Phú Thọ: Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp

(CL&CS) - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ cho biết, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã luôn hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng.

Nhiều hạn chế trong việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa

Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, ngày 21/10/2021, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch số 4835/KH-UBND về hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó các đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển các ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh, các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, chủ lực, ưu tiên của tỉnh, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu.

Mục tiêu nhằm đưa năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Mục tiêu cụ thể là hỗ trợ 100 - 150 doanh nghiệp, HTX áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân của tỉnh trên 7%/năm...

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ áp dụng thành công các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có tổng số 9,905 doanh nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, do vậy gặp khó khăn trong việc nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

Rất ít doanh nghiệp đầu tư dài hạn trong lĩnh vực sản xuất dịch vụ công nghệ cao, sáng tạo…, nên việc kết nối với các doanh nghiệp FDI còn kém, chưa tạo ra nền tảng vững chắc của sự phát triển. Chưa kể, năng lực công nghệ của các doanh nghiệp tư nhân còn thấp, chưa áp dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp có hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu, ảnh hưởng xấu tới môi trường, trong khi chất lượng và mẫu mã sản phẩm hàng hóa dịch vụ còn hạn chế. Ngoài ra việc áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức; dẫn đến việc quản lý, kiểm soát nội bộ về quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn; năng suất còn thấp, nhiều sản phẩm hàng hóa chưa có sức cạnh tranh cao...

Không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp hệ thống quản lý tiên tiến và công cụ cải tiến 

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc đưa các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh quy trình hóa các hoạt động, qua đó chuẩn hóa và thiết lập các chuẩn mực cần thiết để kiểm soát các hoạt động; tạo lập cách thức làm việc thống nhất và cung cấp đầu ra tin cậy, ổn định, chất lượng,… từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và giúp giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Qua đó, đã có trên 30 doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) được hướng dẫn xây dựng, công bố áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, HTX; trên 50 lượt doanh nghiệp được hướng dẫn thực hiện đăng ký, sử dụng mã số mã vạch cho sản phẩm và ghi nhãn hàng hóa trên sản phẩm; 16 sản phẩm nông nghiệp có lợi thế được đăng ký bảo hộ sở hữu và quản lý phát triển thương hiệu bằng các hình thức nhãn hiệu tập thể; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức để tạo lập 148 văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ... tạo động lực, khích lệ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã giúp cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng quản trị, quản lý sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng. Các hoạt động ứng dụng đã góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thúc đẩy xuất khẩu. Từ đó cho thấy các tổ chức, doanh nghiệp hơn lúc nào hết, cần sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía nhà nước để nâng cao năng lực của mình một cách bền vững và góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh đi lên.

Để tiếp tục đạt được những kết quả như mong đợi, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề xuất thực hiện Dự án “Thúc đẩy áp dụng Hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”. 

Mục tiêu chung của dự án là hỗ trợ áp dụng các Hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng góp phần nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa chủ lực tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năng cao nhận thức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Kết quả bước đầu của dự án đã tư vấn, hướng dẫn 12 doanh nghiệp xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; Đào tạo nhận thức về Tiêu chuẩn ISO, mỗi đơn vị 01 buổi đào tạo; đào tạo về Hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ kiểm soát chất lượng; Xây dựng quy trình, giải pháp ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm phù hợp với thực tiễn của 05 đơn vị; Hướng dẫn các đơn vị xây dựng quy chế quản lý, khai thác việc cung ứng và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Tổ chức 05 buổi tập huấn, hướng dẫn tại 4 đơn vị về quy chế quản lý và cách thức vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, mỗi đơn vị 01 buổi.

Thông qua quá trình hướng dẫn, cán bộ các phòng ban trong công ty nắm được cách thức cập nhật dữ liệu truy xuất và cách tạo mã tem, cách thức in tem truy xuất nguồn gốc. Thực hiện hướng dẫn xây dựng hệ thống VietGAP cho Công ty TNHH SADOECO; Công ty TNHH Chè Hoài Trung và Công ty Cổ phần Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam.

Thực hiện hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho Công ty cổ phần sản xuất và thương mại HAC; Công ty cổ phần nông nghiệp An Tâm, Công ty TNHH Quốc An Việt Trì; Công ty TNHH Chè Hoài Trung, Công ty TNHH SADOECO. Cơ quan chủ trì cũng đã phối hợp với Tổ chức chứng nhận và giám định Quốc tế Isocert, Công ty CP dịch vụ thương mại KH&CN Hùng Vương Hà Nội và Công ty CP Chứng nhận và kiểm định Vinacontrol tổ chức 01 hội nghị tuyên truyền “Áp dụng các Hệ thống quản lý tiên tiến và công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng tại doanh nghiệp”, …

Có thể nói, áp dụng các Hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng là một trong những giải pháp quan trọng bên cạnh những giải pháp về đầu tư đổi mới khoa học kỹ thuật giúp các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất và qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, việc triển khai dự án sẽ mang lại hiệu quả tốt, từ đó giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp phát triển lớn mạnh trở thành nòng cốt kinh tế của tỉnh.

Kết quả thành công bước đầu của dự án sẽ góp phần giúp tổ chức, doanh nghiệp giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất; tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất. Từ đó, sản phẩm của các tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, từng bước khẳng định thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

TIN LIÊN QUAN