Quảng Bình: Bảo đảm số lượng, chất lượng cây giống phục vụ trồng rừng, nâng cao năng suất

(CL&CS) - Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, hiện nay toàn tỉnh có 39 cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) cây giống lâm nghiệp được cấp phép. Bình quân mỗi năm, các cơ sở này sản xuất hơn 30 triệu cây giống, gồm các giống keo lai, phi lao, huỷnh, thông Caribe..., có chất lượng để cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nhìn chung, các cơ sở SXKD giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đều tuân thủ các quy định về SXKD giống cây trồng lâm nghiệp để bảo đảm cho kế hoạch trồng rừng hàng năm trên địa bàn tỉnh. Số lượng nguồn giống hàng năm đưa vào trồng rừng được kiểm soát đạt 80%.

 Bảo đảm số lượng, chất lượng cây giống phục vụ trồng rừng, nâng cao năng suất

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về giống cây trồng lâm nghiệp, các cơ sở SXKD cây giống cũng chú trọng đến sự đa dạng đưa đến cho người trồng nhiều sự lựa chọn phù hợp. Ngoài các loại giống quen thuộc như phi lao, huỷnh, thông nhựa, thông Caribe. Thì những năm gần đây, các đơn vị đã mở rộng sản xuất, cung ứng thêm ra thị trường các cây giống lâm nghiệp như keo lai mô (dòng BV10, BV16), keo lá tràm mô (dòng AA9, Clt7, Clt18, Clt26) để phục vụ nhu cầu trồng rừng gỗ lớn.

Ngoài ra, các cơ sở SXKD cây giống trên địa bàn còn đẩy mạnh sản xuất các giống cây bản địa, như: Lim, dổi, lát hoa, huỷnh… nhằm đáp ứng nhu cầu của người trồng rừng. Hiện, các nguồn giống của các đơn vị đều được sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, vật liệu giống đưa vào sản xuất có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cấp có thẩm quyền công nhận. Nhờ đó, người trồng rừng ngày càng an tâm, tin tưởng khi sử dụng cây giống do đơn vị cung cấp…

Đánh giá từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh mới đây cho thấy, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ sở SXKD giống cũng như các tổ chức, cá nhân sử dụng giống trồng rừng cơ bản đã tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động SXKD và sử dụng giống. Hiện tượng sản xuất giống tràn lan, thiếu kiểm soát trước đây đã được khắc phục khá triệt để, hiệu quả. Từ đó tỷ lệ giống được kiểm soát nguồn gốc ngày càng được nâng cao, hiệu quả năng suất, chất lượng rừng trồng ngày càng được cải thiện.

Cùng với công tác giá sát và quản lý chặt chẽ về nguồn gốc giống cây trồng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về SXKD và quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Đặc biệt, vào thời vụ chính trồng rừng, trồng dặm rừng trồng năm 2024, nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng cây giống phục vụ trồng rừng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, chi cục đã ban hành công văn số 1000/CCKL-SDPTR, ngày 30/8/2024 về việc tăng cường công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp để tăng cường kiểm soát nguồn giống cũng như hướng dẫn các cơ sở kinh doanh giống trên địa bàn các trình tự thủ tục đúng quy định.

Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm tỉnh luôn chủ động tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở SXKD giống cây trồng lâm nghiệp chấp hành nghiêm quy định tại Nghị định số 27/2021/NĐ-CP, ngày 25/3/2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn. Tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đến các cơ sở SXKD giống cũng như các tổ chức, cá nhân sử dụng giống trồng rừng.

Đặc biệt quan tâm tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở SXKD giống hủy bỏ hoặc đề xuất xử lý các vườn cung cấp hom không có quyết định công nhận. Chủ động hướng dẫn các chủ cơ sở chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, thực hiện các thủ tục để trình công nhận nguồn giống đối với vườn cây đầu dòng mới tạo lập. Đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở SXKD giống trên địa bàn tuân thủ các quy định về hồ sơ và lưu trữ hồ sơ giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 27/2021/NĐ-CP...

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang quan tâm triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Nhờ đó, đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng với diện tích 101.000ha (trong đó, diện tích rừng trồng gỗ lớn đến là 16.200ha và đến năm 2030 là 30.000ha). Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TIN LIÊN QUAN