Một trong số đó là dự án tại TP.Thủ Đức, TP.HCM do Công ty Ngôi Sao Gia Định làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, suốt nhiều năm nay, chủ đầu tư vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp phép cho xây dựng công viên cây xanh, là một trong những tiện ích công cộng cho cư dân.
Theo một lãnh đạo của Công ty Ngôi Sao Gia Định, diện tích khu đất xây dựng công viên gần 5.000 m2 do để hoang quá lâu, cư dân phản đối buộc công ty phải bỏ hàng chục tỷ đồng ra làm. Đến khi làm xong bàn giao cho nhà nước nhưng nhà nước không nhận. Ngoài ra, công ty có một dự án khác ở Q.7 theo quy hoạch có khoảng 3.000 m2 đất dùng để xây dựng trường học. Nhưng từ năm 2019 đến nay xin để xây dựng trường học theo đúng chức năng sử dụng đất mà không được.
DN muốn bỏ vốn, bỏ công ra để làm đẹp diện mạo thành phố nhưng lại gặp vô vàn khó khăn vì cơ chế chính sách quá “nhiêu khê”, quá rối rắm và có phần nghịch lý như hiện nay.
Một dự án khác cũng đang mắc kẹt với phần diện tích đất xây công trình công cộng là khu đô thị Vạn Phúc rộng khoảng 120 ha ở TP.Thủ Đức. Theo quy hoạch, bên trong khu đô thị có dành 6,8 ha đất xây dựng công viên nước lớn nhất Đông Nam Á.
Tại thời điểm cách đây 6 năm, chủ đầu tư dành 300 triệu USD, đã ký với đối tác Hàn Quốc để làm dự án này. Dự án cũng đã có quy hoạch 1/500, đã có thông báo cho khởi công và các trang thiết bị, các chuyên gia nước ngoài đã có mặt để khởi công, theo kế hoạch 18 tháng là xong.
Thế nhưng, sau đó cơ quan chức năng đã yêu cầu dừng lại để rà soát vì cho rằng đó là đất công phải giao lại cho nhà nước đem đấu thầu chọn nhà đầu tư. Đến nay dự án đã đắp chiếu gần 6 năm, một khu nhạc nước hoành tráng với bao tâm huyết của chủ đầu tư nhằm phục vụ người dân đã không được thực hiện.
Thời gian qua, người dân tại khu dân cư An Sương (Quận 12) do Công ty HDTC làm chủ đầu tư cũng liên tục có đơn cầu cứu khắp nơi trước việc các công trình công cộng tại khu dân cư này bỏ hoang nhiều năm. Dự án có tổng diện tích hơn 64 ha, với 6,1 ha đất công trình công cộng và 6,8 ha đất công viên cây xanh tập trung…
Hiện tại, cư dân đã sinh sống từ nhiều năm nay nhưng các công trình công cộng như trường học, phòng khám đa khoa, công viên… đã được quy hoạch từ nhiều năm trước đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống. Nguyên nhân xuất phát từ việc chủ đầu tư có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận để đơn vị này kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án công trình công cộng theo hình thức xã hội hóa, với số vốn mà công ty bỏ ra khoảng 1.164 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền sử dụng đất nếu có) nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời có cho hay không, nếu không cho thì phần đất trên được xử lý thế nào.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đầu tư xót xa rằng đất này là đất DN tự bỏ tiền ra mua, tự làm hạ tầng trong khu đô thị. Công trình công cộng cũng làm từ tiền DN không phải vốn ngân sách. DN chỉ muốn làm thật đẹp, thật chỉn chu, thật tốt để phục vụ cư dân của khu đô thị và cho cả người dân ở khu vực này nhưng không thực hiện được.
Đây là lãng phí rất lớn tài nguyên của nhà nước và của DN. Không những thế, chủ đầu tư còn bị khách hàng phản ứng, bị ảnh hưởng uy tín vì cho rằng chủ đầu tư vẽ ra công viên nước để bán bất động sản chứ thực tế không chịu làm.