Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng chiều dài toàn tuyến là 80,23km; bao gồm 2 đoạn: Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,8km và Tiên Yên - Móng Cái dài 63,26km. Tuyến đường góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội - Móng Cái chỉ còn 3 giờ (hiện tại là 5,5 giờ).
Sau khi chính thức được thông xe, đây sẽ sẽ là tuyến cao tốc dài nhất Quảng Ninh với điểm đầu nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn và điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (TP Móng Cái).
Đồng thời; với tuyến đường này, Quảng Ninh cũng sẽ chính thức trở thành tỉnh có số km cao tốc lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay, với 176/1.046 km, tương đương 18% độ dài cao tốc đã đưa vào sử dụng của cả nước.
Tuyến cao tốc được thiết kế quy mô 4 làn xe cơ giới; bề rộng nền đường 25,25m, vận tốc thiết kế 120Km/h, cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống giao thông thông minh ITS cũng được trang bị để ghi hình liên tục 24/24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết.
Đây cũng là một trong số ít các tuyến đường cao tốc trên thế giới được đầu tư hệ thống chiếu sáng đồng bộ, thay vì chỉ có điện chiếu sáng tại các nút giao thông, trạm thu phí và các cầu trên tuyến.
Toàn tuyến được bố trí 4 trạm thu phí tại đầu tuyến Km112+900, cuối tuyến Km146+500 và 2 nút giao Đầm Hà, Hải Hà. Việc thu phí sẽ được thực hiện theo hình thức không dừng (ETC).
Đặc biệt, tuyến cao tốc còn sở hữu đến 35 cây cầu vượt biển, vượt sông suối trên tuyến chính. Trong đó, cầu vượt biển Vân Tiên được xây dựng trong thời gian ngắn “kỷ lục” - 330 ngày sẽ là cây cầu dài nhất Quảng Ninh (hơn 1,5km) tính đến hiện nay.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Trong đó, tuyến Vân Đồn - Tiên Yên được đầu tư bằng ngân sách địa phương với 3.658 tỷ đồng và tuyến Tiên Yên - Móng Cái 9.113 tỷ đồng được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư.
Nhận định về dự án, ông Bùi Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) cho biết: “Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là dự án có chất lượng thi công rất tốt. Mặc dù có những khó khăn nhưng các đơn vị được tổ chức triển khai rất đồng bộ. Dự án đã được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Cũng theo đối tác tư vấn TEDI, đây là dự án có tỉ suất đầu tư hợp lý nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt. Đặc biệt trong bối cảnh suốt hai năm thi công, dự án trải qua bốn đợt covid 19 và tình trạng giá nguyên vật liệu lên cao, điều kiện thời tiết khắc nghiệt với những tháng mùa mưa kéo dài tới 20 ngày.
Với vị trí kết nối 3 sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), 3 khu kinh tế (khu kinh tế ven biển Quảng Yên, khu kinh tế Vân Đồn, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái) với 1 cửa khẩu Quốc tế (cửa khẩu Quốc tế Móng Cái); tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ là mắt xích quan trọng trong trục xương sống liên kết Quảng Ninh với các tỉnh thành lân cận, các mũi nhọn của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng… hay liên kết giao thương giữa các địa phương với Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái.
Ngoài ra, tuyến đường cũng kết nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên tạo ra không gian phát triển mới.
Về mặt giao thương quốc tế, việc kết nối các quốc gia ASEAN và các địa phương trong cả nước với Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái sẽ tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư, để phát huy thế mạnh kinh tế vùng biên. Đây còn là tuyến cao tốc kết nối giữa hệ thống cảng hàng không, cảng biển, các khu du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa tâm linh… trên toàn tỉnh Quảng Ninh, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa cũng như đi lại tham quan của khách du lịch theo đường bộ, thu hút nhà đầu tư đến Quảng Ninh.