Sức nóng của BĐS nội đô
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, bất động sản Hà Nội liên tục sốt nóng ở hầu hết các phân khúc khi liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Hiện tượng “sốt” không chỉ diễn ra ở khu vực trung tâm mà ngay các thị trường quận, huyện vùng ven cũng tăng mạnh. Đất đấu giá tại các huyện ven liên tục tạo kỷ lục mới về giá trúng, đẩy giá đất khu vực xung quanh tăng cao.
Chuyên gia nhận định nguyên nhân nguồn cung mở mới tăng với mức giá nóng “bỏng tay" như vậy là do nhu cầu quan tâm bất động sản từ đầu năm 2024 có xu hướng tăng. Theo dữ liệu của batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đất trong quý 3/2024 dự kiến tăng 49% so với cùng kỳ 2023, nhà riêng tăng 25%, chung cư tăng 24%, biệt thự tăng 22%.
Dù vậy, tình trạng giá tăng nhanh trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận và sức mua của những người có nhu cầu thực trên thị trường. Với các nhà đầu tư, việc giá tăng cao cũng khiến thị trường lớn như Hà Nội trở nên kém hấp dẫn hơn do tiềm ẩn nguy cơ giá ảo, nhiễu loạn thông tin và thiếu minh bạch. Thậm chí để mạnh tay dẹp nạn đầu cơ thổi giá, các cơ quan chức năng đã liên tục phải vào cuộc để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Những diễn biến nêu trên của thị trường đang đặt giới đầu tư bất động sản vào tình thế khó khăn trong việc tìm bến đỗ cho dòng tiền. Không ít nhà đầu tư với quỹ tài chính vừa phải đã bắt đầu tìm kiếm các vùng đất mới, được đánh giá trên hạ tầng giao thông, tiềm năng quy hoạch và quan trọng là giá thành hợp lý.
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho biết trước diễn biến giá leo cao hiện nay, cơ hội đầu tư các phân khúc bất động sản ở Hà Nội không còn nhiều. Nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang kênh vàng, tăng gửi tiết kiệm hoặc chuyển sang thị trường bất động sản các tỉnh, nhất là là các thủ phủ du lịch như Hạ Long, Sapa…
“Không chỉ các nhà đầu tư địa phương mà ngày càng xuất hiện nhiều nhà đầu tư Hà Nội đổ về các tỉnh tiềm năng để tìm cơ hội mới”, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho hay.
Ông Lê Xuân Nga - Tổng giám đốc BHS Property cũng cho rằng: “Đã đến lúc, dòng tiền cần tìm đến các dự án ngoại tỉnh để làm giảm sức nóng của thị trường bất động sản Hà Nội. Theo ghi nhận của chúng tôi, có không ít dự án tốt, pháp lý đảm bảo với mức giá phải chăng đang xuất hiện ở các địa phương, kể cả các tỉnh xa.
Đây có thể là sản phẩm đầu tư tiềm năng mà nhà đầu tư có thể cân nhắc trong thời gian tới, thay vì chỉ ‘chăm chăm’ vào một thị trường quá chật chội như Hà Nội”, ông Nga nói.
Dòng tiền “dạt” về các tỉnh
Theo các chuyên gia trong ngành, ngày càng nhiều nhà đầu tư dịch chuyển ra các tỉnh thay vì tập trung vào bất động sản Hà Nội. Xu hướng này bắt đầu từ cuối quý I và ngày càng diễn ra mạnh mẽ khi quỹ đất để thực hiện dự án ở các quận nội đô Hà Nội chỉ còn rất ít và thị trường vùng ven chứng kiến mức giá leo thang đỉnh điểm ở phân khúc biệt thự, liền kề vào quý III/2024.
Nhà đầu tư thường ưu tiên các tỉnh có nhiều tiềm năng và động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ, sở hữu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên hay sở hữu các khu công nghiệp lớn Bắc Giang, Bắc Ninh… Đây cũng là những thị trường hiếm hoi có sự tăng trưởng trong giai đoạn bất động sản nhiều nơi trên cả nước “đứng bánh” từ đầu năm ngoái đến nay.
Theo Chủ tịch Tập đoàn G6 Nguyễn Anh Quê, đối với chung cư, gần đây vẫn có những dự án tiếp tục tăng giá nhưng chỉ mang tính cục bộ, không đại diện cho toàn bộ thị trường. Về đất nền vùng ven, một số người đã đầu tư sớm từ giai đoạn 2022-2023 đã bắt đầu chốt lãi.
Đưa ra dự báo, ông Quê cho rằng, thời gian tới, một số người sẽ có xu hướng chuyển dịch dòng tiền về các tỉnh, nơi giá bất động sản chưa tăng nhiều trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, phải đến năm 2026-2027 thị trường đất tỉnh mới có thể diễn biến sôi động trở lại. Trong đó, các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch sẽ đón nhận dòng tiền trước, sau đó mới lan tỏa rộng hơn tới nhiều tỉnh thành.
Trong khi đó, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản SGO Homes nhận định, khi giá nhà đất Hà Nội tăng cao thì nhu cầu đầu tư sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới.
Hiện nay, các khách hàng có trong tay 5-10 tỷ đồng gần như không còn cơ hội để đầu tư tại thị trường Hà Nội.
Theo quan sát của ông, từ tháng 5 trở đi xu hướng dòng tiền là “chảy” vào các tỉnh ven đô Hà Nội như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… Với thị trường tỉnh, ông Chung nhìn nhận đất nền sẽ hồi phục trở lại vì xét cho cùng đây vẫn thuộc khẩu vị chung của thị trường.
Với sự dịch chuyển ra ven đô, nguồn cung bất động sản tại các khu vực này sẽ trở nên đa dạng hơn, từ đất nền, căn hộ đến các dự án nhà ở liền kề và biệt thự. Điều này giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn và phù hợp với nhu cầu đa dạng của thị trường.
Mặc dù có sự dịch chuyển đầu tư, giá bất động sản tại các khu vực ven đô dự kiến sẽ tăng nhưng vẫn duy trì ở mức hợp lý so với các khu vực trung tâm. Sự ổn định này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
"Sự dịch chuyển đầu tư ra khu vực ven đô vào nửa cuối năm 2024 là một xu hướng tất yếu do các yếu tố về giá cả, quy định pháp luật và sự phát triển cơ sở hạ tầng. Các khu vực ven đô có tiềm năng phát triển bền vững hơn nhờ vào việc quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ. Điều này không chỉ giúp tăng giá trị bất động sản mà còn cải thiện chất lượng sống của cư dân", ông Chung chia sẻ.