Sơn La: Hình thành mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

(CL&CS)- Sơn La là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển cây ăn quả. Sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái bền vững cho tỉnh nhà.

Sau 3 năm triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP, phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Bắc” thuộc Dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2022-2024, đã góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh phát triển.

Mở rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Là đơn vị trực tiếp triển khai các mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã rà soát, lựa chọn các hộ nông dân tự nguyện, đủ điều kiện, có vùng trồng tập trung để hỗ trợ tham gia. Đến nay, đã thực hiện 5 mô hình trồng thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm: 20 ha xoài tại huyện Yên Châu, Sông Mã; 5 ha chanh leo tại huyện Mai Sơn, 20 ha dứa tại huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Sông Mã và Thuận Châu.

Trong 3 năm qua, Trung tâm đã tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, thâm canh xoài, dứa, chanh leo theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ quản lý kinh doanh HTX trồng cây ăn quả. Ngoài ra, tổ chức tập huấn lợi ích của liên kết sản xuất với nhà máy chế biến cho 30 hộ ở huyện Quỳnh Nhai không nằm trong mô hình trồng dứa VietGAP. Bên cạnh đó, hỗ trợ 945.000 chồi dứa, trên 47.000 cây dứa trồng dặm, 3.400 cây giống chanh leo, 980 túi bao quả...

HTX dịch vụ nông nghiệp xoài Sông Mã tại xã Nà Nghịu được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh xoài an toàn, thời điểm này, các thành viên HTX đang vào mùa thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Vượng, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX có 10 ha xoài đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, mặc dù thời tiết bất lợi, hạn hán kéo dài, năng suất trung bình chỉ đạt 20 tấn/ha, nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sản phẩm vẫn đáp ứng tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh thu năm nay đạt khoảng 1,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 20 ha tại các huyện: Quỳnh Nhai, Sông Mã, Thuận Châu, Mường La. Tham gia mô hình, năm đầu tiên, các hộ được hỗ trợ giống, kỹ thuật; năm thứ 2 được hỗ trợ chứng nhận VietGAP và tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cây dứa Queen đang được ngành nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai chú trọng phát triển

Ông Lò Văn Hinh, bản Két, xã Tạ Bú, huyện Mường La, chia sẻ: Sau hơn 1 năm tham gia, gia đình tôi thay đổi phương thức sản xuất từ kinh nghiệm truyền thống, sang sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật. Đến khi thu hoạch, còn được cán bộ khuyến nông kết nối với đơn vị thu mua sản phẩm theo giá thị trường; năng suất bình quân đạt 40 tấn/ha, trừ chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng.

Việc xây dựng các mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Các mô hình được triển khai đã chứng minh hiệu quả công tác khuyến nông, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, phương pháp canh tác của nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các mô hình trồng, thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP là những mô hình điểm để nông dân học tập, nhân rộng, góp phần thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp vật tư nông nghiệp cho các mô hình trồng thâm canh cây ăn quả an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao

Việc các HTX sản xuất các sản phẩm theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao  trong phát triển cây ăn quả tại huyện Yên Châu, Sơn La đã giúp các nhà sản xuất và các HTX trên địa bàn huyện nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao.

HTX hoa quả Quyết Tâm, xã Tú Nang, là một trong những HTX đầu tiên của huyện Yên Châu được hỗ trợ thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng. Đến nay, HTX có gần 100 ha nhãn được cấp mã số vùng trồng. HTX lắp đặt camera giám sát để theo dõi trực tiếp quy trình sản xuất và công nghệ điều khiển tự động bón phân, tưới nước qua điện thoại, nhờ đó cây nhãn luôn duy trì độ ẩm và dinh dưỡng phù hợp, cho năng suất cao, mẫu mã đẹp. Trung bình mỗi năm xuất khẩu 1.000 tấn quả.

Mô hình trồng nhãn chín muộn của nông dân xã Tú Nang, huyện Yên Châu

Ông Dương Minh Hà, Giám đốc HTX hoa quả Quyết Tâm, cho biết: HTX áp dụng kỹ thuật ghép cành giống nhãn chín muộn hơn chính vụ khoảng 2 tháng, nên sản phẩm có giá cao hơn từ 7.000-10.000 đồng/kg. Từ khi được cấp mã số vùng trồng, gắn với sản xuất an toàn ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nhãn của HTX tiêu thụ thuận lợi trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Còn tại xã Phiêng Khoài, HTX Kiên Cường, bản Cồn Huốt, đã đưa cây lê Tai nung vào trồng với 70 ha. Với 8 thành viên, HTX đã thực hiện canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng nhật ký điện tử, quản lý sản xuất bằng hệ thống giám sát tại vườn và đăng ký tem truy xuất nguồn gốc QR-Code, gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu cho sản phẩm.

Bà Đinh Thị Mây, Giám đốc HTX Kiên Cường, cho biết: Các thành viên HTX đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, như máy xới đất, máy phát cỏ, phun thuốc sinh học bằng máy áp lực cao tự động, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bao trái cho 100% diện tích. Do đó, năng suất đạt từ 10-12 tấn/ha; thu hoạch đến đâu, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 60.000 đồng/kg quả loại 1, 40.000 đồng/kg quả loại 2. Ngoài bán cho các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch, HTX đẩy mạnh bán hàng qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, tổng doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng/năm.

Với trên 11.800 ha cây ăn quả các loại, sản lượng hơn 74.000 tấn quả/năm, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và các địa phương chú trọng hướng dẫn, khuyến khích người dân, HTX ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó, chủ yếu là ghép nhãn chín muộn; thay thế một số loại cây ăn quả kém hiệu quả bằng giống xoài Úc, Thái Lan, xoài GL4 (Đài Loan), lê VH6 (Tai Nung); cải tạo lai ghép xoài tròn; chọn lọc giống, chăm sóc, tưới ẩm, tưới nhỏ giọt...

Đồng thời, chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho các loại quả đặc trưng. 5 năm qua, huyện đã hỗ trợ thực hiện mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt cho 8 HTX trồng cây ăn quả; triển khai thí điểm trạm quan trắc thông minh tại 2 xã Sặp Vạt và Phiêng Khoài, giúp cảnh báo thời tiết, phòng trừ sâu bệnh hại; hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới người dân...

Bên cạnh đó, huyện Yên Châu đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Vùng mận xã Phiêng Khoài; vùng nhãn xã Lóng Phiêng; vùng xoài xã Chiềng Hặc, với tổng diện tích gần 1.030 ha. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần nâng giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 60 triệu đồng/ha, giá trị các loại quả xuất khẩu đạt 5,9 triệu USD.

Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để huyện Yên Châu hình thành và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đối với các sản phẩm chủ lực, hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, bền vững, đưa nông sản của huyện ngày một vươn xa.

Phát triển bền vững và tiếp tục nâng cao giá trị từ cây ăn quả, Sơn La tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Tăng cường ứng dụng các quy trình sản xuất tốt, sản xuất an toàn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, xây dựng các vùng sản xuất nông sản tập trung đồng bộ với quy hoạch mạng lưới các nhà máy chế biến.

TIN LIÊN QUAN