Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La kiểm tra tiến độ triển khai đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch xoài Hôi (Muồng Khiu) trên địa bàn tỉnh Sơn La”

(CL&CS) - Vừa qua, đồng chí Nguyễn Duy Hoàng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cùng đoàn công tác của Sở đã đến kiểm tra tiến độ triển khai đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch xoài Hôi (Muồng Khiu) trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

 Xoài hôi là giống xoài bản địa quý đặc trưng bởi chất lượng, hương thơm và vị ngọt đậm đà của quả; là loại cây ăn quả có nguồn gốc gắn liền với truyền thống văn hóa và lịch sử phát triển nghề làm vườn từ rất xa xưa của nhân dân các dân tộc vùng đất Sơn La. Cây xoài không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn là niềm tự hào của vùng đất Sơn La. Hiện nay, phần lớn diện tích trồng xoài hôi Sơn La là giống được trồng phổ biến ở Sơn La, cây gieo hạt phân bố rải rác trong các bản ở huyện Yên Châu và một số huyện khác như Mai Sơn, Sông Mã, Mường La...

  Đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch xoài Hôi (Muồng Khiu) trên địa bàn tỉnh Sơn La” được triển khai từ năm 2022 do Hội Nông dân tỉnh Sơn La chủ trì, ông Nguyễn Xuân Hoàng làm chủ nhiệm, với mục tiêu: Áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, rải vụ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất đối với giống xoài địa phương (Xoài hôi - Muồng Khiu) trên địa bàn tỉnh Sơn La.

  Đến nay, đề tài đã nghiên cứu, khảo sát, đánh giá mô hình tại vườn ươm tại bản Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu và bản Mòn, xã Tạ Bú, huyện Mường La. Đối với mô hình trồng mới giống xoài hôi áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng tại xã Tạ Bú, huyện Mường La, đến thời điểm kiểm tra tỷ lệ sống đạt trên 90%.

Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình trồng mới tại huyện Yên Châu

Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình trồng mới tại huyện Mường La

  Qua kiểm tra thực tế tại các mô hình, đồng chí Nguyễn Duy Hoàng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu nhóm nghiên cứu đề tài bám sát các nội dung đã triển khai, trong đó cần tập trung đánh giá thực trạng áp dụng biện pháp kỹ thuật rải vụ đối với mô hình trồng mới và ghép cải tạo trên những cây xoài già cỗi, năng suất thấp, bị sâu bệnh hại cũng như các biện pháp thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ (phát dọn cỏ dại, cắt tỉa cành, tạo tán,...), phòng trừ sâu bệnh kịp thời phù hợp tại các mô hình thí nghiệm trên địa bàn tỉnh Sơn La theo đúng tiến độ đề tài. Đồng thời, đề nghị đơn vị chủ nhiệm đề tài hướng dẫn hộ nông dân tham gia mô hình tiếp tục chăm sóc số lượng cây còn lại tại các mô hình triển khai.

TIN LIÊN QUAN