI theo mô hình Nhật Bản. Trong đó người hướng dẫn được đào tạo kỹ thuật huấn luyện 4 bước (Chuẩn bị – Trình bày – Thực hành – Theo dõi); Tất cả các thao tác chính ở dây chuyền xeo, đóng cuộn và kiểm tra chất lượng đều được viết thành phiếu thao tác tiêu chuẩn (Job Instruction Sheet). Các tổ trưởng sản xuất được nâng cấp thành “hướng dẫn viên nội bộ” và đảm nhận đào tạo tại chỗ cho người mới.
Ngoài ra, đơn vị còn đồng thời áp dụng ISO 9001:2015 để chuẩn hóa quy trình kiểm soát chất lượng từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm; Mỗi điểm kiểm tra chất lượng đều có tiêu chí cụ thể, đối chiếu với tài liệu hướng dẫn thao tác do TWI cung cấp. Từ đó, mang lại hiệu quả chuẩn hóa giúp giảm lệ thuộc cá nhân, sau khi có phiếu hướng dẫn tiêu chuẩn và đào tạo JI, người mới có thể học theo đúng chuẩn, không “tam sao thất bản”. Đặc biệt, sự vận hành sẽ giảm lỗi chất lượng từ thao tác thủ công ở công đoạn lấy mẫu giấy, kiểm tra độ bục, độ nén - những khâu mang tính cảm quan nếu không đào tạo kỹ lưỡng sẽ gây sai số. Việc xây dựng được đội ngũ tổ trưởng biết huấn luyện giúp doanh nghiệp tự chủ nhân lực, không còn phụ thuộc quá nhiều vào các trung tâm đào tạo bên ngoài.
Chuyển đổi số tạo nền tảng cho cải tiến liên tục
Khi chuyển đổi số được triển khai đúng cách, nhà máy giấy không chỉ “hiện đại hơn” mà còn trở nên thông minh, linh hoạt, cải tiến nhanh chóng hơn. Đây là “chất keo” gắn kết mọi công cụ như 5S, TPM, TWI, ISO… lại thành một hệ thống vận hành liên tục, học hỏi không ngừng.
Ngành giấy có đặc thù với quy trình sản xuất dài, nhiều công đoạn liên kết chặt chẽ (từ nguyên liệu → nghiền → xeo giấy → sấy → cuộn → cắt khổ). Sử dụng nhiều năng lượng, nước, phụ gia dễ phát sinh lãng phí nếu không kiểm soát sát, lỗi chất lượng thường đến từ biến động thông số hoặc chậm phát hiện sai lệc, khó chuẩn hóa thao tác nếu chỉ dùng phương pháp thủ công. Vì vậy, chuyển đổi số giúp giải quyết tận gốc các vấn đề trên bằng cách hiện thực hóa nguyên lý “hiển thị – đo lường – kiểm soát – cải tiến”.
Ví dụ, Nhà máy giấy Vĩnh Phát (Long An) đã triển khai hệ thống giám sát nhiệt độ và độ ẩm ở buồng sấy giấy bằng cảm biến IoT kết nối qua Wi-Fi. Sau 6 tháng, tỷ lệ lỗi bong giấy, vỡ mép giảm từ 7,5% xuống còn 2,8%; Sản lượng tăng trung bình 8% do ổn định tốc độ chạy máy; Giảm tiêu hao điện lò hơi 12% nhờ kiểm soát nhiệt chính xác; Nhân sự kỹ thuật giảm 1 người/ca vì không cần kiểm tra thủ công liên tục.
Trong hành trình phát triển và áp dụng thực tiễn công nghệ, năng suất và chất lượng không đến từ một công cụ duy nhất, mà đến từ hệ sinh thái cải tiến đồng bộ, trong đó con người, quy trình và công nghệ cùng vận hành trên nền tảng văn hóa cải tiến liên tục.
Năm 2025 được dự báo sẽ là một năm đầy triển vọng cho ngành công nghiệp giấy tại Việt Nam, với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu tiêu thụ cao, xu hướng phát triển bền vững, và sự hỗ trợ từ chính sách. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội và vượt qua thách thức, các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào công nghệ, đa dạng hóa nguyên liệu, và xây dựng thương hiệu xanh. Ngành giấy không chỉ là một ngành công nghiệp truyền thống mà còn là một lĩnh vực tiềm năng, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.