Thị trường chứng khoán "lao dốc", đến quỹ đầu tư cũng lỗ

(CL&CS) - Thời gian qua, thị trường chứng khoán chứng kiến đợt sụt giảm mạnh. Hàng loạt cổ phiếu mất điểm không kiểm soát. Điều này không chỉ khiến nhà đầu tư cá nhân “hoảng loạn” vì “cháy tài khoản”, mà các quỹ đầu tư cũng “ngấm đòn” cùng đà lao dốc của những mã cổ phiếu đang nắm giữ.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm 2022 của Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL), một quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital, tiếp tục ghi nhận mức giảm mạnh 6,7% giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (Net asset value/shares). Nếu tính từ đầu năm đến này, quỹ đầu tư này đã thua lỗ hơn 20% với 4/6 tháng kinh doanh thua lỗ từ đầu năm.

Tính đến ngày 30/06/2022, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của quỹ đầu tư này đã giảm đến 4,63 điểm phần trăm. Cụ thể, thời điểm cuối tháng 5/2022, tỉ lệ này là 5,16% nhưng đến cuối tháng 6/2022, tỉ lệ này chỉ còn vỏn vẹn 0,53%. Theo VEIL, giá trị tài sản của quỹ liên tục giảm trong tháng 6 bởi nhóm cổ phiếu ngành bất động sản và năng lượng giảm mạnh. 

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, chỉ số VN-Index dao động xung quanh ngưỡng 1.200 điểm, giảm 95 điểm so với cuối tháng 5, tương đương giảm 7,4%. Như vậy, tính từ phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022 (ngày 04/01) đến nay, chỉ số VN-Index đã “bốc hơi” gần 328 điểm, tương đương giảm 21,5%.

Đáng chú ý, đã có thời điểm, VN-Index giảm xuống chỉ còn 1.182,77 điểm, giảm 146,49 điểm (11,02%) chỉ trong một tuần (mức giảm mạnh nhất trong lịch sử). Sự lao dốc khủng khiếp này khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm điểm mạnh nhất thế giới. 

Chung số phận với quỹ VEIL là các quỹ ETF và các quỹ chủ động. Theo báo cáo dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán của Công ty Chứng khoán SSI công bố gần đây cho thấy, Quy mô dòng vốn của quỹ ETF và quỹ chủ động có dấu hiệu thu hẹp trong tháng 6. 

Theo báo cáo này, mặc dù các quỹ ETF vẫn thu hút dòng tiền đổ vào liên tục 3 tháng gần nhất nhưng quy mô dòng tiền lại thu hẹp so với hồi tháng 5. Trong đó, VFM VNDiamond và Fubon là hai quỹ ETF nâng đỡ cho thị trường tốt nhất trong tháng 6 khi chiếm hơn 50% tổng tài sản của các quỹ ETF tại Việt Nam. 

Dòng tiền từ các quỹ chủ động vào ròng trong tháng 6 cũng chứng kiến sự thu hẹp về quy mô so với tháng trước từ mức 272 tỷ đồng trong tháng 5 xuống chỉ còn +27,5 tỷ đồng. Như vậy, trong 2 quý đầu năm 2022, các quỹ chủ động đã rút tổng cộng 930 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào tháng 2 và tháng 3. Mặc dù xu hướng bán ròng đã chậm dần ở các quỹ chủ động nhưng nhìn chung, việc giải ngân chỉ mang tính cục bộ và khiến dòng tiền chủ động vẫn đang tương đối yếu.

Trong 6 tháng qua, khối ngoại đã mua ròng trên thị trường chứng khoán với tổng giá trị 2.900 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong khi tại thị trường chứng khoán các nước trong khu vực, khối ngoại có xu hướng bán ròng mạnh trong tháng 6. 

Tuy vậy, theo SSI, giao dịch của khối ngoại tại thị trường chứng khoán Việt Nam thường có độ trễ nhất định so với các thị trường chứng khoán trong khu vực. Do đó, trong thời gian tới không loại trừ khả năng giao dịch khối ngoại sẽ theo xu hướng bán.