Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu rõ: Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Đại biểu Trần Văn Khải phân tích: Thời gian qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đạt được những kết quả nhất định. Việt Nam đã xây dựng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, các chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn cao bằng các chính sách tiền lương, thưởng, phúc lợi hấp dẫn... Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đã được quan tâm. Các tầng lớp doanh nhân giỏi, lao động có trình độ kỹ thuật cao xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, đóng góp đáng kể cho sự phát triển đất nước.
Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Nhờ đó, trong giai đoạn vừa qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng GDP bình quân vẫn đạt khoảng 6%/năm; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm (giai đoạn 2011 - 2015) lên khoảng 6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020).
Tuy nhiên, thực trạng về nguồn nhân lực và năng suất lao động ở nước ta sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII còn nhiều tồn tại, hạn chế. Báo cáo của Chính phủ cho biết, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, vẫn chưa có chuyển biến rõ nét, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển KT-XH. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát vào nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới; thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành phục vụ kinh tế số.
Đại biểu cho rằng, Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ cần làm rõ được điểm cốt yếu trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng năng suất lao động trở thành đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước thời gian tới.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội có giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, phát triển nguồn nhân lực và năng suất lao động. Trên cơ sở đó, ban hành Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về các chính sách đặc thù, đột phá, định hướng, đặt mục tiêu, lộ trình, lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện thành công chủ trương của Đảng.
Bên cạnh đó, đại biểu mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, định hướng kịp thời các chính sách đột phá, nhằm phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ riêng lĩnh vực chíp, bán dẫn thì dự báo nước ta cần đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2025 – 2030. Điều này cho thấy sự "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào.
Từ đó, đại biểu cho rằng, nhiệm vụ lớn, cấp thiết nhất lúc này là phải có chính sách đột phá, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế đang là rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và năng suất lao động.
"Việt Nam sẽ trở lên khác biệt và thịnh vượng trong kỷ nguyên số nếu chúng ta kịp thời có chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", đại biểu tin tưởng.
Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi đối với việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện năng suất lao động, tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.