Thiết bị vô tuyến cự ly ngắn (SRD) là các thiết bị sử dụng sóng vô tuyến có công suất phát thấp, hoạt động trong phạm vi gần, thường là vài mét đến vài chục mét. Chúng được ứng dụng phổ biến trong cuộc sống và sản xuất như thẻ RFID, thiết bị thanh toán không tiếp xúc (NFC), điều khiển từ xa, cảm biến an ninh, hệ thống báo động, và nhiều loại thiết bị tự động hóa khác.
Dù công suất nhỏ, nhưng SRD vẫn sử dụng phổ tần vô tuyến – một tài nguyên hữu hạn và nhạy cảm. Nếu không được kiểm soát, việc phát xạ không phù hợp từ các thiết bị này có thể gây nhiễu đến các hệ thống thông tin liên lạc, hàng không, quốc phòng hay phát thanh truyền hình. Chính vì vậy, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 55:2023/BTTTT được ban hành để thiết lập các ngưỡng kỹ thuật bắt buộc mà thiết bị SRD và thiết bị vòng từ phải tuân thủ.
Quy chuẩn này áp dụng cho các thiết bị truyền hoặc nhận tín hiệu vô tuyến trong dải tần từ 9 kHz đến 25 MHz, và mở rộng đến 30 MHz đối với các thiết bị sử dụng vòng từ, bao gồm cả thiết bị cố định, di động, thiết bị cầm tay, hoặc tích hợp vào hệ thống lớn hơn. Các thiết bị này có thể sử dụng nhiều loại điều chế sóng và kiểu kết nối ăng-ten khác nhau.
Thiết bị vô tuyến cự ly ngắn phải đáp ứng các yêu cầu theo quy chuẩn quy định. Ảnh minh họa
Theo quy chuẩn quy định, dải tần được phép sử dụng cho các thiết bị này bao gồm nhiều phân đoạn phổ cụ thể, ví dụ như 13,553–13,567 MHz (dành cho ứng dụng RFID, NFC), 6,765–6,795 MHz hoặc 26,957–27,283 MHz (dành cho các thiết bị điều khiển từ xa hoặc cảm biến). Với từng dải tần, quy chuẩn quy định rõ các giới hạn phát xạ, mức nhiễu cho phép, công suất phát cực đại, cũng như các tiêu chí về an toàn điện từ.
Một trong những yêu cầu quan trọng là các thiết bị phải đảm bảo không phát xạ vượt quá ngưỡng cho phép trong dải hoạt động chính và cả các dải ngoài (phát xạ giả). Các thông số này được đo kiểm trong môi trường tiêu chuẩn, có thể là phòng bán hấp thụ, phòng hấp thụ toàn phần hoặc không gian mở OATS. Tùy vào tần số đo, các thiết bị sẽ được kiểm tra bằng ăng-ten vòng hoặc ăng-ten đa cực theo chuẩn quốc tế như CISPR hoặc ANSI.
Không chỉ tập trung vào phần phát, quy chuẩn còn quy định rõ các yêu cầu đối với máy thu – bao gồm khả năng miễn nhiễu, độ chọn lọc tần số, và độ nhạy. Máy thu phải hoạt động ổn định ngay cả khi có tín hiệu gây nhiễu ở các kênh lân cận. Ngoài ra, các hệ thống sử dụng sóng từ (như thiết bị vòng từ hoặc NFC) cần đạt yêu cầu về tỷ lệ lỗi thấp, tỷ lệ nhận diện đúng cao, hoặc đạt ngưỡng tín hiệu tối thiểu sau giải điều chế.
Để được đưa ra thị trường, các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 55:2023/BTTTT phải được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo quy định hiện hành. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối phải thực hiện thử nghiệm tại phòng thí nghiệm được chỉ định, sau đó nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý chuyên ngành. Các mã HS (mã số hàng hóa) của thiết bị cũng được quy chuẩn liệt kê cụ thể để thuận tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu và trên thị trường.
Sự ra đời của quy chuẩn mới này được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc hội nhập quốc tế, khi các quốc gia đều có xu hướng tăng cường kiểm soát phổ tần và yêu cầu thiết bị điện tử phải đạt các tiêu chí về tương thích điện từ (EMC). Không những giúp bảo vệ hạ tầng viễn thông quốc gia, QCVN 55:2023/BTTTT còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất thiết bị vô tuyến có thể tự tin đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Với vai trò là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng, QCVN 55:2023/BTTTT sẽ góp phần nâng cao chất lượng thiết bị, giảm thiểu nguy cơ can nhiễu vô tuyến, thúc đẩy ứng dụng công nghệ không dây một cách an toàn và bền vững hơn trong đời sống hiện đại.