Nhiều tổ chức góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(CL&CS) - Ngày 23/2, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo liên quan Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Uỷ Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Nhiều chuyên gia cho rằng sau gần 12 năm đi vào cuộc sống, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Song, bên cạnh các kết quả tích cực, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã bộc lộ những hạn chế bất cập. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành, vì vậy việc hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vô cùng cần thiết.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM đánh giá, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội đưa ra góp ý lần này gồm 7 Chương, 79 Điều có nhiều sự đổi mới tiến bộ, cho thấy có sự nghiên cứu sâu sát tình hình quốc tế, có sự tham khảo Luật Bảo vệ tiêu dùng của nước ngoài, có sự rà soát các luật khác có liên quan. Tuy nhiên, cần bổ sung tại Điều 50 của Dự thảo liên quan tới Quyền của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM kiến nghị mở rộng thêm quy định cho các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được liên kết với các tổ chức quốc tế theo quy định pháp luật nếu có điều kiện thuận lợi. Vì hiện nay, tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương như TP.HCM, Đà Nẵng,… đều là những trung tâm kinh tế với thị trường đa dạng, các tổ chức xã hội dù hoạt động trong phạm vi thành phố nhưng cũng có nhiều hoạt động hữu hiệu giúp bảo vệ quyền lợi chẳng những người tiêu dùng mà cả các tổ chức kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, có khả năng hợp tác với các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khu vực và quốc tế, để làm phong phú cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đề nghị bổ sung thêm chương quy định cụ thể về xử lý hành vi vi phạm pháp Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Vì trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) chưa có  nội dung này, điều này vô hình chung sẽ làm giảm đi hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng của Dự thảo luật.

Luật gia Phan Thị Việt Thu kiến nghị về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh phát biểu: Người tiêu dùng hiện nay quan tâm đến vấn đề sức khoẻ, ngày càng đòi hỏi cao về an toàn thực phẩm hàng hoá và cần có những quy định pháp luật cụ thể. Người tiêu dùng cũng chú trọng đến việc sử dụng những sản phẩm sản xuất kinh doanh từ những đơn vị kinh tế xanh. Đề nghị Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quan tâm hơn về những vấn đề này.

TIN LIÊN QUAN